Đến chiều 24-2, việc đào bới tại các căn nhà 384/7 - 384/7A -384/5 và 384/9 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường 8, quận 3 - TPHCM) vẫn được tiếp tục để tìm kiếm xem có còn nạn nhân nào còn trong đống đổ nát hay không.
Hai tiếng nổ trong đêm
Trước đó, khoảng 0 giờ 30 phút cùng ngày, người dân sống trong hẻm 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa choàng tỉnh bởi tiếng nổ cực lớn phát ra từ khu vực nhà 384/9 (nhà ngăn đôi). Ngay sau đó, có nhiều tiếng la hét thất thanh vọng ra từ các căn nhà ở khu vực này. Lập tức, nhiều người trong xóm chạy tới. Chị Nguyễn Thị Kim Phương (nhà trong hẻm 384) kể lại: Khi tìm cách tiếp cận hiện trường, bất ngờ nghe một tiếng nổ khác phát ra làm cả khu vực bốc cháy khiến mọi người chựng lại. Lúc này, toàn bộ 3 căn nhà 384/9, 384/7 và 384/7A bị sập hoàn toàn.
Ông Vũ Thanh Bình (một người dân trong hẻm, đang công tác tại Cục Thi hành án Dân sự TPHCM) cho biết trong lúc cả gia đình đang ngủ, bất ngờ nghe một tiếng nổ rất lớn làm nhà ông rung chuyển dù vụ nổ cách nơi ông ở đến khoảng 700 m. Khi chạy ra ngoài nhìn về hướng có tiếng nổ, ông thấy khói bốc lên mù mịt. Vài phút sau, lại có thêm một tiếng nổ nữa. Áp lực của vụ nổ làm nhiều kính nhà dân gần đó vỡ, chiếc xe Jeep đậu tại nhà 384/9 bị móp phần đầu, nổ bánh trước, gương chiếu hậu vỡ vụn.
Nhận được tin, xe chữa cháy của lực lượng cảnh sát PCCC tới hiện trường. Các lực lượng chức năng khác cũng đến cô lập hiện trường để lực lượng cứu nạn, cứu hộ thuộc Sở Cảnh sát PCCC TPHCM phối hợp với bộ đội công binh thuộc Bộ Tư lệnh TPHCM đào bới đống đổ nát để tìm kiếm nạn nhân. Ngay sau đó, 3 người được đưa đến bệnh viện cấp cứu, gồm: bà Lưu Thị Rép (SN 1943), ông Phạm Quang Minh (SN 1932, cùng ngụ nhà 384/7A), ông Hồ Sỹ Cường (SN 1932, ngụ số 384/9).
Có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn, thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TPHCM, cho biết vụ nổ gây cháy và sập nhà xuất phát từ nhà số 384/9 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, ban đầu được xác định do vật liệu nổ được dùng để tạo ra khói, lửa và cháy, nổ dùng cho phim ảnh.
Trong quá trình tìm kiếm nạn nhân, cơ quan chức năng phát hiện một số đạn mã tử, vỏ đạn các loại đã lấy hết thuốc nổ, có thể dùng để tạo cảnh khói, lửa, nổ trong phim.
Người dân khu vực cho biết tối 23-2, ông Lê Minh Phương có tổ chức tiệc tại nhà 384/9 Nam Kỳ Khởi Nghĩa để sáng sớm hôm sau, đoàn làm phim của ông ra Vũng Tàu làm việc.
Cả nhà lâm nạn
Đến 12 giờ ngày 24-2, 3 thi thể cuối cùng được tìm thấy trong khu vực đổ nát đã được đưa đến nhà xác Bệnh viện An Bình. Theo Công an TPHCM, tổng cộng có 10 người chết sau vụ nổ gây cháy và sập nhà này. Những nạn nhân, gồm: ông Lê Minh Phương (SN 1955), bà Mạc Thị Phước (SN 1965, vợ ông Phương), bé Lê Nam Phương (SN 2006, con ông Phương), em Lê Minh Quân (SN 1998, học sinh lớp 8, con ông Phương), em Lê Khánh Phương (SN 1996, con ông Phương), bà Nguyễn Thị Tân Xuân (SN 1969), em Hồ Kiều Anh (SN 1996, học sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, con bà Xuân), cùng ngụ nhà 384/9 Nam Kỳ Khởi Nghĩa; bà Nguyễn Thanh Minh (SN 1962) và chị Phạm Ngọc Thùy (SN 1987 con bà Minh), ngụ gần nhà phát nổ. Ngoài ra, còn có một thi thể đã cháy đen có thể là người nhà của ông Phương.
Ông Trần Văn Lắm (45 tuổi, ngụ trong khu vực xảy ra vụ nổ) cho biết: “Hôm trước, may mắn là chị giúp việc nhà ông Phương xin nghỉ và đã về quê”.
Theo cơ quan điều tra, ông Lê Minh Phương có hộ khẩu thường trú ở phường 11, quận Bình Thạnh - TPHCM, là chuyên viên tạo cảnh khói, lửa và tiếng nổ của Công ty CP Công nghệ giải trí Lạc Việt. Nhiều người dân địa phương cho biết gia đình ông Phương thuê nhà 384/9 Nam Kỳ Khởi Nghĩa từ 2 tháng trước để chứa đạo cụ làm phim và ở.
Ngoài nhiều người thương vong, 3 căn nhà bị sập hoàn toàn, căn nhà 384/5 Nam Kỳ Khởi Nghĩa cũng bị sập bức tường. Đến chiều 24-2, các cơ quan chức năng tiếp tục thu thập mẫu vật, khám nghiệm hiện trường để làm rõ nguyên nhân gây ra vụ nổ.
Cứu nạn, cứu hộ kịp thời Tối 24-2, Công an TPHCM đã tổ chức họp báo để thông tin về vụ nổ vào rạng sáng cùng ngày. Đại tá Lê Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Công an TPHCM, cho biết nhận được tin báo, các lực lượng của Công an TPHCM, Sở Cảnh sát PCCC và bộ đội công binh thuộc Bộ Tư lệnh TPHCM liền đến hiện trường để phối hợp cứu nạn, cứu hộ. Công tác cứu nạn, cứu hộ đã tiến hành khẩn trương, khoa học và kịp thời. Ngay trong sáng cùng ngày, lãnh đạo Thành ủy - UBND TPHCM đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ. Sau đó, lãnh đạo Thành ủy - UBND TPHCM đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị liên quan để chỉ đạo giải quyết vụ việc. |
Từng xảy ra cháy thật lúc làm phim
Công ty CP Công nghệ giải trí Lạc Việt (tên tiếng Anh - Lac Viet Entertainment Technology Corporation), trụ sở ở ấp Xóm Chùa, xã An Phú, huyện Củ Chi - TPHCM. Công ty được cấp giấy phép kinh doanh vào ngày 22-1-2010, do bà Mạc Thị Phước làm giám đốc. Đến ngày 9-4-2010, công ty bắt đầu hoạt động, ngành nghề chính là sản xuất chương trình truyền hình.
Lúc 19 giờ 30 phút ngày 21-12-2011, trong lúc thực hiện cảnh quay cháy nổ tại Công ty CP Công nghệ giải trí Lạc Việt thì bất ngờ nhiều tiếng nổ phát ra, sau đó gây cháy thật khiến 9 người trong đoàn phim bị thương.
Y.Thanh
Làm cháy nổ cho phim rất nguy hiểm
Theo thông tin của giới làm phim, ông Lê Minh Phương thường tham gia tạo hiệu ứng cháy nổ cho các đoàn phim. Từ đó, ông có biệt danh là Phương “khói lửa”.
Những người quen biết ông Phương cho hay ông đang chuẩn bị thực hiện các cảnh quay cháy, nổ có bối cảnh tại Vũng Tàu. Đây là tai nạn cháy nổ nghiêm trọng nhất từ trước tới nay trong nghề làm phim ở Việt Nam.
“Làm cháy nổ cho phim rất nguy hiểm, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng lại không có chính sách bảo hiểm. Khi làm phim Anh hùng Nguyễn Trung Trực, để an toàn, tôi đã chuyển sang thực hiện theo hiệu ứng 3D dù tốn kém hơn” - đạo diễn Phan Hoàng nói.
T.Quyên
Một nạn nhân nguy kịch
Ngày 24-2, Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) cho biết đã tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân Hồ Sỹ Cường lúc 1 giờ 15 phút cùng ngày từ Bệnh viện quận 3 - TPHCM chuyển sang trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở do bị hội chứng vùi lấp. Bác sĩ Nguyễn Quang Khiên, trực lãnh đạo Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết sau cuộc hội chẩn liên khoa lúc 10 giờ cùng ngày, các bác sĩ nhận định sức khỏe ông Cường rất xấu dù qua nhiều xét nghiệm cho thấy bệnh nhân không bị tổn thương đầu và bụng, không bị dập não. Bệnh nhân đang được hồi sức tích cực trong tình trạng dãn đồng tử hai bên, phải thở máy và dùng thuốc vận mạch, huyết áp.
Xe cứu thương ứng trực tại hiện trường. Ảnh: TÂN TIẾN Trong khi đó, bác sĩ Lê Thanh Chiến, Giám đốc Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, cho biết đến 15 giờ cùng ngày, ông vẫn túc trực tại hiện trường để tăng cường công tác cấp cứu. Bệnh viện quận 3 và Bệnh viện Trưng Vương bố trí luân phiên 2 xe cấp cứu chuyên dụng ứng trực tại hiện trường để sẵn sàng ứng cứu nếu có thêm nạn nhân được tìm thấy.
Ng.Thạnh |
Bình luận (0)