Trên cương vị trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, suốt quá trình đàm phán, Bộ trưởng Xuân Thủy luôn được đồng nghiệp và bạn bè nể trọng, còn đối phương thì khâm phục. Là chính khách và là nhà thơ tài hoa, uyên bác, ông đã vận dụng sáng tạo sách lược “tuy 2 mà 1, tuy 1 mà 2”, phối hợp chặt chẽ giữa hai miền Bắc - Nam trong quá trình đàm phán hướng tới mục tiêu chung là độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Vẫn làm thơ
Tại hội nghị Paris, trong khi Mỹ phải 4 lần thay trưởng đoàn thì phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn là ông Xuân Thủy. “Những năm tháng đàm phán tại Paris càng làm toát lên trí tuệ và nhân cách Xuân Thủy trong cuộc đấu trí đầy cam go với đối phương” - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận định.
Bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao, trưởng phái đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (đoàn Mặt trận), nhớ lại kỷ niệm khó quên về ông Xuân Thủy: “Có lần, sau khi đàm phán, đồng chí Xuân Thủy đến bắt tay và đưa cho tôi mấy câu thơ vừa sáng tác trong lúc họp. Trước một công việc căng thẳng như vậy mà đồng chí còn nghĩ đến thơ, thật là lạ”.
Át chủ bài
Bà Nguyễn Thị Bình cho biết khi được giao trọng trách đứng ra đàm phán, bà lo lắng đến quên ăn quên ngủ. Song, bà vẫn tâm niệm: “Bao chiến sĩ, bao người dân đã hy sinh, đổ máu. Phải cố gắng đàm phán làm sao sớm chấm dứt được cuộc chiến. Mình luôn tự nhủ phải gắng làm tròn trách nhiệm...”.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, từng phiên dịch cho bà Nguyễn Thị Bình, cho rằng người phụ nữ này chính là “át chủ bài” của ta trong việc tranh thủ dư luận. “Những năm 1960, ta không có nhiều nữ chính khách. Vai trò của trưởng phái đoàn là vừa phải biết đàm phán vừa tranh thủ được dư luận. Sự xuất hiện của bà Bình là điểm cộng rất lớn, tạo lợi thế về tình cảm, đặc biệt đối với giới báo chí. Bà có gốc gác khá nổi bật, đứng trong hàng ngũ phụ nữ của ta lại vừa kết hợp được phương châm “cương - nhu” mà chúng ta áp dụng trên bàn đàm phán…” - bà Ninh nhận xét về “người chị thân thiết” của mình.
Theo bà Ninh, bà Nguyễn Thị Bình sử dụng tiếng Pháp lưu loát, hiểu cả tiếng Anh và bà đã sử dụng công cụ ngôn ngữ rất hiệu quả. “Tôi nghĩ bà là một trong những người góp phần quan trọng vào phong thái ngoại giao Việt Nam. Đó là đàng hoàng, chững chạc, tự tin, kiên quyết, đồng thời mềm mỏng, uyển chuyển và có khía cạnh con người gần gũi” - bà Ninh nhìn nhận.
Ông Lưu Văn Lợi, nguyên thư ký của cố vấn Lê Đức Thọ, đánh giá cao vai trò của bà Bình tại bàn đàm phán. Sự xuất hiện của bà đã xua tan những nhận xét ác ý và nhiều lời đàm tiếu về “một nữ cộng sản luôn sống trong rừng rú”. “Bà Bình lúc nào cũng duyên dáng trong các bộ áo dài lịch lãm, linh hoạt. Xung quanh bà toàn những cộng sự giỏi giang khiến các nhà đàm phán đối phương phải nể phục” - ông Lợi nhớ lại.
Giữa 2 kỳ họp là một khối lượng công việc lớn, căng thẳng, bận rộn. Bà Nguyễn Thị Bình tổ chức họp báo, trả lời phỏng vấn, tham dự các hội nghị quốc tế; đi các nước tuyên truyền, vận động, tranh thủ sự ủng hộ của họ cho sự nghiệp đấu tranh vì chính nghĩa. Rồi, bà chuẩn bị thông tin, các đòn tấn công ngoại giao sắc bén cho cuộc đàm phán tới...
“Làm công việc ngoại giao căng thẳng, phải kín võ lắm, sơ hở là chết. Có lần, một nhà báo phương Tây hỏi: “Bà có ở Đảng Cộng sản?”, mình trả lời: “Tôi thuộc Đảng yêu nước”, thế mà họ chịu đấy! Phương châm của mình là họ có quyền hỏi, mình có quyền trả lời nhưng trả lời thế nào để họ “tâm phục, khẩu phục”, hiểu rõ hơn cuộc chiến đấu chính nghĩa của dân tộc mình mới là điều quan trọng” - bà Bình đúc kết trong hồi ký.
GS Trần Văn Khê xúc động nhớ lại phong thái giản dị, thân mật của bà Nguyễn Thị Bình qua thời gian làm việc trực tiếp với bà. “Giai đoạn trước và sau hội đàm Paris, các cuộc tiếp xúc ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp đóng vai trò rất quan trọng. Trong một sự kiện đặc biệt, tôi là thành viên của đoàn ngoại giao Pháp và có dịp gặp chị Bình. Nhận ra chị từ xa, tôi cúi chào theo phép xã giao. Tôi rất bất ngờ vì ngay sau cử chỉ ấy, chị Bình đáp lại bằng cái bắt tay thân tình, rồi còn giới thiệu tôi với lãnh đạo và các thành viên đoàn ngoại giao Việt Nam” - GS Khê kể.
Vật bất ly thân Ông Lưu Văn Lợi cho biết ông Lê Đức Thọ là người rất cẩn thận, kín đáo. Ngồi trong phòng đàm phán, bao giờ ông cũng cẩn thận để tài liệu mở ra một nửa hoặc áp sát ngực, nếu không thì cũng úp xuống mặt bàn đề phòng đèn chùm treo trên cao bị đối phương gắn thiết bị nhìn lén. Ông cho tài liệu tối mật vào một cái túi nhỏ đeo tròng qua cổ như vật bất ly thân, không để trong cặp ngoại giao. “Là người từng trải và khôn khéo, lại nắm rõ các lợi ích quốc gia và quốc tế, khi thông báo với các nước bạn về diễn biến của quá trình đàm phán, ông Thọ cũng không bao giờ để lộ các bước đi của đoàn Việt Nam” - ông Lợi nhớ lại. |
Kỳ tới: Bạn bè tiếp sức
Bình luận (0)