Cuối tháng chạp, người Êđê (cư ngụ ở các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Nông, Kon Tum) lại tất bật với lễ Tết bến nước. Đây là lễ tục có từ lâu đời, như một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Êđê. Người Êđê trân trọng bến nước hơn cả hạt muối, hạt gạo. Nhiều bếp nhà dù đã chuyển đi nhưng họ vẫn trở về quê cũ để làm ăn vì nơi ấy có bến nước trong lành.
Tìm trinh nữ ở Tết bến nước
Tết bến nước thể hiện quan niệm nhân sinh của người Êđê nhằm tạ ơn thần linh đã cho dân làng một năm mạnh khỏe, đủ đầy nguồn nước để sinh hoạt, cầu một năm mới nhờ nguồn nước ấy mà dân làng sẽ không đau ốm. Tuy nhiên, cũng vì quá trân trọng nguồn nước, lễ tục nhiều phức tạp nên đã có những câu chuyện cười ra nước mắt.
Tết bến nước thường được diễn ra trong 3 ngày. Ngày thứ nhất, chuẩn bị các lễ vật gồm 1 con heo đực đen, 9 ché rượu cần được buộc vào các cột ở gian phòng khách ngôi nhà dài. Thịt heo thái nhỏ đựng vào nia; trầu cau, gạo, cơm, xôi, thuốc lá bày bên các ché rượu; tiết heo có pha rượu đựng trong các chén đồng. Đoàn người do thầy cúng dẫn đầu đi ra bến nước làm lễ.
Trên tay thầy cúng cầm 1 tô tiết heo pha rượu, 5 chùm thịt heo thái nhỏ và 1 chai rượu. Cùng đi với đoàn là 5 trinh nữ gùi những quả bầu khô cùng 5 nam thanh niên khỏe mạnh vác các ống nước bằng tre. Sau khi bày lễ vật, thầy cúng khấn cầu xin Giàng phù hộ cho nguồn nước trong lành, không bao giờ cạn, mọi người trong buôn uống nguồn nước này đều mạnh khỏe.
Khấn cầu xong, thầy cầm dao chém vào dòng nước, ngụ ý đuổi cái xấu đi. Các cô gái và chàng trai hứng đầy nước để mang về đổ vào những ché rượu cúng thần linh. Ngày thứ hai, người dân trong buôn cũng tập trung về nhà dài để cúng. Ngày thứ ba, hoàn tất nghi lễ.
Trước đó 3 ngày, làng dựng cổng chào ở bến nước. Ngay từ thời điểm ấy, không ai được lấy nước ở bến. Và trong suốt 3 ngày Tết bến nước, người dân cũng không được gùi nước về nhà để sinh hoạt, chỉ khi nào kết thúc lễ, người dân mới được lấy nước.
“Vì vậy nên trước khi dựng cổng chào cúng bến nước, ai cũng phải tranh thủ lấy nước dự trữ để tắm giặt, ăn uống. Nhiều người không có nhiều đồ dự trữ nước thì phải tiết kiệm nước chỉ để uống, nấu ăn mà không dám tắm giặt. Sáu ngày chứ ít gì nên dự lễ mà mùi thịt cứ quyện mùi mồ hôi” - anh Y Thư ở xã EaTrol, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên nói vui.
Trong khi đó, Y Thoan, cũng ở xã EaTrol, lại cho rằng nhờ Tết bến nước mà mình… cưới được vợ như ý. “Trong số gái làng, làm sao biết cô nào là trinh nữ. Chỉ qua lễ cúng này, trinh nữ mới được gùi nước về cúng nên mới chọn mặt gửi vàng. Hôm ấy, thấy H’Linh trong đoàn đi lấy nước, mình để ý. Sau lễ, cô ấy xuống bến nước tắm, mình thấy cô ấy thật dễ thương, mình bắt chuyện và…” - Y Thoan tủm tỉm cười. Bây giờ Y Thoan và H’Linh đã có một cháu trai kháu khỉnh.
“Đổ đầu”: Dù bẩn vẫn làm nghiêm!
Cùng cư ngụ trên vùng cao 2 tỉnh Phú Yên, Bình Định là người Chăm H’Roi. Người Chăm H’Roi có tục “đổ đầu” trong ngày Tết, tiếng Chăm gọi là Quoai chơ ruh a kơh.
Kết thúc năm cũ, để tỏ lòng ơn Giàng và các thần linh phù hộ cho gia đình, lễ “đổ đầu” được xem như lễ tất niên của người Kinh được tổ chức từ ngày 25 đến ngày cuối cùng của năm. Lễ “đổ đầu” tùy theo kinh tế gia đình sẽ được sắm sửa nhiều hay ít nhưng không thể thiếu con gà trống lớn và ché rượu cần. Cả nhà ngồi nghiêm trang bên mâm cúng.
Chủ nhà vừa khấn vừa bốc gạo vãi lên trời mời Giàng pơkah, Giàng pơsưh về tiễn năm cũ đón năm mới; nhờ Giàng và thần linh phù giúp cho gia đình khỏe mạnh, mùa màng bội thu. Nắm gạo thứ hai được chủ nhà cúng vãi ra mời thần núi, thần sông, ông bà tổ tiên về cùng con cháu hưởng lễ.
Sau khi hành lễ chính thức, chủ nhà dùng tiết gà trống hòa với rượu cần rồi đổ mấy giọt lên đầu, lên trán của từng thành viên trong gia đình nhằm xua đuổi bệnh tật; cầu cho đàn ông trong nhà có sức khỏe như con hổ, con báo; cho đàn bà có đôi bàn tay khéo léo, siêng năng… Thành viên nào trong gia đình chưa được “đổ đầu”, xem như năm cũ vẫn còn, sẽ không được ra khỏi nhà, không được chơi Xuân.
