Nghi can trong vụ chạy án là ông Phan Văn Khang, chồng của một nữ thư ký Tòa Hình sự thuộc TAND TP HCM. Ông Khang bị bắt quả tang khi nhận 85 triệu đồng từ tay của bà Mai Thị Ngọc Vân (ngụ quận Tân Bình) tại một địa điểm ở quận Tân Bình.
Công an đang điều tra xem liệu nữ thư ký tòa có liên quan gì đến việc chạy án của chồng mình hay không nhưng vụ việc này thêm một lần nữa khiến dư luận có cái nhìn không tốt về ngành tòa án, cơ quan thực thi pháp luật.
Chạy án nào phải là một cuộc mua bán bình thường mà là sự “mua bán tội”. Chúng ta không quy kết nhưng phải thừa nhận những kẻ có quyền, có tiền đã biết cách và khá thành công trong việc bao biện, “mua” được tội lỗi của mình. Hàng loạt thành viên hội đồng quản trị của một doanh nghiệp nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng trong việc lắp đặt và vận hành đường ống nước sông Đà đã không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Những cán bộ tham nhũng tiền tỉ chỉ nhận mức án “tượng trưng”. Những kẻ giàu có thể dọn sạch sẽ một khu dân cư của người nghèo để thực hiện các dự án nhưng chẳng ai làm gì được...
Chạy án không còn là việc xa xôi nữa mà đã là nỗi nhức nhối của xã hội hiện nay. Đánh người gây thương tích cũng "chạy", kinh doanh bất lương bị bắt cũng "chạy", cán bộ sai phạm bị truy tố cũng "chạy", con tranh chấp tài sản với bố mẹ cũng "chạy"... Một xã hội dân chủ, công bằng thì không thể để vấn nạn này lộng hành như thế. Nó sẽ xói mòn tất cả niềm tin vào bộ máy tư pháp, vào nền pháp trị, làm người dân ngờ vực vào thành quả mà xã hội gầy dựng. Quan trọng hơn là chạy án làm người ta quen với cái ác, lạm dụng cái ác để giải quyết các vấn đề xã hội. Khi cái ác lộng hành, sự thiện lương sẽ bị giết chết.
Tại hầu hết các tòa án, chúng ta luôn thấy có đặt một bức tượng nữ thần công lý, một tay cầm kiếm, một tay cầm cân, mắt bịt bằng một băng vải. Kiếm biểu trưng cho quyền lực, cân biểu trưng cho sự công bằng và băng vải bịt mắt biểu trưng cho sự khách quan. Nếu tòa án công tâm, nghiêm khắc thì nữ thần công lý là biểu tượng của quyền lực không gì thay đổi. Còn nếu cán bộ thực thi pháp luật có thể nhận tiền để bênh vực kẻ ác, cái xấu, bỏ mặc người thế cô, tượng nữ thần trở thành một sự nhạo báng trước cổng tòa.
Đương thời, ông vua dầu lửa của Mỹ Rockefeller từng nói: “Những gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”. Người thiện lương luôn tìm cách để câu nói này không đúng với mọi trường hợp; còn những người cơ hội, biến chất thì luôn biến nó thành chân lý.
Đáng buồn thay, trong một xã hội thượng tôn pháp luật, lấy pháp trị làm đầu như chúng ta hiện nay, câu “danh ngôn” trên lại hiện diện trong muôn mặt đời sống và bao người phải xót xa thừa nhận.
Bình luận (0)