Những câu hỏi trên dẫn tới sự hoài nghi rằng liệu trong con số tốt nghiệp “đẹp như mơ” đó có sự “đóng góp” của những thí sinh gian lận, thậm chí gian lận công khai và phổ biến như trong phòng thi tại Trường THPT Dân Lập Đồi Ngô. Nghi ngờ này không phải không có sơ sở khi tỉ lệ tốt nghiệp tại ngôi trường này vốn chỉ đạt 6,2% trong năm 2007 khi thực hiện nghiêm “hai không”, đã nhảy vọt thần kỳ lên 99% vào năm ngoái 2011.
Niềm hân hoan về một kỳ thi “nghiêm túc, phản ánh đúng chất lượng giáo dục” như đánh giá của ông thứ trưởng Bộ GD-ĐT hẳn đã trọn vẹn nếu không có sự kiện tại Trường THPT Dân lập Đồi Ngô. Vụ gian lận thi cử nhức nhối này như một minh chứng để cảnh báo rằng có những “con số bẩn” trong “con số đẹp” tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cao chót vót của các địa phương và cả ngành giáo dục.
Bệnh chạy theo thành tích trong giáo dục vốn đã được nói tới nhiều năm qua vì thế cũng lại một lần nữa trỗi dậy bức xúc. Tỉ lệ lên lớp, tốt nghiệp, khá giỏi... cao chắc chắn giúp tô hồng bảng thành tích, làm rạng danh người có trách nhiệm, chức tước trong ngành giáo dục. Thế nhưng, thành tích ấy đóng góp gì cho chất lượng nguồn nhân lực vốn đang ngày càng đòi hỏi cao cho sự cạnh tranh phát triển của đất nước?
Không khỏi suy nghĩ, thất vọng khi sự phàn nàn, lo lắng về chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta cũng gia tăng tỉ lệ thuận với con số tốt nghiệp khá giỏi trong giáo dục phổ thông. Trong một cuộc hội thảo về nguồn nhân lực chất lượng cao ở TPHCM cách đây vài tháng, một nhà tuyển dụng đã nêu ra con số giật mình là chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam thấp so với các nước vùng lân cận, chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước tham gia xếp hạng của Ngân hàng Thế giới.
Chất lượng nguồn nhân lực đang ngày càng đóng vai trò quyết định hơn với sự cạnh tranh và phát triển của các quốc gia trên thế giới. Sự phát triển, tương lai của đất nước sẽ phải trả giá ra sao nếu bệnh thành tích giáo dục cứ nhức nhối mãi như vậy?
Bình luận (0)