Dấu rượu tiết gà sẽ được giữ suốt 3 ngày Tết. Vì thế, theo Nay Thị Hương (ngụ xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên), các con chị ngày nay chẳng chịu để đổ đầu. “Có bắt chúng đổ đầu thì chúng cũng chạy ra ngoài rửa sạch để đi chơi vì chúng sợ bẩn, bạn cười” - chị Hương nói.
Ông Ka Sô Liễng, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ở Phú Yên, thừa nhận ngày nay lễ “đổ đầu” đã bị mai một phần nào do lớp trẻ ngại bẩn.
Chợ Thiều bán rủi, mua may
Mấy năm trở lại đây, chợ Thiều ở xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa càng gây chú ý nên thu hút rất nhiều người dân xa gần quá bước. Chợ tuy chỉ có quy mô làng xã nhưng cứ đến ngày 26 tháng chạp, hàng ngàn người lại kéo về để “bán rủi, mua may”. Phiên chợ độc đáo này không bán những thứ xa xỉ mà bán chủ yếu những thứ “cây nhà, lá vườn” như con gà, con cá, mớ rau, củ hành, quả chuối, lá dong… Điều lạ là phiên chợ còn bán cả những chiếc chổi cùi, cái nồi hỏng…
Chợ Thiều trước đây họp sát bờ sông để thuận tiện cho việc đi lại trên sông của người dân nhưng mấy năm trở lại đây, chợ đã được chính quyền di chuyển vào sân chùa. Người dân có thể vừa đi chợ vừa thong dong ngắm cảnh chùa. Nét độc đáo của phiên chợ Thiều là kẻ bán, người mua đều vui vẻ, không có chuyện mặc cả, chèo kéo bởi người bán thì bán cái rủi, còn người mua thì mua cái may.
Theo các cụ cao niên trong làng, chợ Thiều có từ hàng trăm năm nay. Tương truyền, vào thời nhà Lê, một vị tướng dẫn quân đi dẹp giặc ngoại xâm trên sông Mã, lúc đoàn đến khúc sông bên chân núi Thiều thì thuyền mắc cạn. Vị tướng ra lệnh cho quân nghỉ ăn cơm trưa chờ con nước lớn.
Khi lên bờ nghỉ chân, tướng quân bắt gặp một miếu thờ nhỏ nằm ngay bên chân núi do những đứa trẻ mục đồng của làng Thiều dựng lên. Ông thắp nén nhang cầu cho thuận buồm xuôi gió, đánh thắng giặc ngoại xâm. Thắp nhang xong, quay lại thì tướng quân vô cùng bất ngờ khi đoàn thuyền đã có thể xuôi dòng và tiến thẳng về cửa Thần Phù đánh giặc.
Sau khi thắng giặc ngoại xâm trở về, vị tướng quay lại làng Thiều cho dân làng ăn mừng chiến công đúng vào ngày 26 tháng chạp. Kể từ đó đến nay, bà con làng Thiều năm nào cũng họp chợ vào đúng ngày đó để tưởng nhớ công ơn của vị tướng này. Phiên chợ Thiều giờ đây giống như một ngày hội và là nét truyền thống của làng Thiều.
Đi chợ để xem... “đánh nhau”
Chợ Chuộng ở xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa cũng là một phiên chợ độc đáo ở xứ Thanh. Người dân đi chợ chỉ mong được xem “đánh nhau” thật to thì năm đó làm ăn sẽ được may mắn. Mới nghe qua cứ tưởng đánh nhau thật nhưng thực ra đó là những màn ném cà chua vào người nhau để cầu may.
Phiên chợ này có từ thời nhà Lê. Tương truyền, năm đó đúng vào mùng 6 Tết, có một vị tướng bị giặc đuổi chạy qua đây. Để tránh bị địch phát hiện, vị tướng ra lệnh cho quân sĩ cùng dân làng họp chợ. Khi quân địch đến, tưởng đó chỉ là một phiên chợ quê bình thường nên không đề phòng, cảnh giác. Lúc vị tướng phát lệnh dân làng tấn công, quân địch bất ngờ không kịp trở tay và bị giết sạch.
Để tưởng nhớ vị tướng có công dẹp giặc, cứ mùng 6 Tết, người dân lại nô nức đến đây họp chợ. Đó cũng là lý do mà tại phiên chợ quê này mới có màn “choảng nhau” chí tử bằng cà chua. Khi chợ bắt đầu khai hội, từng tốp thanh niên cả nam lẫn nữ của các làng tập trung thành từng nhóm, trên tay cầm những túi cà chua đỏ au, chín mọng ném vào những tốp thanh niên của làng khác. Cuộc “chiến” diễn ra rất sôi nổi, ai “ăn” nhiều cà chua thì năm đó sẽ gặp được nhiều may mắn!
Thay cà chua bằng... gạch đá
Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, lễ hội này ngày càng “biến tướng”, không còn cảnh ném cà chua vui vẻ, tưng bừng mà thay vào đó là những màn đánh nhau sứt đầu mẻ trán giữa thanh niên làng này với làng khác. Phiên chợ bỗng nhiên trở thành nơi giải quyết ân oán của những thanh niên khác làng với nhau. Vì thế giờ đây, đi chợ Chuộng, người dân nơm nớp lo sợ vì nếu không may có khi lãnh trọn gạch, đá vào người.
Bình luận (0)