Cũng bởi tính đặc biệt của sự việc mà ngày 22-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Nội vụ thanh tra công vụ tại sở này.
Trước đó, dù báo chí đã đề cập song tình hình có vẻ… im ắng, chỉ nóng lên sau khi ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, trả lời báo chí tại Quốc hội rằng đây là “chuyện rất lớn”. Trả lời Đài Truyền hình Việt Nam, ông Phạm Vĩnh Long, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Hải Dương nói do yêu cầu công việc, cần người có vị thế ngang tầm nên bổ nhiệm cho cán bộ dễ làm việc và đa số những người được bổ nhiệm làm trưởng, phó phòng là cán bộ trẻ, có năng lực. Đến khi ông Vũ Doãn Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Hải Dương, lên tiếng, mới rõ thêm ông Quang mới về nhậm chức từ tháng 3-2016 và chuyện “quan nhiều hơn lính” đều do quyết định của giám đốc sở tiền nhiệm, đã chuyển sang làm lãnh đạo một địa phương trong tỉnh.
Không chỉ ở Hải Dương, nhiều nơi trên cả nước cũng có tình trạng ký bổ nhiệm tràn lan trước khi nghỉ hưu hay chuyển công tác, gây ra nhiều hệ lụy cho những người liên quan, nội bộ mất đoàn kết, khiếu kiện kéo dài. Thế nhưng, hầu hết những người đặt bút ký các quyết định bổ nhiệm này đều không bị hình thức chế tài nào, những “chuyến tàu vét” vẫn cứ băng băng về đích. Sau một thời gian hưu trí, các vị ồn ã xây nhà cao cửa rộng, sống cuộc đời sung túc, an nhàn.
Trong hành trình những “chuyến tàu vét” nói trên, sự cả nể, dung túng cho nhau là rõ ràng cũng như khâu giám sát “có vấn đề”. Người giám sát, cơ quan giám sát không biết hoặc biết muộn, biết khi sự đã rồi hoặc biết mà không nói. Còn với người đứng đầu đơn vị, không thể nói đây là hậu quả của người tiền nhiệm nên “giữ nguyên hiện trạng” mà phải thể hiện trách nhiệm quản lý, giải quyết tốt các khúc mắc về nhân sự mới tạo động lực cho cỗ máy vận hành. Những lời bao biện hay đá quả bóng trách nhiệm của ban, ngành càng chứng tỏ tâm và tầm chỉ đến thế, không thể mong đợi gì hơn ở họ.
Lâu nay, người ta thường nói đến tư duy nhiệm kỳ, “hoàng hôn nhiệm kỳ”. Càng đến cuối nhiệm kỳ, một số vị làm việc kiểu được chăng hay chớ, tránh điều tiếng hoặc ngược lại - làm “chuyến tàu vét” bằng việc ký các dự án, các quyết định bổ nhiệm nhân sự. Bên nào cũng có lợi, chỉ nhà nước và dân là thiệt khi trả lương nuôi các quan. Nhưng tiếc nhất là tước đi cơ hội thăng tiến, thể hiện năng lực của những người có thực tài.
Theo nhiều đại biểu Quốc hội, phải ngăn chặn hiện tượng “hoàng hôn nhiệm kỳ” bằng các quy định pháp luật, quy định thời hạn 3-6 tháng trước khi nghỉ hưu không được ký dự án lớn, ký quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhân sự… Với các trường hợp nghiêm trọng, gây dư luận xã hội lớn như vụ ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, hay mới đây là vụ cựu bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, cách xử lý của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng được dư luận hết sức hoan nghênh với thông điệp: Không có vùng cấm trong xử lý sai phạm của quan chức, dù đã nghỉ hưu cũng không thể gọi là hạ cánh an toàn.
Bình luận (0)