xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhọc nhằn gieo chữ trên núi Cấm

Bài và ảnh: QUỐC DŨNG

Trường học thiếu giáo viên, thiếu thiết bị trầm trọng, lại không điện, không nước, thậm chí không có cả nhà vệ sinh. Dạy học trên “nóc nhà miền Tây” đầy khó khăn, thiếu thốn, song thu nhập lại thấp hơn dưới đồng bằng

Đó là thực trạng tồn tại nhiều năm nay tại hai ngôi trường THCS Núi Cấm và Tiểu học B An Hảo trên đỉnh núi Cấm, huyện Tịnh Biên - An Giang, nơi được xem là “nóc nhà miền Tây”. Rất nhiều giáo viên khi đến mang đầy nhiệt huyết và đinh ninh sẽ gắn bó lâu dài nhưng đành ngậm ngùi ra đi vì không bám trụ nổi.


Từ không đến thiếu


Đường lên đỉnh núi Cấm, nơi Trường THCS Núi Cấm và Trường Tiểu học B An Hảo tọa lạc, cheo leo với hàng loạt con dốc dựng đứng. Nằm nép mình bên vệ đường của một nơi du lịch hành hương nổi tiếng nhất miền Tây, ít ai nghĩ rằng hai ngôi trường này lại chồng chất khó khăn và tồn tại nhiều bất cập.


Trường Núi Cấm thành lập từ năm 2005, được xây bằng cây rừng, lợp lá và che chắn bạt ni lông. Lo ngại ngôi trường tạm bợ này không chịu nổi mưa gió nên giáo viên đã mượn tạm 2 phòng của Trường Tiểu học B An Hảo bên cạnh để dạy, nơi cũ dùng làm văn phòng và thư viện. Tuy nhiên, “người hàng xóm”- Trường Tiểu học B An Hảo, cũng chẳng khá hơn bao nhiêu.


Thầy Nguyễn Quốc Nam, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Núi Cấm, nhớ lại: “Trước đây, giáo viên phải thức dậy từ 5 giờ lội bộ lên núi. Tới trường, bụng đói meo nhưng cũng chẳng có ai bán gì để ăn, vậy là vào tiết dạy. Trưa phải ở lại trên núi, ăn uống tạm bợ, nghỉ ngơi vật vờ đợi buổi dạy chiều. Đến khoảng 17 giờ, từng người lại lội bộ xuống núi, hơn 2 giờ mới về tới nhà. Nhiều người không đi nổi phải xin tá túc lại nhà dân trên núi”.


Đầu năm học 2009 - 2010, Trường Núi Cấm được xây lại tươm tất. Nhìn ngôi trường mới tinh, thầy Nam ưu tư: “Còn thiếu thốn dữ lắm! Không điện, không nước, không có nhà công vụ cho giáo viên và thiếu thiết bị dạy học”. Trường Núi Cấm có cả thảy 12 giáo viên, tính luôn cả ban giám hiệu.

Do thiếu giáo viên trầm trọng nên hiệu trưởng và hiệu phó cũng phải trực tiếp đứng lớp. Mỗi giáo viên phải phụ trách giảng dạy cả 4 khối, từ lớp 6 đến lớp 9. Nhiều môn không có giáo viên, trường đành phải bỏ. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, tối thiểu mỗi trường phải có 383 bộ thiết bị dạy học nhưng Trường Núi Cấm chỉ có 93 bộ!


Chúng tôi ngỡ ngàng khi nhìn thấy chiếc đèn dầu đặt trên tủ trong phòng ban giám hiệu Trường Núi Cấm. Hiệu trưởng Trần Thanh Phương cho biết: “Trường không có điện dùng. Sở GD-ĐT tỉnh quy định giáo viên phải soạn bài giảng bằng máy vi tính, còn ban giám hiệu phải check mail ngày 2 lần để giải quyết công việc, trong khi trường không được trang bị chiếc máy vi tính nào cả.

Song, có máy cũng không xài được vì không có điện. Hằng ngày chúng tôi phải chạy xuống núi 2 lần để vào tiệm internet mở mail; giáo viên cũng phải xuống núi thuê máy vi tính soạn bài. Chúng tôi mất rất nhiều thời gian, công sức và chi phí cho những việc này, song tất cả đều tự bỏ tiền túi, ảnh hưởng đến thu nhập vốn đã ít ỏi”- thầy Phương thổ lộ.


Vắng dần “bóng hồng”


Điều khốn khổ nhất của các giáo viên trên đỉnh núi Cấm là thiếu nước sinh hoạt. Cả vùng chỉ sống nhờ vào nguồn nước từ cái hồ khoảng 20 m2 được xây dựng trong một dự án và một ao nhỏ. Giáo viên cũng xài nhờ đó nhưng nước lại bị nhiễm phèn và ô nhiễm nặng.

Mang rổ rau đến bên ao nước để rửa, một giáo viên Trường Núi Cấm tên Hiếu ngao ngán: “Rửa vậy thôi chứ nước có sạch đâu! Từ chuyện ăn uống đến tắm giặt, giáo viên và người dân đều phải trông cậy vào nguồn nước ít ỏi và ô nhiễm này”.


Chúng tôi theo chân thầy Hiếu về nơi ở của giáo viên trong trường. Sáu người phải tá túc trong các căn phòng tạm bợ được che chắn bằng đủ thứ vật liệu: gỗ, bạt, thùng mì ăn liền... Do không có nhà công vụ cho giáo viên, nhiều thầy cô ở xa đến công tác đều phải ở đây. “Khó khăn nhất là chuyện vệ sinh cá nhân.

img
Ao nhỏ ô nhiễm, đầy rong rêu này là nguồn nước sinh hoạt của giáo viên trên đỉnh núi Cấm


Trước đây khi chưa có trường mới, 20 giáo viên trong trường phải “đi ngoài” trong bụi rậm vì không có nhà vệ sinh. Bây giờ trường xây mới có nhà vệ sinh, giáo viên có thể xài ké với học sinh”- thầy Hiếu cho biết.


Trường Tiểu học B An Hảo càng tệ hơn khi không có nhà vệ sinh tự hoại. Giáo viên phải dùng bạt, tôn cũ che chắn và đào lỗ để “giải quyết”. “Học sinh tiểu học chưa có ý thức, các em cứ “đi” bừa bên góc trường, thậm chí ở sân, gây ô nhiễm nặng nề nhưng chúng tôi không sao quản nổi.

Trường đã nhiều lần xin kinh phí xây nhà vệ sinh nhưng tới nay vẫn không có” - thầy Nguyễn Thành Trung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học B An Hảo, bức xúc.


Chính vì điều kiện “đặc thù” như thế nên cả hai trường trên núi Cấm có tất cả 23 giáo viên nhưng ngày càng vắng dần “bóng hồng”, hiện chỉ còn toàn thầy giáo.


Chạy xe ôm mới đủ trang trải


“Nhiều năm nay, dù dạy ở vùng núi non hiểm trở, đi lại khó khăn nhưng chúng tôi không được hưởng chế độ gì ngoài lương và phụ cấp ngành. Thu nhập thấp, chi phí sinh hoạt lại cao nên cuộc sống của giáo viên trên núi Cấm hết sức khó khăn”- thầy Nguyễn Quốc Nam bức xúc.


Chúng tôi thật xót xa khi chứng kiến cảnh một số giáo viên tranh thủ 2 ngày nghỉ cuối tuần để chạy xe ôm đưa rước khách lên xuống núi kiếm thêm thu nhập. Gặp chúng tôi, một giáo viên ngượng ngùng: “Làm thêm vậy mới đủ trang trải. Chúng tôi chạy xe ôm nhưng đâu dám chào mời, bắt khách như những người khác”.

img
Giáo viên trên núi Cấm thắp đèn dầu chuẩn bị giáo án


Trong giờ đứng lớp, nhiều giáo viên cứ ngóng ra đường chờ mua thực phẩm cho bữa ăn trong ngày. Thầy Hiếu phân bua: “Lo dạy không để ý người bán hàng đi qua, đến khi tan lớp về không có gì ăn, tụi tôi phải dùng nước mắm kho quẹt. Nếu mua được đồ ăn thì giá cũng cao ngất ngưởng, gấp rưỡi dưới chân núi. Chúng tôi bận bịu quá, không có điều kiện xuống núi đi chợ mỗi ngày nên phải mua của những người đem hàng lên đây bán. Giáo viên mới ra trường chỉ hưởng 85% lương không cách nào sống nổi ở đây”.


