Phóng viên: Báo cáo của Ủy ban Kinh tế thẩm tra báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ đã đề cập ý kiến lo ngại việc chuyển nhượng hạ tầng sân bay, cảng biển có thể làm tăng gánh nặng người dân và doanh nghiệp. Vậy bản chất lo ngại này là thế nào, thưa ông?
- Ông Nguyễn Văn Phúc:
Quan điểm của Ủy ban Kinh tế là phải cân bằng các lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và đặc biệt là của người dân. Vừa qua, một số hiệp hội, doanh nghiệp, người dân… cho rằng có bất cập trong các chi phí vận tải nên ủy ban phải lưu ý vì việc chuyển nhượng như vậy phải kiểm soát để không xảy ra độc quyền, tạo gánh nặng cho người dân.
Có lo ngại chuyển từ độc quyền nhà nước sang độc quyền tư nhân?
- Nói như vậy thì hơi xa nhưng về trường hợp cụ thể như là một con đường do nhà nước đầu tư, bây giờ nhà nước cần chuyển nhượng quyền khai thác để lấy vốn đầu tư vào con đường khác. Đó là chủ trương rất đúng, giải pháp hay. Tuy nhiên, khi chuyển cho tư nhân thì phải lưu ý kiểm soát mức phí để các nhà đầu tư có chi phí hợp lý. Ngoài ra, cần giữ nguyên tắc phân loại tài sản, ví dụ như đường bộ thì có thể nhượng quyền khai thác nhiều.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết cũng đã kiểm soát chặt chẽ, có trao đổi với Bộ Tài chính. Theo ông, như vậy đã đủ chưa?
- Các vấn đề này trong các luật như Luật Đầu tư vừa được Quốc hội ban hành đã đề cập hình thức đầu tư như đối tác công - tư chẳng hạn. Song, nguyên tắc là dù chọn hình thức đầu tư nào cũng phải bảo đảm lợi ích của người dân chứ không buông được. Chẳng hạn vừa qua, các hiệp hội vận tải đã phản ứng trạm thu phí nhiều mà lợi ích của doanh nghiệp cũng là lợi ích của người dân.
Chắc chắn tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội trong kỳ họp này, đại biểu sẽ yêu cầu các bộ liên quan làm rõ những vấn đề bức xúc của người dân, của doanh nghiệp hoặc sẽ chất vấn trong phiên chất vấn. Có thể Quốc hội cũng ra nghị quyết yêu cầu chấn chỉnh việc này.
Quay lại vấn đề chuyển nhượng quyền khai thác phải phân loại tài sản. Cụ thể, đường bộ đã thúc đẩy mạnh; đường sắt mở ra nhưng nhà nước phải nắm các toa tàu…; còn cảng biển đã kêu gọi cả đầu tư nước ngoài và tư nhân cũng phải lựa chọn, cảng nào liên quan đến quốc phòng an ninh thì cần xem xét cẩn trọng.
Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Ủy ban Quốc phòng An ninh chủ trì đang giám sát vấn đề chuyển nhượng quyền khai thác cảng biển, sân bay và đã làm việc với Bộ Giao thông Vận tải.
Các động tác này nhằm làm rõ việc chuyển nhượng quyền khai thác phải bảo đảm về quốc phòng an ninh, ở các nước nào cũng vậy. Cái khó là nhượng quyền khai thác sân bay, lĩnh vực nhạy cảm nên cần cẩn trọng hơn. Vì thông thường ở Việt Nam, cảng hàng không là lưỡng dụng. Nhưng vốn để làm sân bay Long Thành quá lớn nên lựa chọn hạng mục nhà nước phải đầu tư vì liên quan đến quốc phòng an ninh, còn hạng mục khác thì có thể kêu gọi nhà đầu tư bên ngoài. Các tiêu chí đó được phân loại rõ ràng sẽ giải quyết được các vấn đề công luận đang đặt ra.
Hiện nay, trong dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, chưa có luật về cổ phần hóa nên theo tôi, giải pháp linh hoạt nhất là Quốc hội có nghị quyết riêng về việc nhượng quyền hạ tầng giao thông. Về lâu dài, đây không chỉ liên quan đến cổ phần hóa mà cả tái cơ cấu, chuyển nhượng, thoái vốn… nên cần luật hóa để quy định cụ thể.
Bình luận (0)