Nhiều người đã bỏ công, bỏ sức săn gà chín cựa không chỉ bởi loại gà này được mệnh danh là “chúa gà” với nhiều ý nghĩa mà còn bởi loài này có thịt thơm ngon đặc biệt. Địa danh sơn cước được người thành thị tìm đến để “săn” gà nhiều nhất là bản Cỏi (xã Xuân Sơn, huyện Tân Phú, tỉnh Phú Thọ), cách Hà Nội khoảng 160 km theo Quốc lộ 32.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Đặng Vĩnh Phúc, một người nuôi gà chín cựa có tiếng ở xã Xuân Sơn. Nhà ông Phúc nằm ở cuối cùng của bản Cỏi, trên con đường xuyên rừng già. Vừa tất bật chuẩn bị thức ăn cho gà, ông Phúc vừa nói: “Gà chín cựa ở đây là giống già rừng, có nguồn gốc từ Vườn Quốc gia Xuân Sơn, điểm cuối của dãy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Chỉ ở đây mới có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho gà hiếm này”.
Gà chín cựa mình nhỏ, mắt sáng và rất hiền
Cũng theo ông Phúc, gà chín cựa là giống gà có thật chứ không phải được tưởng tượng ra trong các truyền thuyết. Cùng với các giống gà quý như gà Đông Tảo, gà Hồ, gà Mía thì gà chín cựa trước đây cũng dùng để tiến vua. “Tuy quý hiếm thật nhưng nuôi gà lại rất dễ. Ban ngày gà vào rừng kiếm ăn. Đến đêm thì tự về ăn thêm thức ăn ở nhà như ngô hạt, thân chuối thái nhỏ hoặc cám, gạo. Thường cứ chiều chiều là tôi chuẩn bị sẵn thức ăn như này để tối đàn gà về có cái ăn ngay” - ông Phúc chia sẻ.
Gà chín cựa nhỏ như gà ri, lông đuôi dài và sặc sỡ như loài công phượng, mắt sáng quắc nhưng lại rất hiền. Mào đỏ tươi như máu, đuôi cong vút và mảnh mai như cầu vồng. Tuy mình nhỏ nhưng giống gà này lại có cặp chân to, chắc, linh hoạt và cựa mọc đều đặn thành hàng 2 bên. Đặc biệt, gà trống đến tuổi trưởng thành mỗi chân mọc thêm một sừng, càng nhiều tuổi sừng càng bóng, dài, cong vút như lưỡi câu.
Cặp chân gà chín cựa
Tuy vậy, đáng buồn là hiện nay giống gà này không còn nhiều nữa. Nhà ông Phúc nuôi gà đến 20 năm nay nhưng mới chỉ phát hiện ra một con 9 cựa. Ngoài ra, đa phần là gà từ 6-8 cựa. Nhiều gia đình nuôi gà khác cũng hầu như không còn lưu được giống 9 cựa bởi không ý thức được việc chăm sóc và gây giống.
Theo ông Bàn Xuân Lâm, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Sơn, hiện nay cả xã Xuân Sơn có khoảng 2.000 con gà từ 6-8 cựa. Còn gà chín cựa thì rất hiếm, thi thoảng mới có một gia đình có con để làm giống. Tuy nhiên, do nhiều người lên mua với giá cao, nên không phải ai cũng giữ được. Ngoài ra, gà chín cựa rất khó nhân giống nên đã hiếm lại càng hiếm hơn. “Gần đây nhiều người cho rằng gà chín cựa tượng trưng cho sự bình yên, tài lộc nên nhiều người không ngần ngại bỏ công sức, tiền bạc để săn gà chín cựa. Cũng vì vậy, từ một khu dân cư heo hút nằm sâu trong vùng lõi Vườn Quốc gia Xuân Sơn, nay bản Cỏi biến thành địa điểm được nhiều thương lái đến lùng mua các “chúa gà” đưa về miền xuôi. Không chỉ gà 9 cựa mà ngay cả gà 6 cựa, 8 cựa cũng vẫn được săn đón rất nhiều”- ông Lâm nói.
Cụ Bàn Văn Tình (81 tuổi) cho hay gà chín cựa không chỉ mang ý nghĩa tâm linh và mang lại sự tự hào cho dân tộc mà còn là sợi dây gắn kết lịch sử và hiện tại. Theo quan niệm của người Dao, gà chín cựa mang nhiều ý nghĩa bởi nó gắn với truyền thuyết vua Hùng kén rể. Nhờ có gà chín cựa, Sơn Tinh đã được vua Hùng gả cho công chúa Mỵ Nương. Vì vậy, gà chín cựa được coi là con của thần rừng, thần núi.
Cũng ở xã miền sơn cước Xuân Sơn, trong ngày lễ công nhận sự trưởng thành của người con trai dân tộc Dao, trước đây, dù gia đình có nghèo khó đến đâu thì cũng phải chuẩn bị đủ 5 con gà chín cựa để hành lễ tế trời đất, gia tiên. Nhưng hiện nay, do giống gà quý hiếm mất dần đi nên thay vì gà chín cựa, các gia đình có thể dùng gà 6 cựa, 8 cựa.
Bình luận (0)