Hàng loạt câu hỏi “nóng” xung quanh vấn đề nợ công, chi tiêu ngân sách, hội nhập quốc tế đã được các “tư lệnh” ngành giải đáp trong phiên chất vấn ngày 17-11 của Quốc hội (QH).
Chỉ vay đầu tư phát triển
Trả lời câu hỏi của đại biểu (ĐB) Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) về tình hình nợ công cao, có khả năng sát trần hoặc vượt trần, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trấn an: Nợ công dự kiến năm 2015 là 61,3% và vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận: “Tốc độ tăng vừa qua là quá cao, 20%/năm. Chúng ta đang tập trung cho đầu tư phát triển, việc phân bổ, sử dụng vốn có chỗ chưa thực sự hiệu quả”.
Về nguyên nhân, “tư lệnh” ngành tài chính giải thích là do tăng trưởng kinh tế thấp hơn mục tiêu đề ra và phải điều chỉnh, trong khi không điều chỉnh các chỉ tiêu về chi ngân sách khác. Ngoài ra, bội chi quá cao, phát hành trái phiếu Chính phủ quá nhiều khiến nợ công tăng lên. Các chính sách giảm thuế, tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) nhà nước cũng làm tỉ lệ thu ngân sách chỉ còn 9,8%, giảm sâu so với 20,8% của giai đoạn 2008-2010.
Tuy vậy, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định các chính sách của Chính phủ và QH đang đi đúng hướng. “Nếu chúng ta làm tốt thì nợ công đến năm 2020 chỉ còn 58,5% và đỉnh nợ vào năm 2017 là 64,3%, giảm dần đến năm 2020 còn 58,5%” - bộ trưởng khẳng định.
Chuẩn bị kỹ càng cho hội nhập
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) và ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP HCM) về những thuận lợi, khó khăn của Việt Nam khi tham gia ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) và gia nhập Cộng đồng ASEAN, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ: Mỗi văn kiện hội nhập kinh tế quốc tế đều có sự chuẩn bị rất nhiều năm, kỹ lưỡng. Tuy nhiên, không phải tất cả DN đều quan tâm và có giải pháp ứng phó. Đây là điểm yếu mà thời gian tới Chính phủ sẽ tăng cường khắc phục.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: Đối với TPP, có một vấn đề lớn là Mỹ băn khoăn về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm dệt may Việt Nam được ưu đãi. “Nhưng qua kiên trì đàm phán, 184/186 chủng loại hàng hóa dệt may của Việt Nam vẫn được giữ nguyên ưu đãi không phải tính xuất xứ từ sợi trở đi... Đây là thách thức, đồng thời cũng là cơ hội cho Việt Nam tăng cường công nghiệp hỗ trợ” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận xét.
Nhiều dự án thất thoát ngàn tỉ
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) chất vấn Bộ Công Thương về việc Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ (Hải Phòng) và một số nhà máy khác gây lãng phí, thất thoát lớn. Chẳng hạn, Nhà máy Gang thép Thái Nguyên làm 10 năm chưa xong, mỗi tháng mất 20-30 tỉ đồng tiền lãi vay.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ hoạt động từ ngày 29-5-2014 nhưng trong năm này vận hành không đạt công suất, lỗ 1.000 tỉ đồng. Nguyên nhân, định mức chi phí vận hành tăng hơn so với báo cáo nghiên cứu khả thi; năng lực vận hành còn hạn chế, chất lượng sản phẩm có lúc chưa đạt yêu cầu. Bộ đã chỉ đạo tìm giải pháp khắc phục, dự kiến hết năm 2015 sẽ giảm lỗ còn 600 tỉ đồng và năm 2016 cân đối cơ bản thu - chi.
Với dự án gang thép Thái Nguyên do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu và có vốn vay Trung Quốc, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận quá trình triển khai bị chậm trễ, như phần thiết kế mới đạt 88,3% khối lượng. Lý do chậm trễ là vì từ năm 2007-2011, chi phí xây lắp tăng cao bởi giá vật tư, nguyên liệu tăng; tỉ giá ngoại tệ thay đổi… Chủ đầu tư đã báo cáo và Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương triển khai biện pháp khắc phục.
Bỏ học, ly hôn, tự tử vì hàng đa cấp
ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) lo lắng nạn lừa đảo đa cấp ở Việt Nam. Đã có sinh viên bỏ học, người ly hôn, người tự tử... vì dính vào hàng đa cấp.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết đến nay đã có hơn 100 DN được cấp phép đăng ký kinh doanh. Tới đây, Bộ Công Thương sẽ rà soát lại khung pháp lý; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, xử lý những DN sai phạm; chỉ đạo các sở công thương tăng cường giám sát…
Bình luận (0)