Khác với không khí u buồn bao trùm cả huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trong những ngày trước, sáng 17-10, thời tiết trên đảo Lý Sơn ửng nắng đẹp, không còn mưa dầm.
Niềm vui đã hiện trên từng khuôn mặt của những người dân đảo bởi tin tốt lành về 9 ngư dân trên tàu đánh cá QNg-66478 TS do ông Mai Phụng Lưu (40 tuổi, thôn Tây, xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng đã bình an, sắp trở về đoàn tụ cùng gia đình sau hơn 30 ngày biệt tăm.
Khi hay tin 9 ngư dân bị nạn sắp trở về, người dân đảo Lý Sơn đã yên tâm trở lại công việc thường ngày
Vơi bớt nỗi lo
Trên cách đồng tỏi Lý Sơn đã tràn ngập tiếng cười. “May quá, tàu ông Lưu bình an vô sự rồi. Vậy là bà thoát cảnh mẹ góa con côi”- bà Mai Thị Hạnh, vui mừng trêu ghẹo bà Phạm Thị Lan (40 tuổi, vợ của thuyền trưởng Lưu).
Bà Hạnh cho biết trên đảo Lý Sơn này có đến hàng chục nàng “vọng phu”, mãi mãi ôm con đợi chồng trở về trong vô vọng.
Hơn một tháng qua, nghe tin tàu ông Lưu bị Trung Quốc bắt giữ, người thân của những người trên tàu của ông Lưu như bị sét đánh bên tai vì họ sẽ lâm vào cảnh trắng tay.
Đặc biệt, những ngày qua, sau khi nghe tin tàu được thả nhưng vẫn không liên lạc được với tàu của ông Lưu, cả huyện đảo lo lắng.
Gia đình của 9 ngư dân cùng đi với ông Lưu không còn đủ sức lực để ra đồng tỏi, lo toan mùa vụ. Thương tình, nhiều người hàng xóm luôn đến động viên an ủi gia đình các nạn nhân. Kẻ ít người nhiều, họ mang từng bát gạo, con cá đến chia sẻ với những gia đình gặp nạn.
Khi nghe tin đã liên lạc được với tàu của ông Lưu, tất cả đều bình an, hàng xóm kéo đến chia vui. Tình làng, nghĩa xóm càng thêm ấm áp. Ông Trương Thế Mỹ, Phó Chủ tịch UBND xã An Hải (huyện Lý Sơn), bộc bạch: “Bây giờ chính quyền và người dân ở xã đảo mới thở phào nhẹ nhõm”.
Mong ước có chiếc máy Icom
Theo tâm sự của bà Lan, sở dĩ tàu của ông Lưu không liên lạc được với đất liền là do chuyến đi vừa rồi, tàu không có máy liên lạc Icom bởi do trước đó, tàu của ông Lưu bị Trung Quốc bắt giữ và tịch thu tàu cùng toàn bộ phương tiện.
Sau đó, gia đình ông Lưu chỉ vay được khoảng 300 triệu đồng để mua tàu mới cùng ngư cụ, chưa có tiền để mua máy Icom. Sau 2 lần bị Trung Quốc bắt giữ trên vùng biển của VN, gia đình ông Lưu lâm vào cảnh khốn cùng.
Ông Lưu đi biển, bà Lan ở nhà phải đi làm thuê mới tạm đủ sống. Những ngày mưa bão, không ai thuê, bà Lan nhìn thùng gạo không còn một hột mà ứa nước mắt.
Những ngày ở đảo Lý Sơn, chúng tôi đã gặp hàng loạt ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ nhiều lần khi họ khai thác trên lãnh hải của VN. Điều giống nhau ở những nạn nhân này là sau khi được thả, họ phải sống trong cảnh khốn cùng, nợ nần chồng chất. Bây giờ làm chẳng đủ sống, biết lấy đâu ra tiền để trả nợ cho bà con.
“Tôi ước ao có được chiếc máy Icom cho chồng ra khơi để thường xuyên liên lạc với gia đình”- bà Lan tâm sự. Ước mơ nhỏ nhoi cả bà Lan cũng là niềm mơ ước của nhiều gia đình ngư dân trên đảo Lý Sơn sau khi bị Trung Quốc bắt giữ và tịch thu toàn bộ phương tiện hành nghề.
Chờ lệnh đón 9 ngư dân trở về
Tối 17-10, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về việc đón tàu QNg-66478 TS, ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, cho biết tỉnh đã có công văn gửi Bộ Ngoại giao để can thiệp cho tàu cứu hộ ra đón 9 ngư dân và tàu QNg-66478 TS trở về. Đến thời điểm này, Bộ Ngoại giao cũng chưa thông báo cho tỉnh Quảng Ngãi về giải pháp cứu hộ.
Theo kinh nghiệm những lần trước, tàu cứu hộ của ta sẽ ra neo đậu ngoài biển để đợi phía Trung Quốc lai dắt con tàu gặp nạn cùng các ngư dân về bàn giao cho phía VN. Khi được tàu cứu hộ đưa về, tỉnh sẽ tổ chức đón tiếp tàu cùng ngư dân tại cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi). Cũng trong tối 17-10, ông Trần Văn Long, Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Danang MRCC), cho biết tàu cứu hộ của đơn vị cũng đã sẵn sàng nhưng do chưa nhận được lệnh nên chưa triển khai. |
Bình luận (0)