Nick Út, tên thật là Huỳnh Công Út, quê Long An, làm việc cho AP từ năm 1967, được cả thế giới biết đến qua bức ảnh Cô bé Napalm (Napalm Girl) đặc tả cảnh bé Phan Thị Kim Phúc, 9 tuổi, bị bỏng bom napalm vừa chạy vừa khóc trên đường lộ ở Trảng Bàng (Tây Ninh) vào tháng 8-1972. Bức ảnh này về sau đoạt Giải thưởng Ảnh Báo chí Thế giới Pulitzer, ghi dấu tên tuổi của Nick Út; đồng thời là bệ phóng cho sự nghiệp cầm máy của phóng viên ảnh người Việt này từ đó cho đến hôm nay.
Đoàn Công Tính và Nick Út tại tòa soạn Báo NLĐ sáng 24-5. Ảnh: Nam Dương |
Đoàn Công Tính là một trong những cựu phóng viên chiến trường hàng đầu VN trong kháng chiến chống Mỹ. Ông được biết đến nhiều qua bức ảnh Nụ cười dưới chân Thành cổ (Quảng Trị - 1972) cùng nhiều bức ảnh đoạt giải nhiếp ảnh giá trị khác, như: Đánh chiếm căn cứ Đầu Mầu, Trên đường hành quân, Trên đồi không tên…
Và, điều thú vị, bất ngờ nhất trong sáng 24-5 tại Báo Người Lao Động là cuộc hội ngộ của hai phóng viên ảnh Đoàn Công Tính – Nick Út, hai người từng ở hai chiến tuyến khác nhau tại chiến địa Thành cổ cách đây 35 năm. Lúc đó, ông Tính tác nghiệp bên trong Thành cổ; còn Nick Út với danh nghĩa là phóng viên của AP, theo đoàn báo chí quốc tế tác nghiệp tại Quảng Trị, bên ngoài Thành cổ, cùng đưa tin - ảnh về trận đánh “Mùa hè đỏ lửa”. Hai phóng viên chiến trường năm xưa, sau 35 năm nay mới gặp nhau trong một buổi trò chuyện về nghề nghiệp, cảm xúc trào dâng!
Hai cựu phóng viên chiến trường gặp nhau tại báo NLĐ sau 35 năm nghe tên mà không biết mặt. Ảnh: Nam Dương |
Ông Đoàn Công Tính nói: “Tôi biết Nick Út đã hàng chục năm nay, nhưng mới gặp nhau… hôm qua (23-5) tại TPHCM, nhờ anh Quang Liêm (phóng viên Báo Người Lao Động) giới thiệu”.
Tại buổi sinh hoạt, qua màn hình lớn, Nick Út đã giới thiệu bộ ảnh của ông chụp trong thời kỳ VN kháng chiến chống Mỹ. Nhiều bức ảnh rất xúc động, đặc tả nỗi đau khôn cùng, cuộc sống lầm than của người dân các vùng, miền VN trong chiến tranh; qua đó tố cáo tội ác của Mỹ - Ngụy. Rất nhiều trong số những bức ảnh này đã được Hãng AP chọn phát, được nhiều báo quốc tế đăng lại.
Kỹ thuật trình bày ảnh báo chí do Nick Út giới thiệu được nhiều phóng viên báo NLĐ quan tâm. Ảnh: Nam Dương. |
Đặc biệt, tại đây, Nick Út cũng giới thiệu bộ ảnh Chuyện đời Kim Phúc (nhân vật trong bức ảnh Cô bé Napalm). Bộ ảnh này là cuộc đời của Kim Phúc qua các thời kỳ, từ chiến tranh loạn lạc cho đến những ngày êm ấm hôm nay tại Canada. Bộ ảnh không chỉ nói lên sức sống mãnh liệt của con người VN, của người phụ nữ VN mà còn là thông điệp phản đối chiến tranh, kêu gọi hòa bình.
Hai ông Đoàn Công Tính và Nick Út trao đổi với các phóng viên Báo NLĐ về bố cục ảnh báo chí. Ảnh: Nam Dương. |
“Với Cô bé Napalm chụp tháng 8-1972, tên tuổi Nick Út đã bay xa khắp thế giới. Vậy tại sao ông phải mãi dõi theo Kim Phúc, để tiếp tục làm phóng sự ảnh về đời cô ấy?” – một phóng viên Báo NLĐ đặt câu hỏi.
Nick Út nói: “Một người làm báo phải luôn có lòng say nghề. Thêm nữa, phải biết xúc cảm trước sự kiện và có lương tâm với nhân vật trong sự kiện, nhất là những sự kiện chiến tranh. Tôi có mối ràng buộc với Kim Phúc, không phải vì cùng là người VN, mà ngay sau khoảnh khắc chụp bức Cô bé Napalm, tôi đã nghĩ tới chuyện cuộc đời của Phúc về sau này sẽ ra sao. Khi bức ảnh đoạt giải Pulitzer, dư luận thế giới và người dân VN biết đến Kim Phúc nhiều hơn và sẽ tiếp tục quan tâm đến cô ấy. Đó chính là đề tài để người phóng viên ảnh tư duy và quyết định dấn thân”.
Một câu hỏi khác dành cho Nick Út: “Để có những bức ảnh chiến sự “nóng” như vậy, ngoài yếu tố may mắn là chộp được kịp thời sự kiện, phóng viên cần có tố chất gì?”.
Nick Út cho biết ông đã từng vác máy ảnh đi nhiều chiến địa ở VN, Campuchia… và không ít lần bị thương. Có khi đang giương máy, hỏa tiễn bay vèo trên đầu, tóc cháy sém. Thế nên sự gan dạ, bình tĩnh là yếu tố cần thiết. Ngoài ra cần phải thông minh, chọn góc máy phù hợp để tác nghiệp nhanh, vì trong cảnh bom rơi đạn nổ, nếu chậm chân, sơ ý, mọi bất trắc đều có thể xảy đến với mình.
Cựu phóng viên chiến trường VN Đoàn Công Tính kể lại chuyện tác nghiệp của ông tại chiến trường Thành cổ Quảng Trị trong “Mùa hè đỏ lửa” năm 1972. Trong những ngày tháng ác liệt đó, ông phải giành giật với từng khoảnh khắc bình yên của chiến cuộc để tác nghiệp.
Nick Út giới thiệu về ảnh đăng trên tờ The New York Times (Mỹ). Ảnh: Nam Dương |
Về bức ảnh nổi tiếng Nụ cười dưới chân Thành cổ, ông Tính kể thật: “Nhiều người bảo rằng trong lúc chiến sự ác liệt như thế, chụp được một bức ảnh “đầy” nụ cười như vậy là vô lý. Tôi nói thật, tấm ảnh ấy tôi dàn dựng. Phải canh me lúc máy bay ngớt quần thảo, tôi gọi anh em ra ngoài, ngồi vào, hô “chụp” và bấm máy. Lúc đó, thấy máy bay địch chưa quay trở lại, tôi ngồi vào, nhờ người khác bấm cho một tấm nữa, bố cục giống như vậy”.
Theo ông Tính, dù đó là bức ảnh dàn dựng, nhưng vẫn được đánh giá cao, bởi lẽ trong bối cảnh ấy, không gian ấy, bức ảnh bật lên chủ đề rất rõ ràng: Sự lạc quan làm nên chiến thắng.
Về kỹ thuật, trên đống đổ nát của “hiện trường”, đằng sau các chiến sĩ giải phóng quân là những bức tường gạch dày bị nghiêng ngả, đổ vụn. Dù thế, những chiến sĩ giải phóng quân vẫn ngời lên nụ cười tươi rói. “Sự tương phản đã làm nên giá trị cho bức ảnh. Trong tác phẩm ảnh đơn hoặc trong loạt phóng sự ảnh, sự tương phản nội hàm về nội dung, màu sắc, ánh sáng… là rất quan trọng. Sử dụng ảnh báo chí cần chú ý điều đó” – ông Tính chia sẻ.
Không chỉ vậy, giá trị nhân văn của bức ảnh cũng là yếu tố quan trọng làm nên sức sống của tác phẩm, tên tuổi của tác giả. Nhân vật chính trong bức Nụ cười dưới chân Thành cổ là chiến sĩ Lê Xuân Chinh, sau chiến tranh về quê Điện Biên như một bộ đội phục viên bình thường; rồi đồng đội, xã hội bặt tin ông. Hành trình tìm lại nhân vật “nụ cười chiến thắng” của Đoàn Công Tính cách đây không lâu là một câu chuyện ly kỳ, kết thúc có hậu. Được sự giúp đỡ của ông Đoàn Công Tính và nhiều đồng đội, ông Lê Xuân Chinh sau đó được “tìm lại”, được hưởng chính sách vì những năm tháng cống hiến cho cách mạng.
“Kể dài dòng như vậy, để thấy rằng mỗi bức ảnh không chỉ là lát cắt tức thời của sự kiện, mà nó sẽ đi theo nhân vật suốt đời, theo thời cuộc mãi mãi, nếu như người chụp ảnh có cái Tâm” – nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính đúc kết.
Một câu hỏi khác đặt ra: Họp báo thường là sự kiện khó chụp ảnh, ảnh chụp ít khi được sử dụng vì tĩnh, cứng nhắc. Làm thế nào để khắc phục?
Nick Út trả lời bằng bức ảnh của một phóng viên AP chụp cảnh họp báo đăng trên tờ Los Angeles Times ngày 27-3-2007. Trong đó, cận cảnh là hai cánh tay của một người (có lẽ của một phóng viên) đang giương máy ảnh để ghi hình. Lồng trong cánh tay đó là gương mặt của nhân vật “đinh” – ông ngoại trưởng Palestine – đang nhăn nhó, căng thẳng. Xung quanh ông còn có nhiều quan chức của các bên cùng ngồi đàm phán. Nội dung cuộc đàm phán, theo tờ Los Angeles Times nói trên, là tháo ngòi quan hệ Israel – Palestine đang căng thằng…
Theo Nick Út, mọi hãng thông tấn, tờ báo Âu – Mỹ đều có thể chọn dùng tấm ảnh trên, vì rất đạt, hội tụ được các yếu tố: lạ, có “vấn đề”, nhân vật trong ảnh có hồn thông qua “ngôn ngữ nét mặt” (facial language). Quan trọng nữa là nó sát với nội dung bài tường thuật họp báo. Người chụp ảnh phải chú ý đến các yếu tố này và chủ động “canh” trước, tránh đưa vào ống kính cảnh những quan chức ngồi “trơ” mặt, nghiêm nghị…
Cũng theo Nick Út, với các cảnh họp báo, tiếp khách, không chỉ AP mà nhiều hãng thông tấn khác đều rất “kỵ” dùng ảnh bắt tay, vì ảnh không “động”, mang tính dàn dựng. Những tấm ảnh hội tụ tính chân thực, thời sự, độc đáo, rung động… luôn luôn “ăn khách” và để có được nó, trước hết người chụp phải tự tìm tòi. Trong đó, tính chân thực của nội dung ảnh là rất quan trọng mà người phóng viên ảnh báo chí luôn hết sức đề cao.
Ông đã kể ra hàng loạt vụ xì-căng-đan ảnh báo chí thế giới, như vụ ghép ảnh người đàn ông bế con băng qua làn đạn trong cuộc chiến Iraq, vụ dùng photoshop “đạo” cả series ảnh của một phóng viên tự do (free-lance) trong chiến tranh Israel - Lebanon…; thậm chí bê bối đã xảy ra đối với vài bức đoạt giải Pulitzer. Khi bị độc giả phát hiện, không chỉ người cung cấp ảnh bị thôi việc mà hãng thông tấn, tờ báo sử dụng ảnh đó cũng bị mất uy tín. Nghiêm trọng hơn là niềm tin của công luận vào sự thật trên báo chí bị xói mòn.
Đó cũng chính là bài học nghề nghiệp mà cả hai phóng viên ảnh kỳ cựu Nick Út và Đoàn Công Tính nhắc nhở các đồng nghiệp tại Báo Người Lao Động cũng như nhiều báo khác.
Bình luận (0)