Điều đáng nói là thông tin từ cuộc họp sáng 17-9 tại Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương cho biết cơn bão mạnh này chưa gây thiệt hại về người. Đến cuối ngày, con số thiệt hại về người đã khá cao - thông tin ban đầu có 11 người chết và 8 người bị thương sau bão Kalmaegi. Những người bị cướp đi sinh mạng không phải ở tỉnh Quảng Ninh ven biển, nơi cơn bão đổ bộ với sức gió giật mạnh nhất, mà là tại tỉnh Lạng Sơn nằm sâu trong nội địa.
Để phòng chống và hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do bão Kalmaegi gây ra, chúng ta đã huy động cả hệ thống chính trị, từ Chính phủ tới chính quyền địa phương, các lực lượng vũ trang và người dân tham gia. Hàng ngàn người dân đã được sơ tán tới nơi trú ẩn an toàn. Vậy mà sau bão vẫn xảy ra thiệt hại đáng kể về sinh mạng. Thiệt hại không xảy ra tại nơi huy động cao nhất lực lượng và nỗ lực chống bão mà tại “trận tuyến” phía sau.
Thiệt hại về người sau bão Kalmaegi cũng tương tự thiệt hại sau cơn bão Rammasun (số 2) đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh trước đó gần 2 tháng. Đã có tới ít nhất 23 người thiệt mạng sau cơn bão rất mạnh này song tại tỉnh Quảng Ninh, nơi bão đổ bộ trực tiếp, không có ai chết mà nạn nhân hoàn toàn ở các tỉnh nằm sâu trong nội địa. Cũng như bão Kalmaegi, người chết sau bão Rammasun trước đó đều do sạt lở đất hoặc lũ cuốn trôi chứ không ai thiệt mạng do nhà cửa sập, tàu bè chìm vì gió giật mạnh hay sóng to gió lớn.
Nằm ven Thái Bình Dương, hằng năm, nước ta phải hứng chịu nhiều cơn bão, có năm tới hơn chục cơn bão nhiệt đới. Chúng ta luôn huy động cao nhất các lực lượng, tổ chức di dời hàng chục, thậm chí cả trăm ngàn dân, trong mỗi cơn bão. Thế nhưng, thiệt hại về sinh mạng vẫn xảy ra và hầu hết các thiệt hại này không phải ở địa phương ven biển mà sâu trong đất liền.
Nhiều năm trước đây, sau những tổn thất nặng về người do mưa lũ sau bão, nước ta đã sơ bộ có được bản đồ về các “điểm đen” có khả năng xảy ra sạt lở đất hay lũ ống, lũ quét. Một số địa phương cũng đã lên phương án di dân trong trường hợp có cảnh báo mưa lớn. Tuy nhiên, cho đến nay, mới chỉ thấy di dân ven biển chứ hầu như chưa thấy trường hợp nào tiến hành di dân khỏi các “điểm đen” sạt lở đất, lũ ống, lũ quét trong các cơn bão.
Đã đến lúc phải xây dựng “bản đồ vùng nguy hiểm” về những điểm có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Trên cơ sở này, lên phương án đối phó với bão như các địa phương ven biển để tránh lặp lại những nỗi đau sau bão.
Bình luận (0)