Quan tài có hình chiếc thuyền, dài chừng 2 m, rộng chừng 0,7 m, được làm bằng gỗ và đã ngả màu nâu đen. Khi nắp quan tài bật mở, người ta thấy lộ ra một người chết nằm ngửa, trong tư thế ngủ, đầu gối cao, hai tay để xuôi, chân thẳng và được bó vải từ đầu đến chân. Trên đầu hài cốt là bình gốm với nhiều hiện vật bằng gỗ.
Theo các nhà khoa học thì đây là mộ thuyền Đông Sơn, có niên đại chừng 2.500 năm. So với các mộ thuyền đã tìm được, đây là mộ thuyền đầu tiên còn nguyên vẹn xương cốt với quần áo hoàn chỉnh. Từ trước đến nay, trong lịch sử dân tộc, các nhà khoa học chỉ biết đến kỹ thuật ướp xác và sử dụng hợp chất sớm nhất là ở thời Lê sơ. Sau khi lật giở từng lớp cát bụi, phân tích kỹ thành phần hài cốt, các nhà khoa học thấy rằng chẳng có một kỹ thuật ướp xác nào được sử dụng ở đây và hài cốt này được chôn cất bình thường như chúng ta ngày nay. Tuy nhiên, khoảng 4.000 năm trước, ở Động Xá có quá trình biển tiến. Khi biển rút, đã để lại một lớp đất dày chứa khí mê tan ở nồng độ cao đến mức tiêu diệt các loại vi khuẩn ăn gỗ, xương. Gần 2000 năm sau thời kỳ biển tiến, người Đông Sơn ở Động Xá khi chôn cất đã đào sâu xuống đất vài mét, đúng vào lớp đất sú vẹt này. Theo tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á, người trực tiếp tiến hành cuộc khai quật, đó là lý do khiến hài cốt và các di vật nằm dưới đất được bảo quản một cách tự nhiên và giữ được gần nguyên dạng.
Việc tìm được mộ thuyền còn nguyên xương cốt làm các nhà khoa học vô cùng phấn khởi. Bởi lẽ muốn tìm hiểu về nguồn gốc dân tộc thì cốt sọ giữ vai trò quan trọng nhất. Nhưng những cốt sọ liên quan đến thời đại đồng thau và sơ kỳ thời đại Sắt (giai đoạn Đông Sơn) lại không nhiều và thường mủn nát. Phát hiện này cho phép khẳng định tổ tiên trực tiếp của người Việt Nam là những người đã tạo nên nền văn hóa Đông Sơn!
Điều đặc biệt là ở mộ thuyền Động Xá có nhiều bằng chứng của một chiếc thuyền đã được sử dụng, sau đó được cắt đi một nửa để dùng làm quan tài chứ không phải từ thân cây khoét rỗng như các di chỉ mộ táng Đông Sơn khác mà các nhà khoa học đã tìm thấy. Quan sát lòng quan tài, các nhà khoa học còn thấy chừa ra một lớp mộng khớp vốn là một kiểu chế tác thuyền độc mộc thời Đông Sơn. Theo tiến sĩ Bùi Văn Liên, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam: "Rất có thể trước khi trở thành mộ, quan tài này đã được cư dân Đông Sơn sử dụng để đi lại trên các sông ngòi". Để chứng minh cho giả thiết này, ông Liên và cộng sự đã tạo một mô hình thuyền độc mộc theo đúng mộ thuyền này rồi cho chạy thử trên sông thì "thuyền chạy tốt"!
Cũng ở mộ thuyền này, lần đầu tiên, các nhà khoa học tìm được xác chết có quần áo hoàn chỉnh. Trước đây, các nhà khoa học chỉ biết rằng kỹ thuật vải thời Đông Sơn phổ biến là dùng gai để lấy sợi. Nhưng ở di chỉ này cho thấy người Đông Sơn đã sử dụng cả lụa. TS Nguyễn Việt cũng khẳng định, họ đã phân tích và phát hiện xen kẽ giữa những sợi gai là những sợi lụa. Khung vải hẹp, chỉ rộng 30 - 40 cm bề ngang. Như vậy mộ táng này mở ra nhiều cơ hội tìm hiểu về xã hội Đông Sơn xưa.
Động Xá là một vùng chiêm trũng, diện tích chỉ vài trăm mét vuông, có mật độ đậm đặc các mộ thuyền Đông Sơn. Từ trước đến nay, người ta đã phát hiện gần 40 mộ thuyền ở đây. Cùng với trống đồng Động Xá được phát hiện từ năm 1998, vùng đất này có khả năng vừa là di chỉ cư trú, vừa là di chỉ mộ táng của người Việt thời Đông Sơn.
Trong việc tìm hiểu xã hội thời xưa của dân tộc, mộ cổ có một vị trí quan trọng. Trong thời đại Đồng thau và thời đại Sắt, có nhiều hình thức mai táng như mộ huyệt đất, mộ vò, mộ cư thạch... Nhưng với điều kiện địa lý ở nước ta, một nước có quá nhiều sông ngòi, đầm lầy, thì hình thức mai táng bằng thuyền là phổ biến ở vài ngàn năm trước. Tuy nhiên cho đến nay, việc nghiên cứu mộ thuyền Đông Sơn mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu. Việc phát hiện di chỉ mộ thuyền này sẽ giúp các nhà khoa học thêm chứng cứ làm sáng tỏ những bí ẩn của thời kỳ lịch sửa xưa.
Bình luận (0)