. Phóng viên: Thưa thầy, quy cách khất thực trong Phật giáo hiện được quy định như thế nào?
- Hòa thượng Thích Thiện Tánh: Trong Phật giáo chỉ có phái Nam tông và hệ Khất sĩ lúc trước có đi khất thực. Sư khất thực đầu trọc, chân trần, mặc áo choàng. Phải đi chậm rãi, từng bước, mắt không được nhìn quá 7 thước và không được liếc ngang dọc, xin thực phẩm chứ không nhận tiền.
Qua theo dõi báo chí thấy nhiều người giả sư nhưng vẫn đội mũ len, mặc áo dài màu vàng hoặc màu nâu, nhiều người nhìn thẳng về phía trước, nhất là lấy tiền, đó là những biểu hiện trái với quy cách khất thực.
. Hiện nay, phái Nam tông và hệ Khất sĩ có còn khất thực nữa không, thưa thầy?
- Do nhận thấy có hiện tượng mượn áo nhà chùa để “làm tiền” nên từ năm 1981, Trung ương Giáo hội đã nói rõ sư nào khất thực hoặc quyên góp ngoài phạm vi chùa thì phải có giấy giới thiệu của Ban Thường trực Phật giáo tỉnh, thành. Tuy nhiên, để gìn giữ uy tín cho Phật giáo nên không riêng ở TPHCM mà trên cả nước chưa có tỉnh, thành nào cấp giấy giới thiệu để khất thực. Như vậy, tất cả những người đi khất thực xin tiền hiện nay mà chúng ta gặp hoàn toàn là sư giả.
. Thành hội Phật giáo TP có cách gì để chấm dứt hiện tượng này?
- Thời gian trước, hiện tượng giả sư khất thực để xin tiền chỉ rải rác, nhưng hiện nay đã trở thành “phong trào”. Không chỉ TPHCM mà ở Hà Nội tôi cũng gặp sư giả, ngay cả người nước ngoài vào VN cũng lợi dụng tấm áo nhà chùa để khất thực kiếm tiền. Chính việc này đã bôi nhọ hình ảnh Phật giáo.
![]() |
Một sư giả đi khất thực mặc áo dài thay vì mặc áo choàng như quy định (ảnh chụp tại quận 5 - TPHCM sáng 16-8) |
Chúng ta chưa có chế tài cụ thể để xử phạt những đối tượng giả sư. Sắp tới, Trung ương Giáo hội Phật giáo sẽ bàn cách ứng phó. Riêng địa bàn TPHCM hiện là nơi “nóng” nhất nên Thành hội Phật giáo sẽ họp với Ủy ban MTTQ TPHCM cùng đại diện 24 quận-huyện để ra nghị quyết hướng dẫn cách xử lý.
Qua Báo NLĐ, tôi muốn nhắn gởi đến những người dân có lòng hảo tâm và phật tử nếu muốn làm từ thiện thì hãy đến chùa, đừng để lòng tốt bị lợi dụng. Nếu ai cũng biết và cảnh giác thì sư giả sẽ không có đất sống.
Ông Phùng Văn Hải, Chủ tịch UBND phường 14, quận 5: Khó xử lý! Sau khi Báo NLĐ phản ánh trên đường Châu Văn Liêm, thuộc địa bàn phường xuất hiện nhiều sư giả, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra. Đúng là từ 5 giờ - 7 giờ hằng ngày ở đây có khá nhiều người cạo trọc đầu, mặc áo nhà sư tụ tập nhưng họ chỉ ngồi uống cà phê, nói chuyện, sau đó tỏa đi các tuyến đường Thuận Kiều, Nguyễn Chí Thanh để... hành nghề nên chúng tôi không thể xử lý. Quận 5 là nơi có nhiều chùa, những kẻ giả mạo thường tụ quanh các chùa để hoạt động. Công an phường sẽ theo dõi, nếu phát hiện những người giả dạng nhà sư hành nghề khất thực trên địa bàn sẽ mời về trụ sở xử lý. Bà Lê Thị Hiệp, Chủ tịch UBND phường 6, quận 6: Chỉ đạo Ban Quản lý chợ cảnh giác Sau khi báo đăng nhiều sư giả khất thực trước chợ Minh Phụng để xin tiền, chúng tôi đã chỉ đạo Ban Quản lý chợ Minh Phụng phải cảnh giác và báo cho công an khi phát hiện. Khi đó, chúng tôi sẽ chuyển những “sư” này vào trung tâm bảo trợ xã hội nếu họ không có giấy tờ tùy thân. Trường hợp họ có hộ khẩu ở địa phương thì sẽ tịch thu đồ nghề, cho viết cam kết không tái phạm và tiến hành kiểm điểm trước tổ dân phố. Đây là năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị, UBND phường kiên quyết không để hiện tượng sư giả hoành hành trên địa bàn. |
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Ban Tuyên truyền Hội Luật gia TPHCM: Tương ứng với hành vi của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản Từ những trường hợp mà Báo NLĐ đã nêu, hành vi của các nhà sư giả đã tương ứng với hành vi của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho dù họ có lý luận rằng không phải họ xin mà tự người dân đến cho tiền và thực phẩm. Cụ thể hơn, hành vi giả danh của họ cũng là hành vi lừa lọc người khác với mục đích nhằm nhận được những khoản tiền đấy. “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thể hiện ở hai hành vi là hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản. Gian dối là hành vi đưa ra thông tin không đúng sự thật để người khác tin đó là sự thật nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc làm cho người có tài sản tự nguyện giao tài sản cho người có hành vi gian dối. Theo điều 139 Bộ Luật Hình sự, chiếm đoạt tài sản từ 500.000 – 50 triệu đồng hoặc dưới 500.000 đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Trường hợp dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị dưới 500.000 đồng mà không gây hậu quả nghiêm trọng cũng như chưa từng bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt và chưa bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản nhưng đã được xóa án tích thì chỉ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Về cách xử lý, nếu hành vi đã có dấu hiệu tội phạm thì chuyển hồ sơ sang cho cơ quan cảnh sát điều tra có thẩm quyền, nếu hành vi chỉ có thể xử phạt hành chính thì chuyển sang cho người có thẩm quyền xử phạt. M.Nhung ghi |
Bình luận (0)