Phía hữu ngạn sông Nhà Bè thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với địa thế thuận lợi về kết nối giao thông, hạ tầng đã thu hút khá nhiều nhà đầu tư đặt các tổng kho cung ứng xăng dầu, trong khi đối diện (thuộc TP HCM) hiện hệ thống cảng đã tấp nập. Vì vậy, tỉnh Đồng Nai kỳ vọng phía bờ Bắc của con sông này cũng sẽ sớm trở thành trung tâm cung ứng xăng dầu lớn có sức hút mạnh mẽ các nhà đầu tư chứ không để hoang hóa như hiện nay.
Đánh thức vùng đất ven sông
Khu vực được dự tính sẽ trở thành “tổng hành dinh” xăng dầu nằm ở mé trung tâm huyện Nhơn Trạch. Đây là vùng đất bồi còn tương đối hoang vắng, nhà cửa thưa thớt, hạ tầng bước đầu được xây dựng. Gần đây, với tốc độ phát triển hạ tầng giao thông nhanh, địa bàn này trở thành điểm thuận lợi để vận chuyển, kết nối trong toàn vùng.
Địa bàn này được kết nối nhờ Tỉnh lộ 25B khá rộng, kéo dài đến cảng Cát Lái, nối TP HCM. Mới đây, ở một phía khác, Tỉnh lộ 319 đã khởi công đoạn tiếp nối với đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây sắp hoàn thành sẽ giúp cảng Nhơn Trạch thêm thuận lợi về giao thông. Thêm nữa, các dự án như đường 25C, đường Vành đai 3 nối Tân Vạn và đặc biệt là đường cao tốc Bến Lức - Long Thành vừa khởi công gói cầu Phước Khánh (Nhơn Trạch) sẽ khiến địa bàn này trở nên nhộn nhịp hơn.
Tại khu vực dự tính trở thành cụm cảng Nhơn Trạch, hiện còn tương đối hoang sơ nhưng cũng đã có ít nhất 10 dự án cảng, tổng kho “đặt chỗ”. Đầu tiên là hệ thống kho cảng rộng hơn 30 ha của một đơn vị quốc phòng. Tiếp đến là kho bãi của Công ty CP Vật tư Xăng dầu Comeco với trữ lượng khoảng 40.000 m3. Ngoài ra, còn có các kho cảng của Công ty Dầu khí Đồng Tháp, Tổng Công ty Tín Nghĩa… Theo Phòng Quản lý đô thị huyện Nhơn Trạch, hầu hết các dự án thu hút đầu tư tại đây đều có tổng vốn lên đến cả ngàn tỉ đồng trên diện tích cả trăm hecta.
Một lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị huyện Nhơn Trạch cho biết hiện tại, với điều kiện nhà cửa dân cư còn thưa thớt, chủ yếu là các hộ làm nông nghiệp và nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trên sông nên việc đền bù giải phóng mặt bằng là không đáng kể. Do vậy, các nhà đầu tư đang đặt nhiều sự quan tâm. “Thời gian qua, nơi đây thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đơn vị tập kết và vận chuyển xăng dầu nên huyện đang nhắm vào đây như một vùng tập trung chiến lược. Phải bắt đầu đánh thức vùng đất ven sông này chứ bờ phía TP HCM đã nhộn nhịp lắm rồi…” - vị này bày tỏ.
Tăng tốc trong tương lai
Ông Lê Thành Mỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, cho biết các cụm cảng tại đây đang được nhiều doanh nghiệp đầu tư khá mạnh. Tuy nhiên, nếu hệ thống các đường lớn của tỉnh và trung ương đi qua vùng này khá thuận lợi thì hệ thống đường sá kết nối trực tiếp từ cụm cảng ra trung tâm chưa được đầu tư nhiều.
“Huyện rất quan tâm vấn đề phát triển chiến lược ở khu cụm cảng. Tuy nhiên, nếu nói thuận lợi về việc kết nối nhờ các con đường chính đi qua vùng này thời gian gần đây thì cũng chưa chính xác vì từ trước tới nay, ở đây vẫn là vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, đường sá vào trực tiếp vẫn còn thiếu” - ông Mỹ nhận định.
Ông Lê Quang Bình, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai, khẳng định tỉnh đang phối hợp với huyện quan tâm đến chiến lược phát triển cụm cảng. Chủ trương phát triển vùng này thực hiện theo hình thức công - tư kết hợp, đường sá sẽ được nâng cấp, cả hệ thống đường bộ và đường thủy sẽ được khơi thông. Theo đó, tổng vốn dự kiến đầu tư phục vụ phát triển hạ tầng bước đầu tại đây từ khoảng 5.000-6.000 tỉ đồng.
“Hiện chưa nói trước là phát triển nhanh như thế nào nhưng trong tầm nhìn chiến lược, cụm cảng này sẽ được xây dựng, phát triển theo hướng quy hoạch cùng nhóm cảng biển Đông Nam Bộ, hòa vào sự phát triển vùng…” - ông Bình nói.
Khánh thành bến tàu 30.000 DWT
Giữa tháng 9, Công ty CP Cảng Đồng Nai đã đưa vào vận hành bến tàu có tỉ trọng 30.000 DWT (DWT - đơn vị đo lường tương đương tấn) tại cảng Gò Dầu, huyện Long Thành thuộc hệ thống cảng Đồng Nai. Bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Đồng Nai, cho biết đây là bến tàu lớn nhất tại tỉnh Đồng Nai, dài 457 m, rộng 22 m, đón được các loại tàu có tải trọng đến 30.000 DWT, phục vụ cơ bản nhu cầu tại KCN Gò Dầu và các vùng lân cận...
Bình luận (0)