Liên tiếp mấy ngày qua, hàng trăm người dân các xã Long Sơn, Long Mai, Thanh Xuân của huyện Minh Long (tỉnh Quảng Ngãi) có đơn cầu cứu lên tỉnh Quảng Ngãi, đề nghị chấn chỉnh tình trạng khai thác cát vô tội vạ trên sông Phước Giang.
Dân lo lắng
Theo phản ánh của người dân, tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Phước Giang diễn ra tấp nập, công khai trong thời gian dài nhưng chưa có ai xử lý. Thậm chí nhiều nơi còn được chính quyền địa phương… “bật đèn xanh”.
Người dân ngăn chặn khai thác cát trên sông Phước Giang
Sông Phước Giang bị đào múc nham nhở để lấy cát bán trả nợ xây dựng nông thôn mới
Quá bất bình, cách đây vài ngày, hàng chục người dân thôn Lạc Sơn, xã Long Sơn đã dùng cuốc, gậy gộc chắn đường nhằm chặn những đoàn xe chở cát lấy từ sông Phước Giang. “Chặn thế này nhưng chẳng ăn thua. Mình chặn đường này họ đi đường khác. Ngăn ban ngày thì họ khai thác ban đêm” - anh Phạm Ngọc Nhanh, ngụ thôn Phước Giang, phản ánh. Điều đáng nói, dù nạn khai thác cát ở thôn Lạc Sơn diễn ra công khai với quy mô lớn và chỉ nằm cách UBND xã Long Sơn hơn 400 m nhưng chính quyền địa phương vẫn án binh bất động.
Đến sông Phước Giang chảy qua thôn Lạc Sơn trong những ngày này chẳng khác một đại công trường. Ghe hút các, xe múc rầm rập ngày đêm bên cạnh những hố nước sâu. Lúc chúng tôi đến, có 2 xe máy xúc cùng rất nhiều xe tải túc trực, chở cát đi nơi khác. “Mỗi ngày ở đây có hàng trăm chuyến xe ra vào lấy cát, hoạt động cả ngày lẫn đêm, ảnh hưởng nặng đến đời sống người dân. Đất đai canh tác cũng bị đào xới không thể canh tác. Nếu tình trạng khai thác cát quá mức này còn kéo dài, sạt lở mùa mưa chắc chắn xảy ra, cả thôn Lạc Sơn khó giữ được trong những mùa mưa lũ tới” - anh Nhanh lo lắng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nạn khai thác cát trái phép ở các xã Long Mai, Thanh Xuân tấp nập không thua gì ở xã Long Sơn. Thậm chí chính quyền địa phương không xử lý, làm ngơ cho đầu nậu.
Sáng 19-4, theo chân Nguyễn Văn T., một người dân ở xã Long Mai, chúng tôi tìm đến bãi khai thác cát dưới chân cầu Long Mai. Dù thời điểm chúng tôi đến không diễn ra cảnh hút cát nhưng những hố sâu nham nhở vẫn còn nguyên. Trên bờ là những chiếc xe xúc, máy móc đào đãi cát, sạn. “Mấy hôm nay nghe “động” nên họ tạm nghỉ đem máy móc lên bờ, còn thường thì ngày nào cũng rầm rộ, dưới mặc sức hút trên tha hồ chở cát đi bán” - ông T. nói.
Làm bừa vì… nợ nông thôn mới
Câu hỏi đặt ra là vì sao chính quyền các địa phương để mặc cho khai thác cát trên sông Phước Giang?
Bất ngờ là ngay sau khi người dân gửi đơn cầu cứu, làm việc với đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Quảng Ngãi, ông Đinh Văn Giúp, Chủ tịch UBND xã Long Sơn, thừa nhận: “Chúng tôi biết để khai thác như thế là sai nhưng vẫn cho làm ?!”. Vậy vì sao cho làm? Ông Giúp giải thích: “Do chỉ tiêu của huyện giao cho xã thu kinh phí trả nợ nông thôn mới khoảng 200 triệu đồng nhưng xã không biết thu từ đâu nên chúng tôi thu trước của ông Võ Tấn Chung và ông Ngô Phước Thịnh (cùng ngụ xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) số tiền 100 triệu đồng. Đổi lại, chúng tôi để cho 2 cá nhân này được khai thác cát, sạn trước khi được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp phép. Việc này cũng được UBND huyện Minh Long đồng ý. Trước xã chúng tôi, ở xã Long Mai, Thanh Xuân họ cũng làm việc này”. Đó cũng là lý do vì 2 bãi khai thác cát trái phép ở thôn Lạc Sơn và Xà Tôn đang tồn tại trước sự bất bình của dân chúng.
Ông Võ Đình Tiến, Chủ tịch UBND huyện Minh Long, phủ nhận không hề có chủ trương cho phép các xã thu tiền cá nhân để trả nợ nông thôn mới như phát biểu của ông Giúp. “Chúng tôi có nghe các xã tự ý thu tiền của cá nhân rồi cho họ khai thác cát nhưng chưa có báo cáo cụ thể nên chưa thể khẳng định. Hiện chúng tôi đã yêu cầu chấn chỉnh, tạm ngưng khai thác, để thanh tra, kiểm tra. Nếu phát hiện địa phương nào, cá nhân nào tự ý cho khai thác sẽ xử lý” - ông Tiến nói.
Việc chính quyền địa phương tiếp tay cho các tổ chức, cá nhân khai thác cát được ông Phí Quang Hiển, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Quảng Ngãi, cho là vấn đề nghiêm trọng, nhất là trong tình hình Chính phủ chỉ đạo siết chặt quản lý khai thác tài nguyên cát, sỏi trên sông. Dẫn quy định của Luật Khoáng sản, ông Hiển cho rằng việc tự ý cho cá nhân khai thác để lấy kinh phí trả nợ nông thôn mới là sai. “Chúng tôi đã có văn bản yêu cầu dừng ngay việc khai thác cát này, đồng thời có văn bản báo cáo cụ thể vụ việc lên lãnh đạo tỉnh để chỉ đạo xử lý” - ông Hiển khẳng định.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 20-4
Kỳ tới: Phá nát con sông lịch sử
Chưa có đề án xin khai thác cát để... nuôi đội bóng
Liên quan đến vụ xin khai thác cát để nuôi đội bóng đá (Báo Người Lao Động, số ra ngày 15-4), đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Quảng Ngãi cho biết đến thời điểm này sở vẫn chưa xây dựng đề án xin phép khai thác một mỏ cát trên sông Trà Khúc để làm kinh phí “nuôi” đội bóng đá tỉnh Quảng Ngãi. Trước đó, ngày 14-4, tại buổi làm việc với ông Đặng Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi xin chủ trương thành lập Công ty CP Phát triển bóng đá Quảng Ngãi và khai thác một mỏ cát trên sông Trà Khúc để lấy tiền nuôi đội bóng Quảng Ngãi. Trước đề xuất mà dư luận cho là “tối kiến” này, ông Đặng Ngọc Dũng lại yêu cầu Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi xây dựng đề án cụ thể, phối hợp với các sở ngành, thẩm định trước khi trình UBND tỉnh xem xét.
Bình luận (0)