Trong 2 ngày 30 và 31-12, tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau long trọng tổ chức “Lễ kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh” (1-1-1997/1-1-2017). Dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có chuyến thăm và làm việc tại 2 tỉnh này.
Sau 20 năm tái lập, bằng sự nỗ lực và phấn đấu không ngừng, Bạc Liêu đã đạt được nhiều thành tựu đáng chú ý. Nổi bật là việc áp dụng công nghệ cao vào việc sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Bạc Liêu hiện cũng là tỉnh đi đầu trong khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung về mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính. Hiện tỉnh này đang hướng tới mục tiêu thành thủ phủ nuôi tôm công nghệ cao của cả nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Cà Mau. Ảnh: DUY NHÂN
Ngoài ra, định hướng phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ tài nguyên môi trường đang được tỉnh này thực hiện khá thành công trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, với bờ biển dài 56 km, Bạc Liêu muốn biến nơi đây thành thủ phủ của điện gió. Bởi lẽ, lãnh đạo và người dân tỉnh này không chấp nhận bất cứ dự án đầu tư nào gây tổn hại đến môi trường, cụ thể là nhiệt điện.
Trong 20 năm tái lập, Bạc Liêu đã thành công thu hút đầu tư được Nhà máy điện gió có tổng công suất 99,2 MW, điện năng sản xuất khoảng 320 triệu KWh/năm, vốn đầu tư 5.217 tỷ đồng. Đồng thời đang chuẩn bị khởi công giai đoạn tiếp theo với tổng công suất 142MW, tổng mức đầu tư dự kiến 8.850 tỷ đồng…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng quà cho trẻ em và người có công ở Đất Mũi Cà Mau. Ảnh: DUY NHÂN
So với thời điểm mới tái lập tỉnh, các chỉ số trong sản xuất không ngừng tăng cao. Cụ thể, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản tăng gấp 6 lần; diện tích sản xuất lúa, mặc dù được thu hẹp đi một nửa nhưng sản lượng lại tăng gấp 2 lần, đạt trên 1 triệu tấn/năm.
Đặc biệt, sau gần 6 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh đã có 9/49 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Trong đó, huyện Phước Long với 7/7 xã đã hoàn thành các tiêu chí và trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh.
Lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ có sự phát triển vượt bậc. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2016 đạt trên 15.000 tỷ đồng, tăng 24 lần so với năm 1997. Hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển mạnh, đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hoá năm 2016 đạt trên 40.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 450 triệu USD, tăng gần 8 lần so với năm 1997.
Bạc Liêu ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường. Ảnh: DUY NHÂN
Du lịch có nhiều khởi sắc, lượng khách du lịch đến tham quan, nghiên cứu mỗi năm một tăng. Năm 2016 đạt hơn 1 triệu lượt, tăng 20 lần so với năm 1997...
Tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2016 ước đạt gần 23.000 tỷ đồng, tăng 10 lần so với năm 1997. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 33,2 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 8 lần so với năm 1997. Tổng thu cân đối ngân sách năm 2016 ước đạt 2.567 tỷ đồng, tăng 20 lần so với năm 1997.
Ông Lê Minh Khái, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, cho biết: “Bạc Liêu phải tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi và ứng dụng các thành tựu khoa học- công nghệ cho phát triển kinh tế. Trong đó, trọng tâm là nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản. Cần khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện thành công đề án “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” và định hướng xây dựng “Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước” theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ”.
Phát biểu trong buổi lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Bạc Liêu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao những thành tựu mà tỉnh này đã đạt được trong thời gian qua và lưu ý, trong thời gian tới còn rất nhiều thách thức đang đặt ra cho tỉnh. “Bạc Liêu cần tập trung phát huy thế mạnh của mình. Chú trọng tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng hiệu quả, bền vững. Phải phát triển nhanh các vùng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị sản xuất– chế biến– tiêu thụ sản phẩm. Phấn đấu đưa Bạc Liêu thành một tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững. Phát triển và nhân rộng các mô hình lúa– tôm kết hợp, nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh, siêu thâm canh... Đưa ngành nuôi trồng thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Bạc Liêu thành công với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính. Ảnh: PHAN THANH CƯỜNG
Bên cạnh đó, người đứng đầu Quốc hội cũng yêu cầu Bạc Liêu cần tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng hơn để thu hút đầu tư. Cần đẩy mạnh liên kết vùng, liên vùng và quan tâm phát triển nguồn nhân lực hơn trong thời gian tới.
Tối 31-12, tại lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đã nêu bật những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân Cà Mau nỗ lực phấn đấu trong 20 năm. Từ một tỉnh nghèo khi mới tái lập, hiện Cà Mau đã trở thành một trong 4 tỉnh trọng điểm vùng ĐBSCL.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận, biểu dương những thành tựu nổi bật 20 năm qua mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cà Mau đã đạt được; đề nghị các bộ, ngành Trung ương và các địa phương cả nước tiếp tục hỗ trợ Cà Mau trong quá trình hội nhập, phát triển thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý Đảng bộ, chính quyền tỉnh cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp nhằm xây dựng bộ máy chính quyền hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tăng cường hơn nữa việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển. Tăng cường liên kết vùng, cả chiều rộng lẫn chiều sâu nhằm phát huy lợi thế, tối ưu hóa nguồn lực trong phát triển; liên kết, hợp tác tích cực phát triển với các địa phương vùng ĐBSCL; tập trung hơn nữa vào các lĩnh vực thế mạnh, như: Khai thác, nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ tài nguyên, chủ quyền biển đảo. Phát triển mô hình nuôi tôm năng suất cao, xứng tầm là “vựa tôm” của cả nước; sản xuất và cung ứng sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và nâng cao chất lượng, giá trị các mặt hàng nông sản…
Bình luận (0)