icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nỗi buồn Tây Mỗ

Mạnh Duy

Làng Tây Mỗ (huyện Từ Liêm) ven đô Hà Nội từng được coi là “vựa lúa” của thủ đô, nơi lưu giữ bao phong tục tốt đẹp của cư dân nông nghiệp. Vậy mà giờ đây, nơi ấy sắp không còn đất để trồng lúa

Thăng Long - Hà Nội bao nhiêu tuổi thì làng Tây Mỗ cũng đã được hình thành bấy nhiêu năm. Làng cổ ven đô này có một lễ hội đặc sắc mang tên lễ rước xôi hay còn gọi là nghi lễ tôn vinh, thờ phụng hạt gạo vào mỗi dịp năm mới.

Năm nay, lễ rước xôi diễn ra trong không khí hướng về đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội nên được tổ chức với quy mô hoành tráng hơn, cho thấy đời sống của người nông dân ven đô Hà Nội đã khá lên rất nhiều. Chỉ có điều, không biết rồi đây làng lên phố thì những thế hệ hậu sinh có còn thờ phụng hạt gạo?


Giai thoại về “hạt ngọc”


Với cư dân nông nghiệp thì hạt gạo chính là “hạt ngọc”, thứ bình dị nhất nhưng cũng quý giá nhất. Tây Mỗ có lẽ là làng quê duy nhất có truyền thống thờ phụng hạt gạo, sản phẩm do chính bàn tay người dân nơi đây làm ra.

Năm nay là năm chẵn lại là năm có đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội nên không khí lễ hội ở Tây Mỗ rất nhộn nhịp, dân làng tổ chức hội lớn hơn mọi năm; con cháu trong làng đi lập nghiệp bốn phương đều được mời về dự hội.


Theo truyền thống, mỗi năm dân làng sẽ chọn ra một gia đình đăng cai lễ hội. Gia đình được chọn phải là gia đình nề nếp, gương mẫu, con cái phương trưởng và còn song toàn cả cụ ông, cụ bà.

Lễ rước xôi là nghi lễ khởi đầu cho một năm mùa vụ cầu mùa màng tươi tốt, thóc lúa bội thu và gia đình yên ấm. Xôi rước được đựng trong chum đồng đặt trên ba kiệu. Mỗi chum được nấu từ 30 kg gạo nếp cái hoa vàng loại thượng hạng do chính dân làng làm ra.


img
Một nghi lễ rước xôi của làng Tây Mỗ...


Phải mất cả tuần thì 90 kg gạo nếp mới được tuyển lựa từ hàng tấn gạo do người dân gửi góp. Xôi được nấu chín và rước từ nhà người đăng cai ra đình làng. Ông Nguyễn Phú Giào (78 tuổi), người có vinh dự đăng cai lễ rước xôi năm nay, khoe: “Nhà tôi rất tự hào vì được chọn trong thời điểm Thăng Long - Hà Nội sắp tròn 1.000 năm tuổi. Việc duy trì lễ hội như một lời nhắc nhở con cháu phải giữ cho được nếp nhà, truyền thống của làng quê”.


Trước đây, việc chọn gạo, thổi xôi cầu kỳ và giàu ý nghĩa hơn bây giờ. Từ trước Tết, gia đình được đăng cai đã phải chọn gạo, sàng sảy để lựa 90 kg gạo mẩy nhất, đặc biệt không có hạt nào được vỡ. Công việc tỉ mỉ đó do 15 người phụ nữ trong làng đảm nhận trong một tuần mới xong.

Nồi, niêu, rổ, rá đựng gạo, vo gạo và ngâm gạo đều được rửa bằng gừng và rượu cho thơm tho, thanh khiết. Nước nấu xôi được múc từ giếng làng để bảo đảm sạch trong, những chum xôi cúng đều là sản vật tinh túy nhất của dân làng. Sau lễ rước xôi, mỗi gia đình trong làng sẽ được chia lộc từ chính ba chum xôi đã rước quanh làng.


Canh cánh nỗi lo


Làng Tây Mỗ được xem là một trong những làng cổ có cảnh trí đẹp nhất ven đô Hà Nội. Các bậc cao niên, bô lão trong làng vẫn còn tự hào khi kể về ngôi làng của mình. Cụ Đỗ Văn Tập (90 tuổi) giải thích về cái thế làng mình: “Làng này nằm trên thế của một con cá.

Đình làng là lưng cá, giếng làng là mắt cá, mô đất nhô cao bên ngoài kia là đầu cá”. Nói đoạn, cụ ngâm nga câu ca dao truyền khẩu của dân làng: “Đình trên lưng cá nằm nghiêng giữa làng/ Voi phục trước phượng hoàng chầu lại...”. Ngày trước, người làng Tây Mỗ nức danh đất Thăng Long vì bàn tay khéo léo. Nơi đây cho ra những hạt gạo ngon nổi tiếng, đến tận bây giờ vẫn còn lưu truyền câu ca: “Nhất Mỗ, nhì La, thứ ba Canh- Cót” nhằm ca ngợi gạo làng Tây Mỗ ngon nhất đất Thăng Long.


Giờ đây về Tây Mỗ, bên lề lễ hội tôn vinh hạt gạo, những bậc cao niên và những người được sống ở làng nhiều năm về trước cảm thấy tiếc và buồn. Rồi làng Tây Mỗ chẳng mấy chốc mà lên phường khi cơn lũ đô thị hóa đã xông thẳng vào làng từ tất cả các hướng.


img
...và cổng làng Tây Mỗ bị nuốt chửng bởi những ngôi nhà cao tầng. Ảnh: T.Liệu-M.Duy


Cụ Tập chua chát nói: “Số hộ gia đình trồng lúa còn ít lắm và giảm đi sau từng năm. Năm nay, lễ rước xôi vẫn được thổi bằng gạo của làng nhưng vài năm nữa, tôi sợ Tây Mỗ rước xôi nhưng phải thổi xôi bằng gạo của làng khác”.


Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Mỗ, cho biết: “Năm nay, TP Hà Nội sẽ cung cấp cho chúng tôi một khoản kinh phí đáng kể để tu bổ những di tích trong làng nhằm phục vụ đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Chúng tôi hy vọng những vốn cổ như lễ hội rước xôi sẽ được duy trì mãi mãi”.

Đó là tin mừng nhưng vẫn lo canh cánh bởi ý nghĩ một ngày nào đó cây lúa sẽ bị xóa sổ khỏi mảnh đất này. Nỗi lo này sắp thành hiện thực khi hàng trăm hecta đất trồng lúa ở Tây Mỗ đã không còn vì những dự án trọng điểm đang biến đồng ruộng thành đường sá, nhà cao tầng.

Làng... Hollywood

Trước đây, vừa bước đến cổng làng Tây Mỗ, con đường gạch cổ lát nghiêng đã chào đón khách quý bằng dáng vẻ trầm mặc, cổ kính. Tây Mỗ lúc đó đẹp và hấp dẫn tới mức những nhà làm phim về đề tài nông thôn Bắc Bộ luôn coi đây là “địa chỉ đỏ”.

Không ít bộ phim về nông thôn miền Bắc lấy bối cảnh từ Tây Mỗ và làng này được giới điện ảnh gọi là làng Hollywood. Giờ đây, phong trào bê tông hóa khiến những đường gạch cổ sắp đến hồi “tiệt chủng”. Nhà cao tầng, thậm chí là biệt thự đã thay thế cho những mái nhà cổ năm gian, hai chái thuở xưa.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo