PGS-TS Trần Đông A, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 - TPHCM:
Luôn tận tụy với nghề
Năm 1998, tự điển Guinness thế giới đã ghi một câu chuyện chưa từng có trong lịch sử y văn về ca mổ song sinh dính nhau Việt - Đức. Lúc ấy, cháu Việt đã ở trong tình trạng bại não, luôn kinh giật và có đe dọa sặc rồi ngưng thở trước khi mổ. Nhưng bằng sự cố gắng cao độ của ê-kíp y - bác sĩ, đặc biệt sự tham gia của bác sĩ Trần Đông A, ca mổ đã thành công tốt đẹp.
Là một bác sĩ xuất thân trong gia đình nghèo, ý thức được đồng bào vùng sâu vùng xa phải chịu nhiều thiệt thòi, bác sĩ A đã tiên phong trong việc khám chữa bệnh cho bà con, truyền đạt những kinh nghiệm của bản thân cho các y - bác sĩ ở đây. Là Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn và Chủ tịch Hội đồng Khoa học kỹ thuật Bệnh viện Nhi Đồng 2, bác sĩ A cho ra đời hàng loạt công trình được áp dụng rộng rãi. Những công trình này chẳng những góp phần điều trị, chăm sóc cho trẻ em VN mà còn đóng góp cho y học thế giới như: điều trị lồng ruột trẻ em, điều trị bệnh Kasabach Merrit trẻ em, điều trị bệnh thoát vị rốn khổng lồ với tấm plaque tổng hợp Vicryl, Nghiên cứu về bệnh dò hậu môn, cơ chế miễn dịch học của bệnh ruột hoại tử... Những đề tài này đã được báo cáo trước các hội nghị quốc tế: Hội nghị Tour, hội nghị ngoại nhi châu Âu, hội nghị Việt - Bỉ...
Ngoài việc giảng dạy trực tiếp cho sinh viên và bác sĩ VN, bác sĩ Đông A còn phụ trách đào tạo với Pháp qua chương trình FFI về nhi. Chương trình này đã giúp cho VN đào tạo được hàng trăm bác sĩ nhi thuộc đủ chuyên ngành. Sau thành công của ca mổ Việt - Đức, bác sĩ A đã tranh thủ chương trình phối hợp liên đại học với Bỉ và đã có 3 bác sĩ đang theo chương trình đào tạo tiến sĩ tại nước này.
Với những việc làm ấy, bác sĩ Trần Đông A đã được tặng nhiều bằng khen của các cấp và Huân chương Lao động hạng 3.
Kỹ sư Nguyễn Nam Long, Trung tâm Viễn thông II (VTN):
Miệt mài đi tìm giải pháp hợp lý hóa
Năm 1991, tốt nghiệp ngành điện tử, ĐH Bách khoa TPHCM, Nguyễn Nam Long xin vào làm tại VTN. Được giao làm đội trưởng đội lắp đặt tổng đài quá giang liên tỉnh khu vực phía Nam (chuyển tiếp lưu lượng cuộc thoại liên tỉnh, quốc tế), anh phát hiện nhiều điều chưa hợp lý trong vận hành khai thác tổng đài.
Nguyễn Nam Long cho biết thông tin về cước như: số thuê bao, thời gian cuộc gọi, hướng gọi, đặc tính cuộc gọi... đều được lưu trữ bằng mã ASCII trên băng từ. Một ngày, với lưu lượng trên 260.000 cuộc gọi, công ty phải tốn hơn 3 cuộn băng từ (27 USD/cuộn) để lưu trữ dữ liệu cước. Nhìn lượng băng mà tổng đài AXE-10 “ngốn” trong 1 ngày, Long cảm thấy... tiếc của. Và từ thực tiễn công việc cũng như sự hiểu biết qua thời gian nghiên cứu tài liệu trên mạng, Long đề xuất giải pháp “Chuyển đổi việc ghi dữ liệu cước trong tổng đài từ dạng ASCII sang dạng HEXA và nén dữ liệu cước trên băng từ của tổng đài”.
Sau một thời gian ngắn, anh đã thành công. Một cuộn băng nay đã chứa gấp 80 lần so với trước. Bằng giải pháp này, anh đã giúp công ty tiết kiệm 89 băng từ/tháng (trị giá 2.403 USD). Sáng kiến này đã được đăng ký sáng kiến cấp ngành và đoạt giải C trong hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật TPHCM.
Thành công này đã giúp anh Long thêm tự tin trên con đường nghiên cứu khoa học. Với 32 đề tài, công trình nghiên cứu cấp công ty, tổng công ty, anh đã làm lợi và tiết kiệm cho công ty hàng trăm triệu đồng. Chỉ riêng sáng kiến “Nén dữ liệu cước trong tổng đài AXE-10” và “Xử lý số liệu, thống kê sản lượng điện thoại liên tỉnh qua tổng đài AXE-10 HCM” đã làm lợi 3.563 USD/tháng. Ông Trần Văn Thứ, Chủ tịch Công đoàn VTN, nói: “Nói đến Long là nói đến tấm gương ham làm, ham học hỏi. Nhờ vậy, anh đã có nhiều sáng kiến thiết thực; nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua cấp ngành, được nhận bằng và Huy hiệu Lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐ VN...”.
Bình luận (0)