Sáng 10-12-1910, chiếc máy bay Farman cánh đôi đầu tiên xuất hiện trên bầu trời Sài Gòn. Phi công Van Den Borg đã cố tình trình diễn lượn mấy vòng để dân chúng chiêm ngưỡng rồi mới hạ cánh xuống bãi đất phẳng ở trường đua Sài Gòn.
Nông dân làm... sân bay
Như vậy, chiếc máy bay xuất hiện đầu tiên trên bầu trời Việt Nam là năm 1910. Thế nhưng ở Bình Định, phải 14 năm sau, người dân mới được trông thấy nó. Trong hồi ký "Khúc tiêu đồng" của ông Hà Ngại - một vị quan triều Nguyễn - ông đã dành nhiều trang kể lại việc máy bay xuất hiện ở làng Hòa Hội, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định:
"Năm 1924, ngày kia, ông Commandant (trung tá, hồi đó gọi là quan tư) Glaise ở ngành tàu bay Pháp đến huyện tự giới thiệu và nói với tôi rằng có việc quân sự khẩn cấp ở miền thượng du Trung Kỳ, ông ấy phải đem 5 chiếc tàu bay vào để làm việc gấp lắm. Ông ấy cần một sân bay tạm ở làng Hòa Hội thuộc hạt Phù Cát để hạ cánh. Ông nhờ tôi huy động sức dân làm giúp cho. Nếu sân bay tạm ấy làm xong, tuần sau tàu bay đến đây được thì ông và các tướng lãnh sẽ cảm ơn lắm".
Mẫu máy bay của Henry Mignet được ông Hồ Đắc Cung mô phỏng chế lại
Ông Hà Ngại đã huy động dân trong làng Hòa Hội làm xong sân bay tạm trong 5 ngày, kịp cho 5 chiếc máy bay đáp xuống vào chiều hôm sau. Lúc ấy, máy bay là thứ rất lạ lẫm đối với người dân quê nên ông Hà Ngại đã thông báo trong nhân dân, ai muốn xem tàu bay cất cánh thì đến sân bay Hòa Hội mà xem.
Tuy nhiên, cuộc khởi hành lại không suôn sẻ, đã gây nên tai nạn đau lòng: "Sáng sớm ngày ấy, trời mưa ít, các ông tàu bay rồ máy sắp bay, thiên hạ đến xem, bốn phía sân chật ních. Gia đình tôi cùng lính tráng đều có mặt trong nhà quan cư gần đó. Viên quan ba lên một chiếc máy bay trước hết, chạy trên mặt đất một đỗi dài, quanh quẩn mãi mà cất lên không được vì bánh lún dưới bùn. Cuối cùng, "con vật khổng lồ" ngã nhào ra, chong chóng như vũ bão đánh ào ào vào khán giả. Tai nạn sấm sét xảy tới: 4 người chết, 12 người bị thương! Phi hành đoàn cũng bị thương. Toàn dân náo loạn. Mấy người lính lệ bồng tôi và con tôi chạy như điên. Tôi la to bảo đứng lại mãi họ mới đứng. Một chiếc xe hơi của người Pháp đi qua đó, liền quay vào chở phi hành đoàn xuống nhà thương. Tôi thấy 3 chiếc xe to của các ông tàu bay chở ngập những đồ vật, liền bảo mấy tài xế lập tức bỏ đồ xuống đất, đưa những người bị tai nạn xuống nhà thương Quy Nhơn... Xuống tòa, ông Công sứ nói: Ông ở An Nam, chưa thấy những tai nạn như vậy, còn bên Pháp xảy ra luôn luôn. Ông đừng lo chi. Để rồi các ông ở hãng tàu bay sẽ đến thăm gia đình bị nạn, an ủi và bồi thường cho họ... Sau đó 4 ngày, phi hành đoàn mới bay lên Kon Tum được".
Chế tạo cả máy bay
Những năm gần đây, chúng ta nghe nói có người chế tạo máy bay nhưng ít người biết rằng từ năm 1935, Việt Nam đã có ông Hồ Đắc Cung tự chế thành công chiếc máy bay.
Tràng An Báo, một tờ báo quốc ngữ xuất bản ở Huế, đã theo rất sát sự kiện này, đưa tin khá kỹ. Trên số 19 (ngày 3-5-1935), Tràng An Báo đưa tin "Ông Hồ Đắc Cung tự chế ra một chiếc máy bay". Nội dung: "Ông Hồ Đắc Cung trước học ở Trường Nguyễn Phan Long trong Saigon, sau qua Pháp học ở Montpellier tại Trường Kỹ nghệ điện học, làm việc ở Marseille 2 năm trước rồi mới trở về nước. Từ 6 năm nay, ông Cung giúp hãng chữa ô tô của ông Didier ở Saigon. Ngoài nghề chữa ô tô, ông thích nhất nghề máy bay. Gần đây, ông đi xem chớp bóng thấy ông Henry Mignet chế ra được thứ máy bay nhỏ kêu là "rận trời" (pon du ciel), ông Cung liền phỏng theo kiểu đó mà làm một thứ máy bay mới. Hiện nay, con "rận trời" của ông đã thành hình, chỉ còn thiếu bánh xe và động cơ nữa là có thể bay được. Những thứ ấy, ông đã gửi mua ở bên Pháp. Cái động cơ 25 mã lực đó đáng giá 500$, cả tiền tàu chở về cũng tới 600$".
Do số tiền quá lớn, ông Hồ Đắc Cung đã bạo gan gửi thư cho vua Bảo Đại để xin hỗ trợ. Tràng An Báo số 25 (ra ngày 24-5-1935) viết: "Thơ gửi đi, ông Hồ Đắc Cung có cảm tưởng nó sẽ bị vò và liệng xuống sọt. Nhưng mới đây, ông được tin nhà băng Đông Pháp ở Saigon đòi ông. Ngạc nhiên, ông tới ngay, một tờ giấy nhỏ với mấy dòng chữ đơn sơ báo cho ông biết rằng thơ ông dâng lên Hoàng đế đã được ngài để ý đến: "Lệnh đức Hoàng đế Bảo Đại ban cho ông thợ máy Hồ Đắc Cung số tiền 300 bạc". Xiết bao mừng rỡ, sau khi lãnh số tiền kếch sù ấy, ông liền gửi ngay sang Pháp giục gửi máy thiệt mau. Khi nào được máy, ông Hồ Đắc Cung sẽ bay tới Huế để cảm ơn đức Hoàng đế".
Vài tháng sau, Tràng An Báo số 68 (ra ngày 22-10-1935) đưa tin: "Chiếc máy bay của ông Hồ Đắc Cung sắp cất cánh". Nội dung tin như sau: "Có một dạo người ta nói đến chiếc máy bay tí hon của ông Hồ Đắc Cung ở Saigon nhiều lắm. Thế rồi người ta im vì chiếc máy bay vẫn nằm trơ ra đó chờ bộ máy mua ở Tây qua. Bộ máy qua khí chậm một tí. Nhưng nay máy đã qua rồi và đã lắp xong rồi. Nay mai ông Cung sẽ cỡi máy bay thử. Ông Cung tỏ ra không tin ở sự thành công cho lắm".
Nhưng cuối cùng máy bay của ông Cung chế tạo đã bay được.Tràng An Báo số 75 (ra ngày 15-11-1935) đưa tin: "Có tin ở Saigon ra nói rằng chiếc máy bay nhỏ kêu bằng con "rận trời" của ông Hồ Đắc Cung đã do ông cầm máy bay lên tại sân Tân Sơn Nhất trong một buổi trưa mới đây. Máy lên rất cao, khi lên khi xuống đều như ý. Cũng đã trải qua mấy lần sửa chữa mới được vậy. Lần đầu hết, ông Cung đem thử tại sân Tân Sơn Nhất, chân vịt quay mà cất cánh không lên vì sợi dây buộc cánh lúc lắc. Lần giữa vào ngày 26 Octobre, máy bay lên được nhưng đương cao bỗng thình lình chúi đầu xuống làm ông Cung suýt nguy. Lần thứ ba mới bay được hoàn toàn. Nghe chừng ông sẽ bay ra Huế".
Không biết sau đó ông Hồ Đắc Cung có bay ra Huế hay không nhưng chỉ việc ông Cung thời điểm đó tự chế thành công máy bay là đã hết sức đáng kính nể lắm rồi.
Kỳ tới: Đỗ Hữu Vị, phi công đầu tiên của Đông Dương
Bình luận (0)