xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những năm Thân lịch sử trong đời Bác

Trung Sơn

Cuộc đời 79 mùa Xuân của một vĩ nhân như Hồ Chí Minh có biết bao điều đáng nhắc lại. Nhân Tết Bính Thân, xin “trích yếu” các sự kiện quan trọng trong những năm Thân mà Người đã trải qua để cùng suy ngẫm

NĂM MẬU THÂN 1908 có ý nghĩa đặc biệt trong cuộc đời 79 năm của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Lúc đó, Người còn mang tên là Nguyễn Sinh Côn (hay Cung; còn gọi là Nguyễn Tất Thành).

Vào năm Mậu Thân đó, chính trên con đường ven bờ sông Hương đã diễn ra cuộc nổi dậy chống thuế quyết liệt của nhân dân Huế. Nhà văn - nhà “Huế  học” Nguyễn Đắc Xuân trong cuốn sách Đi tìm dấu tích thời niên  thiếu của Bác Hồ ở Huế (NXB Văn học, 2003) đã viết: “... Trước mũi súng tàn bạo của quan binh tay sai thực dân Pháp..., bị thương rất nhiều, riêng ông Nguyễn Cưỡng chết ngay tại chỗ. Dân chúng... khiêng đi đấu tranh chứ nhất định không chôn... Lúc đoàn người đã đến gần Tòa Khâm (khuôn viên Trường Đại học Sư phạm ngày nay) thì ở phía trên gần Trường Quốc học có một nhóm học sinh... đứng nghe học sinh Nguyễn Sinh Côn nói chuyện...  “Bọn mình là học sinh biết tiếng Tây nên đi thông ngôn giúp đồng bào!”. Vừa nói, trò Côn vừa cầm tay các bạn: “... Nào! Chúng ta cùng về Tòa Khâm nào!”.

Theo tiểu thuyết Búp sen xanh của Sơn Tùng, sau sự kiện đó, “Nguyễn Tất Thành bị cảnh sát săn đuổi...  Tòa Khâm còn ban bố lệnh: “Những trò nào chỉ a tòng, vì bị rủ rê mà nhập đoàn đi reo thì phải làm giấy tự thú với hiệu trưởng mới được học tiếp...”. Nhưng Nguyễn Tất Thành cam chịu bị đuổi ra khỏi trường chứ không chịu làm bản tự thú nộp mạng cho Tòa Khâm! Hiểu ý chí của người học trò sớm có bản lĩnh khác thường, thầy Lê Văn Miến đã nói: “Tất Thành! Con đừng nói thêm một lời nào nữa! - Thầy Miến hai tay bưng lấy mặt, nói: - Con hãy đi..., đi theo tiếng gọi của lòng con...”.

Việc Nguyễn Tất Thành quyết đi xa Huế và sau đó sang Pháp tìm đường cứu nước cho cả dân tộc là sự kiện mở đầu có tính quyết định đến cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.

 

img

 

12 NĂM SAU, CANH THÂN 1920, cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch cắm thêm một cột mốc rất có ý nghĩa. Tại Paris - Pháp, với tên Nguyễn Ái Quốc và nhân danh đại biểu Đông Dương, Người đã phát biểu ở Đại hội Tour (Đại hội 18 của Đảng Xã hội Pháp, họp tại TP Tour, tháng 12-1920): “... Phản đối bọn đế quốc đã gây ra những tội ác tầy trời trên quê hương tôi... Chúng tôi không những bị áp bức và bóc lột một cách nhục nhã, mà còn bị hành hạ và đầu độc một cách thê thảm... Nhà tù nhiều hơn trường học và lúc nào cũng chật ních... Chúng tôi không có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, ngay cả quyền tự do hội họp và lập hội cũng không có... ”.

Sau sự kiện vang dội, có nghĩa mở đầu giai đoạn tên tuổi Nguyễn Ái Quốc có ảnh hưởng trên trường quốc tế, Người sang Liên Xô, rồi lên diễn đàn tại các phiên họp Đại hội V Quốc tế Cộng sản (năm 1924)...

Mặc dù vậy, tới năm Nhâm Thân 1932 thì cuộc đời của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc mới đến một khúc quanh đặc biệt, có thể nói là rất oái oăm và đầy bí ẩn. Do Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương đã bị mất liên lạc với Nguyễn Ái Quốc kể từ khi Người bị bắt vào ngày 6-6-1931, chính quyền thực dân Anh lúc này thỉnh thoảng tung tin Nguyễn Ái Quốc đã qua đời trong nhà tù thực dân ở Hồng Kông nhằm đánh lạc hướng dư luận khiến nhiều người Cộng sản Việt Nam nghĩ khả năng đó có thật. Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 17-7-2015, “trong những ngày gần đây, nhiều cá nhân đã trích nội dung một bức thư của Ban Lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương gửi Đông phương bộ và các thuộc địa năm 1933, trong đó có nội dung “... đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã bị ám sát vào giữa năm 1932 trong các nhà tù địa ngục của Hồng Kông” nhằm mục đích tung tin sai sự thật, gây hiểu lầm nghiêm trọng cho người đọc bằng cách đưa tin cắt xén, mập mờ với dụng ý xấu... ”. Thực ra, trong cuốn Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử (Tập 2, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006) đã ghi rõ: Được hai luật sư người Anh là Lô-dơ-bi và Gien-kin bênh vực, chính quyền thực dân Anh ở Hồng Kông đã phải trả lại tự do cho Người. Đến ngày 22-1-1933, Nguyễn Ái Quốc đã bí mật xuống tàu rời Hồng Kông đến Hạ Môn (Trung Quốc), rồi sau đó tiếp tục đến Thượng Hải (Trung Quốc)...

QUAN TRỌNG HƠN LÀ TỪ SAU NĂM NHÂM THÂN 1932 NÀY, mặc dù thoát khỏi nhà tù đế quốc, Nguyễn Ái Quốc đã trải qua những năm tháng rất khó khăn do Người không răm rắp tuân theo đường lối đấu tranh giai cấp triệt để của Quốc tế Cộng sản mà muốn phân hóa giai cấp để đoàn kết dân tộc khi thảo “Chính cương, Điều lệ” của Đại hội thống nhất Đảng năm 1930. Chính vì thế mà Luận cương chính trị được giao cho Trần Phú viết lại và ông được cử làm Tổng Bí thư. Nhà văn Sơn Tùng, một tác giả có nhiều tác phẩm giá trị về Hồ Chí Minh, trong cuốn Nguyễn Ái Quốc qua hồi ức của bà mẹ Nga (NXB Thanh niên, 2008), đã dẫn lá thư của chính Nguyễn Ái Quốc (mang tên Lin) đề ngày 6-6-1938 gửi đồng chí Manuinxki hiện đang lưu trữ trong Quốc tế Cộng sản ở Matxcơva (Nga), trong đó có đoạn: “Hôm nay là ngày kỷ niệm lần thứ 7 việc tôi bị bắt giữ ở Hồng Kông. Đó cũng là ngày mở đầu năm thứ 8 không hoạt động của tôi... Hãy giao cho tôi một việc gì mà theo đồng chí là có ích... ”.

Thực tế chứng tỏ rằng Nguyễn Ái Quốc đã đúng và khẳng định Người là một nhà cách mạng có bản lĩnh, có ý chí độc lập tự chủ rất cao. Ngày 30-10-1936, sau khi ông Nguyễn Văn Cừ được cử làm Tổng Bí thư, Đảng Cộng sản Đông Dương đã thay đổi chính sách, trong đó ghi rõ: “Phải liên hợp các giai cấp trong toàn dân tộc... chống chế độ thuộc địa”. Cho đến tháng 8-1941, khi Nguyễn Ái Quốc đã về nước, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 do Người chủ trì càng khẳng định đường lối đó, thành lập Mặt trận Việt Minh. Từ đó, mới dẫn đến sự kiện năm Giáp Thân 1944, Người ra chỉ thị thành lập Đội Tuyên truyền Giải phóng quân với người chỉ huy từng là thầy giáo dạy sử Trường Thăng Long Võ Nguyên Giáp. Đây là tổ chức tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam, năm 1954 đã lập được kỳ tích “chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

VÀ 12 NĂM SAU, BÍNH THÂN 1956, trước tình thế thời hạn “hiệp thương tổng tuyển cử” theo Hiệp nghị Genève sắp hết mà triển vọng để hòa bình thống nhất đất nước đang bị đe dọa, ngày 6-7-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Thư gửi đồng bào cả nước” kêu gọi tinh thần đại đoàn kết dân tộc và sự khẳng định của Người như là một tiên tri: “Nước Việt Nam ta nhất định phải thống nhất, đồng bào Nam và Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.

Đặc biệt, năm Mậu Thân 1968, có thể cũng là sự “tiên tri” rằng đây năm Thân cuối cùng trong cuộc đời của mình, Hồ Chủ tịch đã để lại những văn bản có ý nghĩa lịch sử; trong đó: “Thư chức mừng năm mới” với đoạn kết là 4 câu thơ như là hiệu lệnh cuộc tổng tiến công mà hàng triệu người dân Việt đã thuộc lòng: “Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua... Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”.

Cũng thật đặc biệt, trong năm Mậu Thân 1968, Hồ Chủ tịch đã hai lần lên tiếng kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước: “Lời kêu gọi nhân ngày 20 tháng 7 năm 1968” và “Lời kêu gọi ngày 3 tháng 11 năm 1968”, một lần nữa khẳng định thắng lợi cuối cùng thuộc về dân tộc Việt Nam, cảm ơn sự giúp đỡ to lớn của nhân dân toàn thế giới...

Năm Bính Thân 2016 này, chúng ta sẽ mạnh mẽ đi tiếp con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn qua những năm Thân trong lịch sử dân tộc, đưa Việt Nam dần sánh vai với bạn bè thế giới.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo