xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những ngôi làng đặc biệt: Đệ nhất bát danh hương

Bài và ảnh: QUANG NHẬT

Không có của ngon vật lạ hay danh nhân kiệt xuất nhưng làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa vẫn được phong là “đệ nhất bát danh hương” của đất Quảng Bình

Làng Lệ Sơn tựa bên dãy núi đá vôi có 99 ngọn kéo dài 4 km, mặt trước bao bọc bởi dòng sông Gianh thơ mộng. Từ đầu tới cuối làng là con đường đầy bóng tre xanh trải dài theo mép sông. Phong cảnh Lệ Sơn được một người con xa xứ họa bằng thơ rằng: Sông trong in thẳm da trời/Chập chùng núi biếc, ngời ngời trăng thanh.

Truyền thuyết 99 ngọn núi

Ông Trần Xuân Quế (75 tuổi, người làng Lệ Sơn) tự hào khoe vùng đất Lệ Sơn là một kiệt tác kỳ công của tạo hóa. Làng đứng đầu trong số 8 ngôi làng nổi tiếng nhất tỉnh Quảng Bình gồm: Sơn - Hà - Cảnh - Thổ - Văn - Võ - Cổ - Kim (Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương, Thổ Ngoạn, Văn Hóa, Võ Xá, Cổ Hiền, Kim Nại) nên được mệnh danh là “Đệ nhất bát danh hương”.

Là một cựu giáo chức, ông Quế kể rằng ngôi làng này không chỉ nổi tiếng bởi sự hiếu học mà còn lưu truyền hàng chục câu chuyện cổ tích về địa danh, quá trình hình thành làng. Đã có rất nhiều bài thơ, bài ca ra đời ca tụng làng Lệ Sơn. Quanh các ngọn núi cũng có hàng chục câu chuyện kỳ lạ.
 
img
Ông Trần Xuân Quế ngâm nga những câu thơ viết về Lệ Sơn
 
Người dân nơi đây thường truyền tai nhau truyền thuyết về đàn chim phượng hoàng và 99 ngọn núi. Vào một chiều xuân, 100 con phượng hoàng trên đường bay từ Bắc vào Nam, khi tới vùng Lệ Sơn đã không cưỡng lại được vẻ đẹp của mảnh đất này. Bầy chim chao lượn rồi định dừng chân trên những ngọn núi sau làng để “thưởng thức”.
 
Tiếc thay, Lệ Sơn chỉ có 99 ngọn núi mà có đến 100 chim phượng hoàng. Thế là, một con loay hoay mãi không tìm ra chỗ đậu nên đàn chim đành phải ngắm nghía ngôi làng rồi bay tiếp. Sau này, 99 ngọn núi cứ cao dần lên, không chỉ che bão táp, nắng nóng mà còn tạo nên một dãy núi cao, đẹp bao bọc, bảo vệ làng.
 
Vua Hàm Nghi cũng từng chọn Lệ Sơn làm nơi nghỉ chân trên đường chạy ra Hà Tĩnh để trốn giặc Pháp truy đuổi. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, quân đội ta đã chọn 99 ngọn núi chạy dọc làng làm căn cứ cách mạng.
 
Những đỉnh Thanh Tuyền, Vũ Tọa, Thi Đầu, Họa Các, Bài Phong… ngày xưa được dân làng làm vọng gác đánh tàu chiến của Pháp từ Ba Đồn lên càn quét. Hang Lụy, hang Ong là căn cứ của Quân y 108 - nơi chữa bệnh, an dưỡng cho bộ đội trước khi quay lại chiến đấu.

99 ngọn núi không chỉ che chở cho bộ đội và người dân những năm chống giặc ngoại xâm mà theo ông Nguyễn Văn Huyền, một người dân trong làng, đây còn là nơi tránh lũ. Bao năm qua, Lệ Sơn không phải chịu sự tàn phá của bão lũ cũng như cái nắng, cái gió gay gắt của miền Trung. “Lệ Sơn như một vùng trời riêng ở miền Trung. Quanh năm không khí trong lành, người dân ai cũng sống thọ…” - ông Huyền kể.

Lấy học vấn làm đầu

Chúng tôi tìm về Lệ Sơn khi năm học mới đã bắt đầu. Không còn cảnh học sinh lụy đò bởi cây cầu mới bắc qua sông Gianh ở xã Văn Hóa vừa khánh thành. Dọc các con đường, những tà áo trắng tung tăng dưới bóng tre yên ả. Tinh thần hiếu học ở làng này được ông Trần Xuân Quế ví von: “Nhiều người làng bên thường bảo làng Lệ Sơn có mỏ vàng. Ý người ta muốn nói rằng nơi đây sinh ra nhiều người tài”.
 
img
Những ngọn núi vôi hùng vĩ, yên bình bao bọc làng Lệ Sơn

Để động viên con cháu cố gắng học hành, ngày xưa, các cụ lớn tuổi trong làng thường bảo: Đây là vùng đất linh, tiên thường giáng trần. Nếu em nào cần cù học tập ắt sẽ thành công. Cũng vì thế mà truyền thống hiếu học nơi đây được gìn giữ từ đời này sang đời khác. Ông Quế nhớ lại: “Khi tôi còn bé, cứ mỗi khi đêm về, các thầy lại đánh trống báo hiệu giờ học. Họ đi quanh làng thúc giục, động viên học sinh học bài”.

Ông Hoàng Đình Bá, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Văn Hóa, cho biết trong năm học này, toàn xã có 26 em đỗ vào các trường ĐH trên toàn quốc. Còn trong 5 năm trở lại đây, làng Lệ Sơn có 146 em thi đỗ ĐH, CĐ. Hằng năm, vào ngày 26 tháng chạp âm lịch, làng Lệ Sơn lại mở hội trao thưởng cho các em đỗ ĐH, CĐ và những học sinh đạt thành tích xuất sắc. Đây là dịp các em về quê nghỉ Tết cổ truyền; dân làng mới có điều kiện gặp gỡ, động viên. Ngoài ra, 10 dòng họ ở làng còn tổ chức lễ trao học bổng riêng. Con em ở Lệ Sơn luôn lấy sự học làm đầu.

“Đây là vùng đất nghèo, ai ai cũng ráng học để sau này bớt khổ. Từ xa xưa, vùng đất này có nhiều nhà nho dạy chữ, truyền thống hiếu học của con em trong làng đã được các tiền nhân vun đắp” - ông Bá lý giải.

Kỳ tới: Hào kiệt Bích La Đông
 

Làng có gần 1.000 nhà giáo

Ông Nguyễn Văn Hà, người dân làng Lệ Sơn, tự hào cho biết: Năm nào làng cũng có vài chục em đậu đại học. Hiện có trên 150 người là nhà giáo về hưu và gần 1.000 nhà giáo đang giảng dạy trên cả nước. Đặc biệt, nhiều gia đình có từ 2-3 người làm nghề giáo. Trong làng cũng có rất nhiều người có học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ”.

 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo