Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên Tổ trưởng Tổ xử lý, Đội CSGT số 1 Công an TP Hà Nội:
Ừng xử linh hoạt, cầu thị
Quá trình làm nhiệm vụ, nếu người vi phạm có thái độ quá khích, CSGT phải thể hiện được bản lĩnh nghề nghiệp, giữ bình tĩnh, ứng xử linh hoạt để giải quyết. CSGT phải luôn giữ thái độ đúng mực, cầu thị; lắng nghe người vi phạm giải thích, không tranh luận, cãi "tay đôi" để tránh gây thêm căng thẳng, sau đó khéo léo vận động giúp họ bình tĩnh, đồng thời gọi điện báo cáo cấp trên để giải quyết.
Trường hợp lực lượng CSGT đã cầu thị, tạo được sự đồng thuận của những người chứng kiến mà người vi phạm vẫn cố tình chống đối, lăng mạ hoặc tấn công thì CSGT hoàn toàn có quyền sử dụng biện pháp nghiệp vụ để trấn áp, bắt giữ đối tượng.
Trung tá Phan Văn Thương, Phó Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng:
Giải quyết thấu tình đạt lý
Để hạn chế việc xảy ra xô xát, cự cãi hay các hành vi thóa mạ CSGT, chúng tôi thường quán triệt anh em trong lúc làm nhiệm vụ phải có cách nói chuyện, cử chỉ đúng đắn, giải thích thấu tình đạt lý những cái sai của người vi phạm cho họ hiểu và chấp nhận. CSGT Đà Nẵng luôn giữ hình ảnh ôn hòa, nhẹ nhàng, thậm chí là dễ thương trong mắt người dân không chỉ ở Đà Nẵng mà cả nước. Chúng tôi cũng khuyến cáo cán bộ, chiến sĩ ngoài việc làm đúng quy định pháp luật còn phải xét đến hoàn cảnh thực tế để có thể thông cảm cho trường hợp vi phạm không quá nghiêm trọng. Để tránh trường hợp bị lăng mạ, tấn công, trong những ca trực đo nồng độ cồn hay ở các điểm đen, điểm nóng, CSGT làm nhiệm vụ còn có sự hỗ trợ của cảnh sát cơ động… nhằm ứng phó nếu gặp các tình huống không hay.
Chúng tôi còn tổ chức những buổi sinh hoạt, nói chuyện giữa các CSGT để rút kinh nghiệm ứng xử khi làm nhiệm vụ. Tại các buổi sinh hoạt này, lãnh đạo phòng thường chiếu các đoạn clip về những vụ nổi cộm liên quan đến CSGT trên cả nước để phân tích và rút kinh nghiệm thực tế cho anh em.
Thượng tá Nguyễn Văn Bé, Phó Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ngãi:
Hết sức tế nhị!
Tại Quảng Ngãi chưa xảy ra trường hợp tấn công hoặc chống đối, xúc phạm lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, để ngăn chặn tình trạng này, ngoài việc kết hợp với lực lượng giữ gìn trật tự khi làm nhiệm vụ, CSGT Quảng Ngãi còn thường xuyên nhắc nhở anh em khi làm nhiệm vụ phải hết sức tế nhị, cư xử đúng mực, hợp tình hợp lý. Chỉ khi nào người vi phạm có hành vi quá đáng hoặc đe dọa, xúc phạm nghiêm trọng, CSGT mới có biện pháp xử lý mạnh.
Anh Phan Văn Chanh Ly, kinh doanh bất động sản ở TP Cần Thơ:
Một số người cố tình làm trái
Sở dĩ có việc người vi phạm trật tự an toàn giao thông chống đối là do nhiều người chưa nắm rõ pháp luật về giao thông nên khi bị CSGT kiểm tra thì bức xúc, cự cãi, xô xát. Bên cạnh đó, một số người dù hiểu rõ pháp luật về giao thông đường bộ nhưng cố tình làm trái, cậy thế, ỷ quyền, xem CSGT không ra gì nên mới chống đối.
Luật sư Trần Thị Ánh, Đoàn Luật sư TP HCM:
Chế tài chưa đủ răn đe
Gần đây hay xảy ra tình trạng người vi phạm trật tự an toàn giao thông nhưng chống đối lực lượng CSGT. Có việc này một phần là do ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của một số người chưa cao, một phần vì có những vụ vi phạm nhưng cách xử lý của CSGT chưa khách quan, thiếu thuyết phục, tạo bức xúc cho người dân. Ngoài ra, do hình thức chế tài chưa đủ sức răn đe nên dẫn đến tình trạng xem thường pháp luật...
Đại tá Phạm Văn Uấn, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Gia Lai:
Tâm lý đám đông, hùa theo rất lớn
Ý thức chấp hành luật lệ giao thông ngày càng xuống thấp. Nhiều người vi phạm sau khi xin xỏ không được thì quay sang chửi bới, lăng mạ CSGT. Nhiều người lấy điện thoại quay clip rồi tung lên mạng xã hội. Người xem không biết nội dung đúng sai như thế nào cũng cứ hùa theo chống đối lại lực lượng làm nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, tâm lý đám đông, hùa theo phong trào hiện nay rất lớn. Cụ thể, khi một CSGT xử lý và bị người vi phạm chống đối, những người xung quanh chưa biết sự việc cụ thể như thế nào nhưng cứ hùa vào lăng mạ, xúc phạm lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.
Trung tá Huỳnh Thanh Bình, Phó Phòng CSGT, Công an tỉnh Đắk Lắk
Phải linh hoạt, mềm mỏng
Người vi phạm giao thông chống đối, lăng mạ lực lượng CSGT thường xảy ra trong lúc những người này say rượu bia, không làm chủ được bản thân hoặc thiếu hiểu biết pháp luật. Để hạn chế những tình trạng này, ngành công an đã có chỉ đạo trong quá trình công tác, lực lượng CSGT phải linh hoạt, mềm mỏng, khéo léo giải thích cặn kẽ cho người vi phạm biết được lỗi của mình. Nếu người vi phạm giao thông vẫn tiếp tục chống đối, manh động thì phải kiên quyết xử lý, trấn áp theo quy định của pháp luật, không để gây dư luận xấu trong xã hội. Để thực hiện được vấn đề này, ngoài việc tăng cường, phối hợp giữa các lực lượng thì phải trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ, vũ khí để trấn áp nhưng phải sử dụng vũ khí đúng quy định.
Ông Trương Hữu Hiệp, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lâm Đồng:
Còn nhiều ràng buộc
Thông tin gần đây xảy ra nhiều vụ chống người thi hành công vụ liên quan đến mất ATGT là do chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Cụ thể, hiện nay, đối với lực lượng CSGT xử phạt người vi phạm ở các mức sau: Với lỗi nhẹ thì xử phạt vi phạm hành chính, nặng hơn có thể cấu thành hành vi chống người thi hành công vụ với chế tài xử phạt không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; hoặc rơi vào khung phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần gây hậu quả nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm thì mức phạt từ 5-7 năm. Như vậy, chế tài này chưa đảm bảo cho các đối tượng chuẩn bị có hành vi chống đối người thi hành công vụ e dè. Ngoài ra, công cụ hỗ trợ cũng như vũ khí trang bị cho CSGT còn hạn chế, cũng như quy định đối với việc sử dụng vũ khí khi gặp tình huống đối tượng chống người thi hành công vụ còn nhiều ràng buộc.
Ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban ATGT tỉnh Lâm Đồng:
Tích cực đổi mới
Để hạn chế tình trạng này, nhiệm vụ lâu dài Ban ATGT tỉnh là tích cực đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT tới mọi đối tượng, nhất là đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa. Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị - xã hội đẩy mạnh thực hiện phong trào "Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT" và phát động phong trào "Toàn dân thực hiện văn hóa giao thông", trong đó chú trọng vào giới trẻ, thanh, thiếu niên.
Trước mắt, Ban ATGT yêu cầu huy động các lực lượng CSGT, cảnh sát trật tự, cảnh sát hình sự tăng cường kiểm tra đảm bảo ATGT trên các tuyến đường trọng điểm và các đường nội ô. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo chuyên đề đối với xe khách như vi phạm về tải trọng, sử dụng phương tiện không đảm bảo an toàn kĩ thuật, phương tiện hết niên hạn sử dụng, chạy sai hành trình, đón trả khách sai quy định, vận chuyển hàng cấm, pháo nổ… Chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông phối hợp CSGT và cảnh sát trật tự có biện pháp ngăn chặn, kiên quyết xử lý các trường hợp phương tiện chở quá số người quy định, tài xế điều khiển xe đã sử dụng rượu bia.
B.Vân - T.Trực - C.Tuấn - Đ.Thi - K.Nam - C.Nguyên ghi