Nhiều năm nay, giáo viên ở núi Cấm đã liên tục đề đạt nguyện vọng đến các cơ quan chức năng trong tỉnh, xin xem xét, giải quyết chế độ để nâng cao thu nhập, song tất cả vẫn rơi vào im lặng. “Không phải đứng núi này trông núi nọ nhưng ngay dưới chân núi Cấm, giáo viên công tác được hưởng nhiều chế độ với thu nhập 240%/tháng. Như thế, giáo viên sẽ xin về nơi đó công tác, khỏi lên núi tốn chi phí, điều kiện khó khăn lại mất thu nhập”- thầy Nam bộc bạch.


Mọi chuyện bỗng trở nên căng thẳng khi cách nay không lâu, 4 người trong ban giám hiệu 2 trường trên núi Cấm đồng loạt làm đơn xin từ chức. Thầy Nam giải thích: “Giáo viên ở đây đã chờ đợi mỏi mòn song không được giải quyết quyền lợi. Do đã hứa với anh em sẽ đề nghị cấp trên xem xét chuyện thu nhập nhưng không được giải quyết, chúng tôi nhận thấy mình không còn đủ năng lực lãnh đạo họ”.


Sau sự việc trên, lãnh đạo UBND và Phòng Giáo dục huyện Tịnh Biên đã lên núi Cấm tìm hiểu tình hình và hứa sẽ xem xét, giải quyết nguyện vọng của giáo viên, song đến nay vẫn chưa có gì chuyển biến. Thầy Trần Thanh Phương tâm sự: “Năm nay anh em vẫn ở lại công tác với hy vọng sẽ có sự thay đổi như lời hứa của lãnh đạo huyện và phòng. Nếu không được giải quyết, lòng nhiệt huyết, sự tha thiết gắn bó với trường lớp trên núi Cấm sẽ lụi tàn”.

Không bám trụ nổi

Chính vì điều kiện kham khổ nên giáo viên ở núi Cấm cứ xin thuyên chuyển liên tục. Ban giám hiệu 2 trường ở đây không còn nhớ nổi đã bao nhiêu lần tiễn người cũ đi, đón người mới về.

Năm 2005, khi mới thành lập còn tạm bợ nhưng Trường Núi Cấm cũng đã thu hút nhiều giáo viên tình nguyện đến công tác. Song chẳng bao lâu, không ít người đã ngậm ngùi ra đi.

Các năm tiếp theo, việc xin thuyên chuyển công tác nơi khác của giáo viên diễn ra càng nhiều hơn, gây áp lực lớn cho ban giám hiệu. “Năm học 2007-2008, trường có 10 giáo viên thì 5 người xin chuyển.

Năm học 2008-2009 lại thêm 2 giáo viên bỏ đi. Hồ sơ xin chuyển rất nhiều nhưng ban giám hiệu cố tìm cách giữ chân giáo viên. Trường không có chế độ nào thu hút giáo viên giỏi, giáo viên mới về công tác và càng không thể giữ chân anh em ở lại.

Mình phải bảo đảm được cuộc sống thì họ mới gắn bó lâu dài với trường lớp. Nhiều giáo viên công tác lâu năm và có quyết tâm trụ lại mảnh đất này, song rốt cuộc cũng phải bỏ đi.

Chúng tôi còn gắn bó đến hôm nay là vì thấy cảnh học sinh băng rừng, vượt núi, đội mưa đi học, không đành lòng dứt bỏ, phải ở lại” – thầy Nguyễn Quốc Nam trăn trở.


Tương tự, Hiệu trưởng Trường Tiểu học B An Hảo Nguyễn Thành Trung cho biết từ khi thành lập từ năm 1998 đến nay, không có năm nào trường không có giáo viên bỏ đi.

“Cố gắng lắm thì họ cũng dạy đủ một năm là xin chuyển đi trường khác. Có người khi phân công về đây dạy, xin chuyển không được đành bỏ nghề chứ quyết không bám trụ”- thầy Trung rầu rĩ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo