Người lạ đến làng không khỏi bất mãn bởi hầu hết dân ở đây ít khi “cười hở mười cái răng” mà chỉ mỉm chi rất bí ẩn
Xóm Gò Mía thuộc thôn Cẩm Thạch, xã Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên có 25 nóc nhà với hơn 60 nhân khẩu. Hơn 80% người dân nơi đây đều có hàm răng ố vàng, đen xỉn và rụng dần.
Muốn lấy chồng phải trồng răng
Đến bây giờ, 3 anh em ông Nguyễn Văn Tiến (49 tuổi), Nguyễn Ngọc Dỡn (46 tuổi) và Nguyễn Thị Mừng (43 tuổi, đều ở xóm Gò Mía) vẫn chưa có gia đình. “Khổ, không hiểu sao cả 3 anh em tôi khi lên 7, lên 8 thì răng bắt đầu ố vàng, đen xỉn rồi rụng dần. Cũng muốn lập gia đình nhưng ngặt nỗi chẳng dám nói chuyện với ai. Tội cho con em, trước đây cũng có người đến chơi nhưng nó cứ trốn” - ông Tiến tâm sự.
Cách đó không xa là căn nhà của vợ chồng ông Dương Tấn Sỹ (43 tuổi) và bà Lương Thị Điệp (39 tuổi). Ông Sỹ là người xóm Gò Mía. Năm lên 10, răng ông bắt đầu hư và đến năm 20 tuổi thì rụng dần. Đến năm 26 tuổi, ông gặp bà Điệp, người ở xóm khác trong xã. Mỗi khi đến nhà người đẹp chơi, ông rất ít nói. “Cũng may ngày ấy chưa có điện, Điệp chỉ thắp ngọn đèn dầu leo lét, nhờ đó mới không bị phát hiện” - ông Sỹ tủm tỉm.
Sau khi lấy nhau, bà Điệp mới phát hiện hàm răng của chồng chỉ còn lưa thưa vài cái. “Thôi chứ giận gì nữa. Ổng yêu mình mới vậy chứ có lỗi gì đâu” - bà Điệp chia sẻ. Hiện bà đang lo cho 3 đứa con gái, đứa nào răng cũng bắt đầu ố vàng dẫu có đánh răng nhiều lần trong ngày. Nhiều lần bà đưa con đi khám nhưng các bác sĩ đều lắc đầu. “Giờ phải cố dành dụm tiền trám hay trồng lại răng cho các con để có chồng chứ biết làm sao” - bà Điệp buồn bã.
Vợ chồng bà Trương Thị Hai (40 tuổi) và ông Nguyễn Minh Thành (42 tuổi) là người ở xứ khác nhưng sau khi cưới nhau đã về lập nghiệp ở xóm Gò Mía. Hai con gái của ông sinh ra ở đây khi lớn lên cũng bị hư răng. Giờ cả hai ở tuổi cặp kê nhưng đều ngại tiếp xúc với bạn bè. “Vợ chồng dành dụm được 6 triệu đồng đưa 2 con đi trám răng nhưng con chị mới trám chưa được bao lâu thì đã bị bong tróc hết. Giờ vợ chồng đang định mượn bà con ít tiền để cho cháu trồng lại răng mà nghe sao đắt quá, đến 15 triệu đồng mới trồng được bộ răng giả” - bà Hai lo lắng.
Ông Trần Dư - Thôn trưởng thôn Cẩm Thạch, xã Hòa Định Tây - cho biết từ trước đến giờ cả xóm Gò Mía chẳng mấy ai đủ điều kiện để trúng tuyển nghĩa vụ quân sự chỉ vì răng hư. Còn người lạ đến đây hỏi đường dễ bất mãn vì luôn nhận được những nụ cười mỉm. “Nhưng biết làm sao được, ai cũng ngại để lộ hàm răng không lấy gì làm đẹp của mình” - ông Dư phân trần.
Nghi do nguồn nước
Ông Dư nghi ngờ nguồn nước là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hư răng do xóm Gò Mía nằm cạnh một suối nước nóng. Tuy nhiên, có điều lạ là người dân chỉ bắt đầu bị hư răng khi thay răng sữa. Còn những người lớn lên ở nơi khác chuyển về đây sinh sống thì không bị hư răng.
Cũng nghi ngờ về nguồn nước, ông Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng Trạm Y tế xã Hòa Định Tây, cho biết đã báo cáo nhiều lần đến Trung tâm Y tế huyện Phú Hòa. “Đến giờ họ vẫn chưa có trả lời nào để người dân yên tâm” - ông Hưng cho biết.
Thế nhưng trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Tấn Lập, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Hòa, khẳng định: “Tôi chưa nghe trạm y tế cơ sở báo gì cả, mà có báo thì chúng tôi cũng chỉ báo lên cấp trên thôi chứ chẳng thể làm được gì”. Ông Nguyễn Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Phú Yên, cũng cho biết mình chưa nghe báo cáo về việc người dân xóm Gò Mía bị hư răng hàng loạt.
Bác sĩ Phạm Đình Huấn (chủ Phòng Nha Chín ở TP Tuy Hòa) cho biết: “Nguồn nước ở xóm Gò Mía có chứa hàm lượng flour vượt ngưỡng cho phép nhiều lần. Chất flour ở hàm lượng thấp sẽ giúp ngừa sâu răng nhưng nếu cao sẽ ảnh hưởng đến men răng làm cho răng hư”. Việc trẻ em còn răng sữa không bị tổn thương, bác sĩ Huấn cho rằng vì mầm răng sữa được tạo nên từ trong bụng mẹ nên không bị ảnh hưởng. Bác sĩ Huấn khuyên người dân ở đây không cho trẻ em dưới 8 tuổi dùng nguồn nước tại địa phương mà nên dùng nước lọc lấy từ nơi khác về uống và nấu ăn vì ở lứa tuổi này, mầm răng dễ bị tổn thương.
Ông Nguyễn Phi Hổ, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Định Tây, cho biết trước đây xã đề nghị và được huyện đầu tư một hệ thống nước tập trung từ trung tâm huyện về xóm Gò Mía. “Nhưng sử dụng không được bao lâu thì đường ống bị bể. Do số hộ dùng nước máy ít nên nhà máy nước không muốn sửa chữa, vì thế người dân lại phải dùng nước giếng” - ông Hổ cho hay.
Cánh đồng “trời đánh”
Phía Tây xóm Gò Mía là cánh đồng Cây Dừa - Đá Trắng nổi tiếng bị sét đánh. Chỉ trong 10 năm qua, đã có 4 người đang làm đồng bị sét đánh chết, nhiều người khác cũng chết hụt vì “búa trời”. “Giờ đây người dân rất sợ. Đang làm đồng nhưng khi bắt đầu có giông, dù chỉ mới nửa đường cày, cũng vội bỏ chạy về. Mỗi khi trời làm giông, sét đánh xuống cánh đồng này ầm ầm, ngồi ở UBND xã mà chúng tôi cũng phải giật bắn người” - ông Nguyễn Phi Hổ kể.
Kỳ tới: Ám ảnh những đôi mắt
Bình luận (0)