Chiều ngày 9-5, bà Trần Thị Thảo, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tỉnh Ninh Bình đã ký văn bản số 399/STTTT-TTBCXB về việc hướng dẫn tiếp xúc với báo chí.
Văn bản mới được Sở TT-TT tỉnh Ninh Bình thay thế cho văn bản cũ không phù hợp gây khó khăn cho việc tác nghiệp của phóng viên báo chí
Văn bản trên được gửi tới các sở ngành, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn để thay thế cho văn bản số 314/STTTT-TTBCXB được ban hành trước đó vào ngày 7-4.
Theo đó, văn bản mới ban hành này đã được Sở TT-TT tỉnh Ninh Bình nêu rõ: "Khi nhà báo của các cơ quan báo chí tới liên hệ làm việc, các cơ quan đơn vị có thể tham khảo điều Điều 25 về quyền và nghĩa vụ của nhà báo được quy định trong Luật báo chí năm 2016… để thực hiện việc phát ngôn, cung cấp thông tin, xử lý thông tin trên báo chí theo Nghị định số 09/2017/NĐ-CP".
Việc ban hành văn bản mới đã thay thế các nội dung: "Khi Nhà báo của các cơ quan báo chí đến liên hệ làm việc, cơ quan đơn vị có quyền yêu cầu xuất trình Thẻ nhà báo do Bộ TT-TT cấp, phù hợp với cơ quan báo chí. Nếu không xuất trình được Thẻ nhà báo thì đơn vị có quyền từ chối cung cấp thông tin". Đồng thời không đặt ra các nguyên tắc đến phải có Thẻ nhà báo mới làm việc, không có thẻ thì từ chối làm việc.
Ngay sau khi thay văn bản "chỉ làm việc với người có Thẻ nhà báo", một số phóng viên báo chí đang tác nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cho rằng việc làm của Sở TT-TT Ninh Bình là nhanh chóng cần thiết.
"Qua tìm hiểu, phóng viên chưa được cấp thẻ là nhân sự thuộc cơ quan báo chí, được hoạt động nghiệp vụ báo chí theo quy định pháp luật khi người đứng đầu cơ quan báo chí giao nhiệm vụ thông qua hình thức giấy giới thiệu hoặc văn bản đề nghị gửi tới các cơ quan, tổ chức mà người đứng đầu cơ quan báo chí cử phóng viên tới làm việc. Nội dung làm việc ghi rõ làm việc với ai, nội dung gì và thời gian cụ thể. Văn bản mà Ninh Bình ban hành vô tình đã gây khó dễ, "trói chân" báo chí trong quá trình tác nghiệp"- một phóng viên thông tin.
Điều 25, Luật báo chí 2016 quy định Quyền và nghĩa vụ của nhà báo:
1. Nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo.
2. Nhà báo có các quyền sau đây:
a) Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp;
b) Được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật;
c) Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật;
d) Được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật;
đ) Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ báo chí;
e) Khước từ việc tham gia biên soạn hoặc thể hiện tác phẩm báo chí trái với quy định của pháp luật.
3. Nhà báo có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân;
b) Bảo vệ quan Điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm;
c) Không được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và làm việc vi phạm pháp luật;
d) Phải cải chính, xin lỗi trong trường hợp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
đ) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan báo chí về nội dung tác phẩm báo chí của mình và về những hành vi vi phạm pháp luật;
e) Tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
Bình luận (0)