xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những mảnh đời bị bỏ quên

Bài và ảnh: Ánh Nguyệt

Cũng vì bị ruồng bỏ, nhiều người tâm thần phát bệnh nặng hơn và không bao giờ có cơ hội quay trở lại cuộc sống bình thường

Đường vào Trung tâm Tâm thần Tân Định ở ấp Vườn Ươm, xã Tân Định, huyện Tân Uyên - Bình Dương uốn lượn giữa những cánh rừng cao su xanh bạt ngàn. Không gian quanh trung tâm quá đỗi yên bình thế nhưng chất chứa trong ấy là những cuộc đời đầy bấn loạn, nửa tỉnh nửa mê, với những tiếng gào thét thất thanh giữa đêm khuya và nỗi đau bị người thân ruồng bỏ.


Thế giới riêng


Vừa bước qua cánh cổng sắt vào khoa B, mùi đặc quánh của quần áo, chăn chiếu ẩm mốc xộc thẳng vào mũi chúng tôi. Chưa kịp định thần, một bệnh nhân nam tóc muối tiêu, răng rụng gần hết nhảy xổ tới, khoanh tay, chun mũi cười: “Cháu chào các cô, các chú. Sao cháu già mà cứ ở đây hoài vậy?”. Sau lưng “cậu bé U70” này rộ lên tràng cười nghiêng ngả.


Tiếng cười chưa ngớt, một tốp bệnh nhân đã tự động xếp hàng để “giao lưu” với khách đến thăm, ánh mắt ai cũng vui như trẻ sắp được quà. Có lẽ vậy mà ai cũng xung phong hát, từ tân nhạc sang cổ nhạc, “chơi” một lúc mấy bài. Những bệnh nhân khác dường như không để tâm đến sự hiện diện của chúng tôi mà mải lửng lơ trong thế giới riêng của họ.


 
“A, anh Luân về!” - điều dưỡng Minh Tâm reo mừng khi thấy bệnh nhân Nguyễn Anh Luân, từng là bộ đội chiến trường Campuchia, cây văn nghệ số một của trung tâm, hối hả trở về từ khu vườn rau. Chưa kịp lau mồ hôi đầy trán, những ngón tay còn bám đầy đất cát của anh đã lả lướt trên phím đàn ghi ta.

Luân vừa đàn vừa hát bài Thiên đường rực ánh hào quang tự sáng tác. Hát xong, anh cười cười, mắc cỡ nghiêng đầu: “Bài này tui có ký âm hẳn hoi và gửi dự thi nhưng chắc đậu cành cây rồi cô ơi!”. Như mọi lần, “bữa tiệc âm nhạc” không thể thiếu bản Romance dìu dặt và điệu boléro êm đềm, vốn được xem là sở trường của Luân.

Nhìn anh đàn, tôi mới hiểu ngón đàn ấy đã biết bao lần sưởi ấm trung tâm hẻo lánh và thiếu thốn này. Trong những đêm buồn, nhiều y sĩ, điều dưỡng vẫn hay đến nghe anh dạo đàn và ngắm đom đóm bay. Nghe riết rồi ghiền nên bệnh nhân không cần phải uống thuốc này rất “đắt giá”. Ngoài ghi ta, Luân còn có thể chơi được đàn măng-đô-lin.

img
Nguyễn Anh Luân “tay ghi ta” đang biểu diễn tại Trung tâm Tâm thần Tân Định


Tôi hỏi Luân thích bài nào nhất, anh cười: “Tui thích bài Cây đàn bỏ quên”. Anh lý giải: “Tui đến nhà người ta chơi, giả bộ bỏ quên cây đàn rồi quen được người ta đó mà”. Câu trả lời hóm hỉnh của Luân làm tôi giật mình, không tin anh bị tâm thần.

Tôi vờ hỏi: “Anh có phải là thủ lĩnh trong khoa B này không?”. Luân xua tay: “Không đâu, đứa nào lì quá thì mình la rầy thôi”. “Sao anh lại sống ở đây?” - tôi chất vấn. Luân chùng giọng: “Tui buồn chuyện gia đình, đi lang thang ngủ đầu đường xó chợ rồi bị đưa vào đây. Khi nào hai đứa con trai lớn lên thì tui liên lạc sau. Người chị thứ tám rất thương tui, nhưng mà...”.


Cái “nhưng mà” nhẹ hều của anh khiến câu nói tiếp theo “Tui ở đây suốt đời cũng được” bỗng dưng trĩu nặng. Là một trong những bệnh nhân đầu tiên của trung tâm, hơn 2 năm nay, chưa lần nào Luân được người thân đến thăm, tuy anh đã có thể về nhà sống bình thường nhưng không ai bảo lãnh.

Ngoài việc giúp các y sĩ trông nom, giặt giũ quần áo, làm vệ sinh cho những bệnh nhân trong khoa, hằng ngày anh ra vườn trồng rau, cuốc đất, chăn bò, nuôi heo... để được sống một cuộc sống bình dị và bình thường.


Thèm gặp người thân


Cũng như anh Luân, bà Lê Thị Lỗ (76 tuổi) là một bệnh nhân khá đặc biệt, không phải uống thuốc điều trị tâm thần. Cao 1,5 m, nặng 32 kg, mái đầu bạc cắt lởm chởm càng khiến bà nhỏ thó và gầy guộc hơn.

Ngoài chuyện bà đọc ngược địa chỉ nhà “tỉnh Đồng Nai, huyện Thống Nhất, xã Bàu Hàm 2...”, chúng tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ở bà. Bà Lỗ được xem là “người phụ nữ quyền lực” trong khoa D, vì biết “thưởng thức” chương trình truyền hình, biết an ủi, trấn an chị em và biết... xài tiền. Tôi không thể nào quên hình ảnh bà Lỗ vừa nỗ lực can ngăn chị em tràn lên lúc đoàn từ thiện phát tiền vừa nỗ lực kìm nén bản thân. Rất nhiều bệnh nhân chỉ cầm tiền cho vui, cho “có phong trào”, sau đó quăng mất.


Hằng ngày, bà Lỗ phụ chăm nom chị em trong khoa với các y sĩ: “Đêm hôm mấy em quậy phá thì mình can thiệp, có bệnh hoạn thì báo lên mấy cô. Lúc mấy em lên cơn mình phải vuốt ve, dùng lời ngon ngọt mới dỗ yên được” – bà thổ lộ.

Ở tuổi xế chiều, bà Lỗ mong được về sống với con cháu, muốn được chôn cất trên mảnh đất quê nhà sau khi qua đời. Thế nhưng, bà chấp nhận gắn bó với trung tâm vì không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, họ hàng. “Tui ở đây để phục vụ người tâm thần, coi như làm công quả trong chùa để chuộc tội lỗi mà mình đã phạm phải”.

Lời tâm sự của bà nghe có chút đắng cay lẫn niềm hối hận, ăn năn. Quá khứ vàng son của người phụ nữ nói được tiếng Anh, Hàn và Thái này giờ chỉ còn là những mảnh vụn vỡ nát vì những cơn nghiện ngập thời trẻ, vì sự ghẻ lạnh của 8 người con lúc cuối đời.


Nhiều lần chứng kiến bệnh nhân của mình bị gia đình ruồng bỏ, các y sĩ, điều dưỡng càng thương họ hơn. Điều dưỡng Minh Tâm kể: Một ông anh lặn lội tìm đến tận trung tâm, khi thấy đứa em điên loạn đã không dám nhìn, chỉ nhận là “anh kết nghĩa” rồi quay lưng đi.

Nhiều trường hợp người thân đến nhận mặt bệnh nhân nhưng giờ phút cuối lại chối vì sợ phải đem người bệnh về chăm sóc. Thậm chí, có những người rất sang trọng tìm đến trung tâm, đưa cho thân nhân 1-2 thùng mì gói rồi một đi không trở lại.


Càng tiếp xúc, tôi mới biết nhiều người bệnh trong trung tâm rất thèm được người thân vào thăm để họ được nắm tay hỏi han cho thỏa lòng, để biết họ không bị dứt bỏ khỏi tình ruột thịt. Cũng vì bị ruồng bỏ, nhiều người phát bệnh nặng hơn và không bao giờ có cơ hội quay trở lại cuộc sống bình thường.


Hy sinh thầm lặng


Đêm. Đang cùng các điều dưỡng Minh Tâm và Mỹ Kiều đến khoa chăm sóc đặc biệt thăm bệnh nhân, tôi giật thót người vì tiếng thét thất thanh của một bệnh nhân nữ. Trong khi tôi nổi da gà thì hai cô cười tủm tỉm. “Ban đêm bệnh nhân hay la hét như vậy lắm, lúc đầu nghe sợ thật, riết rồi thấy bình thường” - Minh Tâm trấn an tôi.


Do trung tâm nằm ở nơi heo hút, xa xôi nên những y sĩ trẻ không thể đi đi, về về. Mỗi người trực suốt ngày, sau đó được nghỉ trọn ngày hôm sau. Sống ở trung tâm, các y sĩ hầu như bị cách ly với thế giới bên ngoài, không tivi, không internet, không báo chí, chỉ có sóng điện thoại chập chờn.

Vì vậy mà có nhiều người không chịu nổi, rời bỏ trung tâm sau một thời gian ngắn. Sau đợt lãnh lương, các y sĩ “cô đơn” ríu rít rủ nhau ra “phố có ánh đèn” dạo chơi, mua sắm cho “đã thèm”. Mà phố nào có đâu xa, chỉ cách hơn 10 km nhưng đó đã là một thế giới khác hẳn.


Trước khi đến Trung tâm Tâm thần Tân Định, tôi đã chuẩn bị tâm lý để chống chọi với bầu không khí ảm đạm ở nơi này, những gương mặt y sĩ cau có, mệt mỏi vì phải sống cùng người bệnh, để rồi hoàn toàn bất ngờ với nhiệt huyết và không khí làm việc sôi động đầy tiếng cười của họ.

Mỹ Kiều, 23 tuổi, được ví là “Tăng Thanh Hà” của trung tâm vì cô rất hay cười. Gặp bệnh nhân nào cô cũng hỏi han, trêu đùa với họ. Còn Minh Tâm thì ấm áp, ân cần với bệnh nhân. Cô bảo: “Mình tôn trọng bệnh nhân thì họ cũng tôn trọng mình. Mẹ Tâm rất hãnh diện khi Tâm làm công tác xã hội, Tâm cũng vậy”.


Trung tâm có 8 khoa. Mỗi khoa có hơn 100 bệnh nhân nhưng chỉ có 10 y sĩ, điều dưỡng chăm lo tất tần tật. Chẳng những vậy, mỗi khi bệnh nhân đổ bệnh, y sĩ, điều dưỡng còn phải thay nhau vào bệnh viện chăm sóc “trọn gói” cho họ như người thân.


Phó Giám đốc Trung tâm Tâm thần Tân Định, ông Đặng Hữu Việt, cho biết ngoài nguồn kinh phí được Nhà nước cấp hằng năm, trung tâm ít khi nhận được tiền từ thiện nên cứ chật vật xoay xở chi phí cho người bệnh. Người dân thường quyên góp tiền từ thiện cho các trung tâm trẻ mồ côi, người già cơ nhỡ hơn là cho những người bị bệnh tâm thần.

Thi thoảng cũng có đoàn từ thiện đến nấu một bữa ăn cho bệnh nhân hoặc cho vài trăm ký gạo. Trong khi đó, kinh phí rót về trung tâm lại có hạn nên chi tiêu cho bệnh nhân phải dè sẻn từng đồng, bữa ăn cũng chủ yếu là rau củ.

Từ ngày thành lập trung tâm đến nay, số lượng bệnh nhân chỉ tăng lên chứ không hề giảm, số người được gia đình đón về chưa đếm hết 10 ngón tay.

Quận 2 là quận mấy?!

Do phương pháp trị liệu gắn liền với lao động nên các y sĩ thường cho bệnh nhân ra ngoài cắt dây leo dại bò quanh những cây trồng trong khuôn viên trung tâm.

Dù đã nói rõ là cắt dây leo nhưng một lúc sau, bệnh nhân quay sang hì hụi... cắt cây trồng. Họ trả lời rất hồn nhiên: “Cắt như vậy cho khỏe, cây chết rồi thì lấy gì cho dây leo bò lên”. Còn kêu bệnh nhân ra vườn rau nhổ cỏ thì họ cứ nhè rau mà nhổ, vì nhổ rau... dễ hơn nhổ cỏ!


Một bệnh nhân nam “đóng thùng” rất lịch sự hỏi tôi: “Em ở quận mấy?”. Tôi đáp: “Quận 2”. Anh chàng lại hỏi: “Quận 2 là quận mấy?”.

Sau khi nhìn thật lâu vào mặt tôi, anh vỗ đùi, kêu toáng lên: “Anh nhớ rồi, anh thấy em hoài nè, em ở quận 2 chứ đâu!”. Bệnh nhân này cũng đã lắm phen làm “hết hồn” khách khi tiết lộ “lương” làm việc trong bếp ăn của mình là 5 triệu đồng/tháng!

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo