xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhộn nhịp phiên chợ đồ xưa

Bài và ảnh: Văn Duẩn

Chợ họp vào thứ bảy hằng tuần trong một ngõ nhỏ trên đường Hoàng Hoa Thám, TP Hà Nội. Chủ và khách không coi trọng chuyện bán mua, lời lỗ mà chủ yếu xem đây là dịp giao lưu, trao đổi giữa những người mê đồ cổ, đồ cũ

Từ ngõ 456 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, TP Hà Nội xuống con dốc thoai thoải là đến khu vườn rộng khoảng 400 m2 của Lư Trà quán. Trong khuôn viên quán với nhiều cây to phủ bóng mát, có khoảng 45 quầy hàng bày bán những món đồ cổ, đồ cũ.

Lưu giữ ký ức

Anh Kiều Quốc Khánh - nguyên Chủ nhiệm CLB Thư pháp Hà Nội, chủ nhân chợ phiên đồ xưa - cho biết chợ được tổ chức như một cuộc “offline” của những người đam mê đồ cổ, đồ cũ. “Nơi đây như một bức tranh thu nhỏ về Hà Nội trải dài qua nhiều thời kỳ, từ các thời đại phong kiến xa xưa đến những lúc khốn khó trong chiến tranh hay thời xây dựng đất nước. Tất cả Hà Nội đều có ở đây, một Hà Nội rất khác với thế giới ồn ào, náo nhiệt ngoài kia” - anh Khánh giới thiệu.

Phiên chợ đồ xưa chỉ họp vào sáng thứ bảy hằng tuần, dành cho những người mê sưu tầm đồ cổ, đồ cũ. Chợ hoàn toàn miễn phí vào cổng, khách đến nếu chỉ tham quan, ngắm nghía, sờ mó mà không mua hàng thì cũng chẳng sao. Với các chủ quầy hàng, họ cũng chỉ phải trả một khoản nho nhỏ tiền điện, nước, dọn dẹp.

Ai đã từng sống thời đất nước còn gian khó sẽ tìm thấy ở phiên chợ độc đáo này đủ thứ gợi nhớ ký ức. Đó là những lá thư, con tem của thập niên 1960-1970, là các loại tiền xu, tiền giấy trước những năm đổi mới. Đó là những chiếc đèn dầu Hoa Kỳ, đèn bầu pha lê Pháp, quạt con cóc, mắt kính, ấm chén, đồng hồ, bình hoa, đồ đựng trầu, thìa nhôm Liên Xô… Thậm chí, từ chân bàn cũ, sách cũ hay những kỷ vật chiến tranh như ba lô, bi đông, lược nhôm làm từ thân máy bay đến đồ dùng còn sót lại từ thời bao cấp như bát sành, bát sứ, lọ hoa, đèn dầu, đồng hồ đeo tay, điện thoại bàn... cũng có mặt ở đây.

 

Một góc phiên chợ đồ xưa ở Hà Nội
Một góc phiên chợ đồ xưa ở Hà Nội

 

“Hầu hết những món đồ đều được thu mua, sưu tầm tại Hà Nội. Để xác định giá trị của các loại đồ xưa, chúng tôi đã mời những người am hiểu đồ cổ, đồ cũ đến giao lưu và cùng trao đổi, cung cấp thông tin về lịch sử, văn hóa của chúng. Dù không quảng cáo gì nhưng từ khi khai trương vào tháng 6-2013 đến nay, cứ mỗi sáng thứ bảy, khách hàng lại nhộn nhịp tìm đến phiên chợ này để cùng nhìn ngắm, trao đổi, mua bán những món đồ cũ, đồ cổ mà chúng tôi đã dày công sưu tầm” - anh Khánh hào hứng.

Chợ rất đông khách. Chúng tôi thấy có cả già lẫn trẻ, cả những cô cậu sinh viên đến sưu tầm những đồ vật có ý nghĩa văn hóa, lịch sử. Mỗi phiên chợ có khoảng 300-600 khách đến tham quan, mua bán. Không như những phiên chợ khác, ở đây hoàn toàn không hề có ai to tiếng hay cãi nhau. Các chủ quầy lịch sự và nhã nhặn, tận tình trao đổi, giải thích về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng của những món đồ, cho dù khách có mua hay không.

Bên cạnh việc trao đổi, buôn bán, mỗi phiên chợ đều có những buổi đấu giá làm từ thiện. Sản phẩm đấu giá là những món đồ xưa được các chủ quầy hàng trao tặng, trong đó có nhiều kỷ vật chiến tranh. Toàn bộ số tiền thu về được dành giúp trẻ em tật nguyền, gia đình có hoàn cảnh khó khăn…

Với nhiều người, khi đến phiên chợ đồ xưa, giá cả của món hàng bao nhiêu không quan trọng bằng thứ họ yêu thích hoặc đang săn lùng. “Có người cả năm trời tìm một chiếc tráp bằng gỗ trắc không ra nhưng khi đến với phiên chợ này lại may mắn mua được. Đôi khi thấy món đồ mình đang săn lùng được bày bán, cảm giác của chúng tôi như vớ được báu vật” - một khách hàng bộc bạch.

Nhiều chủ quầy trưng bày những món hàng mình có chỉ với mục đích giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về đánh giá, thẩm định đồ cổ hoặc đơn giản là cho nhau xem những thứ “độc”. Nhưng một khi thích món đồ nào đó thì các tay chơi sẵn sàng chi ra một số tiền không nhỏ để sở hữu. “Đơn giản vì chúng tôi thích đồ cổ, độc đáo và có giá trị về nhiều mặt” - một người sưu tầm đồ cổ bày tỏ.

Thỏa niềm đam mê

Tại phiên chợ đồ xưa mới đây, chúng tôi gặp ông Nguyễn Châu - nhà ở quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội - đang mân mê một chiếc đèn pha lê được người bán giới thiệu là của Pháp. Chủ quầy ra giá 20 triệu đồng kèm cái nháy mắt hóm hỉnh: “Nếu bác mua thì con bớt chút đỉnh”.

Ông Nguyễn Văn Thân - nhà ở tận huyện Quốc Oai, ngoại thành Hà Nội - cho biết đã lặn lội hơn 20 km đi đến chợ để chỉ mua chiếc bi đông đựng nước mà hồi ở chiến trường, những người lính như ông vẫn thường mang bên mình khi hành quân, sinh hoạt. “Phiên chợ này có nhiều kỷ vật gắn bó với thời kỳ kháng chiến của dân tộc khiến tôi rất xúc động. Tôi đến xem và mua những thứ phù hợp với túi tiền của mình” - ông cho hay.

Ông Nguyễn Hải - nhà ở quận Cầu Giấy, TP Hà Nội - thì đến chợ để tìm vài đồ dùng thời bao cấp. “Nhà tôi có căn phòng nho nhỏ để cất những đồ dùng cũ. Thời bao cấp khó khăn, có được chiếc cassette hay quạt máy là oách lắm rồi. Qua thời gian, một vài món đồ thất lạc nên tôi đến đây để tìm lại những thứ tương tự ” - ông nôn nóng.

Gian hàng tiền cũ và đồng xu cổ luôn thu hút đông khách. Ngoài tiền Việt, người bán còn trưng cả tiền Zimbabwe, Nigeria đủ loại mệnh giá. Anh Hùng, người bán hàng, cho biết bình thường, những người yêu thích sưu tập vẫn trao đổi thông qua website chuyên mua bán tiền cũ. “Nhiều người đến chợ là để thỏa mãn ngắm nghía trực tiếp trước khi quyết định bỏ tiền ra mua” - anh giải thích.

Theo tiết lộ của nhiều người sưu tầm đồ cổ, có thể do may mắn hoặc dày công săn tìm mà họ sở hữu được những món đồ “độc”, giá trị cao. Các món đồ này có khi mang lại cho người sở hữu những khoản tiền kếch xù nếu đem bán. Có những món đồ tồn tại ở nhiều làng, xã nhưng người dân không biết giá trị của chúng, thậm chí còn xem đó như những thứ vứt đi…

Say sưa bên những bộ sưu tập tem trong phiên chợ, một nhóm đàn ông đã ngoài 50 tuổi hào hứng bàn luận về những con tem giá trị được chủ nhân dày công sưu tập. Với người đam mê đồ cổ nhưng điều kiện kinh tế không đủ để sở hữu những món hàng độc đáo, đắt giá thì họ đến với phiên chợ đồ xưa để được nhìn tận mắt, sờ tận tay, đôi khi chỉ chụp một tấm hình lưu niệm.

Không xem nặng lợi nhuận

“Có người cắc cớ bảo xã hội phát triển, kinh tế khá lên, sao chúng tôi cứ phải “đắm đuối” về những thứ nghèo khó một thời. Chúng tôi không nghĩ vậy. Dù không ôm khư khư quá khứ nhưng chúng ta cũng không được phép lãng quên. Nếu không trân trọng quá khứ, chúng ta sẽ chẳng thể có một tương lai tốt đẹp” - anh Khánh khẳng định.

Anh Lê Thanh Tùng - đến từ quận Đống Đa, TP Hà Nội - là chủ quầy hàng chuyên về tem, bì thư, sách cũ, tiền xu, tiền giấy. Tùng cho biết anh tham gia chợ phiên này không đặt nặng vấn đề lợi nhuận mà cốt yếu lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa. “Khu chợ này mang những nét đặc trưng của không gian hoài niệm, đó là một Hà Nội cổ xưa, đẹp mộc mạc, giản dị” - anh nhận xét.

Giới thiệu với chúng tôi về những chiếc đèn dùng trong kháng chiến chống Pháp, chiếc lược làm từ thân máy bay B-52…, anh Vũ Văn Phong, chủ quầy hàng về những kỷ vật chiến tranh, cho rằng chiến tranh đã đi qua nhưng những ký ức về nó sẽ không bao giờ bị quên lãng. “Đặc biệt là chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn đọng lại và in sâu trong lòng nhiều người dân Hà Nội. Vì vậy, tôi cố gắng sưu tầm những kỷ vật trong các trận chiến đấu để nhớ về một thời khói lửa, qua đó giáo dục thế hệ trẻ hiểu về lịch sử, truyền thống cũng như giúp các cựu chiến binh trở về với ký ức thời hoa lửa đầy khí phách” - anh Phong mong mỏi.

 

Lo bị thương mại hóa

Không chỉ có khách hàng quanh khu vực Hà Nội, nhiều người mê đồ cổ, đồ cũ ở tận Nghệ An, Ninh Bình, Nam Định, Hải Phòng... cũng tìm đến phiên chợ đồ xưa với mong muốn kiếm được món hàng ưa thích và giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về sưu tầm, lưu giữ chúng. Ngoài ra, chợ phiên đồ xưa ở Hà Nội còn mang hàng đi giao lưu cùng những người đam mê đồ cổ, đồ cũ ở Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hải Dương...

 

Anh Kiều Quốc Khánh và chủ một quầy hàng giới thiệu chiếc bi đông đựng nước thời kháng chiến chống Mỹ
Anh Kiều Quốc Khánh và chủ một quầy hàng giới thiệu chiếc bi đông đựng nước thời kháng chiến chống Mỹ

 

Giờ đây, khi lượng khách tìm đến chợ phiên đồ xưa ngày càng đông, khuôn viên Lư Trà quán không đủ sức chứa và mỗi tuần tổ chức một phiên cũng không đáp ứng được nhu cầu, anh Khánh và các cộng sự dự định mở thêm chợ ở địa điểm khác. Tuy nhiên, anh trăn trở: “Chỉ sợ mở ra thêm, chợ không còn được ấm áp, tình cảm như ở nơi này. Khi bị thương mại hóa thì ý nghĩa văn hóa, lịch sử của những món đồ sẽ bị phai nhạt”.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo