Trong không khí se lạnh đầu năm mới 2016, chị Nguyễn Thị Chí (ngụ phường Cam Linh, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) tranh thủ việc sửa sang ngày Tết gọi điện cho từng gia đình từng sống ở xã đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) để vơi đi nỗi nhớ Tết Trường Sa.
Ân tình, chia sẻ
Nhiều năm gắn bó ở quê hương Trường Sa, chị Chí cho biết cứ mỗi dịp Tết đến, cả gia đình ai cũng chộn rộn, mong từng chuyến tàu ghé đảo. Tàu Tết đem đầy đủ hương vị đất liền như nếp, lá dong, heo, gà, hoa mai, bánh mứt… Thế nhưng, không phải lúc nào cũng giữ được phần tươi ngon. Nhiều chuyến tàu thời tiết khó khăn nên khi đến đảo lá dong đã khô héo. “Khi đó, chúng tôi lấy lá bàng vuông, lá tra trên đảo để gói bánh chưng, bánh tét. Nhà nào cũng làm cho mình 5-6 cặp. Vị lá bàng vuông thanh thanh, màu lá thấm vào nếp trắng cũng tạo ra màu xanh. Đêm 30 Tết, các gia đình trên đảo quây quần bên bếp lửa nấu bánh, trò chuyện rôm rã. Chúng tôi cũng làm mai giả, đơm bánh trái cúng ông bà tổ tiên. Không khí ngày Tết chẳng khác gì đất liền” - chị Chí nhớ lại.
Từng giảng dạy ở thị trấn Trường Sa, chị Bùi Thị Nhung xúc động: “Tết ở Trường Sa là Tết của tình thương quân dân. Bộ đội và người dân, ngay cả những đứa trẻ cũng quây quần gói bánh, trò chuyện, tâm sự bên nồi bánh. Bánh tét, bánh chưng ở Trường Sa không còn là chiếc bánh thông thường nữa mà mang vị đặc biệt, vị bánh ân tình, vị bánh chia sẻ”.
Mãi là quê hương
Vì con cái ngày một khôn lớn nên vợ chồng chị Chí cũng như một số gia đình ở Trường Sa phải chuyển vào đất liền sinh sống nhưng với họ Trường Sa mãi là quê hương, là nơi chôn nhau cắt rốn.
Vợ chồng anh Hồ Dương và chị Trương Thị Liền ra đảo Song Tử Tây với quyết tâm xây dựng huyện đảo giàu mạnh. Con của anh chị, cháu Hồ Song Tất Minh, chào đời ngay nơi đầu sóng ngọn gió này. Anh nhớ như in trước khi bé Minh chào đời (vào ngày 16-5-2009), lãnh đạo đảo sợ chị Liền có biến chứng khi sinh nên gợi ý vào đất liền. Tuy nhiên, vợ chồng anh đã gắn bó với vùng đất này nên quyết tâm sinh cháu ở quê hương thứ 2. Khi bé Minh cất tiếng khóc đầu tiên, cả đảo mừng vui khôn xiết.
Anh Dương quyết định đặt tên con là Hồ Song Tất Minh. Hồ là họ cha, Song là Song Tử Tây, Tất là tất cả đồng ý và Minh là tên của Chuẩn đô đốc Phạm Ngọc Minh - Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân. Cũng như những gia đình khác, do ở đảo không có trường THCS nên anh Dương đưa con cái vào đất liền để tiếp tục học tập. “Ước mơ của tôi là sau này cháu Minh trở thành cô giáo về lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình góp sức ươm mầm tri thức cho các thế hệ con em ở huyện đảo Trường Sa” - anh Dương bày tỏ.
Ông Biện Văn Quáng - nguyên Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa, đang công tác tại UBND xã Diên Phước (huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) - cho biết những hộ dân từng sinh sống ở Trường Sa hiện đều ổn định, nhà cửa khang trang. Bà con thường xuyên liên lạc với nhau, mong muốn sẽ có cơ hội quay trở lại miền quê hương biển đảo thân thương của mình.
Bình luận (0)