NHỮNG ĐÁM TANG KHÔNG CÓ QUAN TÀI
Sáng 26-5, gia ình anh Trần Tàu (SN 1963), trú tại tổ 21, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, chính thức phát tang, lập bàn thờ cho anh Trần Tàu. Vợ anh Tàu đau xót kể: Sau khi đã lặn lội nhiều lần đến nhận diện các tử thi được đưa về từ biển nằm trong bệnh viện, vẫn không tìm thấy chồng, chị đi đến quyết định đau lòng trên. Không ai dám nói ra, nhưng quyết định của vợ anh Trần Tàu là hợp lý, bởi chiều 25-5, khi những thuyền viên cuối cùng trên các tàu đánh cá của ngư dân Đà Nẵng sống sót trở về cho biết tàu ĐNa 90093 - chiếc tàu mà anh Trần Tàu là một trong số những thuyền viên - đã mất tích ngay trong đêm xảy ra cơn bão, do bị đứt neo.
Đây là lần thứ hai anh Trần Tàu gặp nạn trên biển. Năm 1999, cũng tại vùng biển này khi đang câu mực, tàu anh gặp bão. Bão tan, các tàu khác đã trở về nhưng tàu anh không có tin tức gì. Gia đình đã lập bàn thờ cho anh, nhưng số anh cao, 7 ngày sau anh đột ngột về sau khi bị bão đánh dạt vào một nơi xa. Vợ anh Tàu nhớ lại, đó là giờ phút hạnh phúc tuyệt đỉnh của chị. Sau chuyến đi đó anh Trần Tàu nghỉ đi biển mấy năm liền. Gia đình khó khăn, anh quyết định đi biển trở lại và lần này, anh mất tích ngay tại vùng biển bị nạn trước đó! “Lần này thì anh ấy mất thật rồi!”- vợ anh Trần Tàu nức nở. Đám tang của người mất tích lặng lẽ và buồn không thể tả nổi, bởi chỉ có chiếc bàn thờ và bát nhang nghi ngút khói, không có chiếc quan tài, bên người vợ và những đứa con ngơ ngác kiếm tìm.
Cách nhà anh Trần Tàu không xa, thêm chiếc cờ báo tang được cắm trước ngõ nhà anh Phạm Bình (SN 1967), người đi cùng chuyến tàu với anh Trần Tàu và là chồng chị Nguyễn Thị Giang (SN 1967) và 4 đứa con. Chị Giang vẫn còn ngơ ngác trước cái tang của chồng. Mọi việc lo cho đám tang do mẹ chồng và anh chồng lo hết. Trước căn nhà tôn tuềnh toàng mấy tấm ni-lông được che vội và bày vài bộ bàn ghế. Một chiếc trống vừa đưa tới chưa kịp treo lên. Một bàn thờ mới sửa sang lại. Những đứa trẻ lặng lẽ, ngơ ngác trước đám đông người đến giúp chuẩn bị đám tang cho cha chúng. Bé Phạm Thị Bích Phú (học lớp 3) không thể tin nổi cha mình đã mất vì anh đã hứa với con, đi biển về sẽ mua cho nó một chiếc xe đạp để đi học. Mẹ anh Phạm Bình cho biết con dâu không còn đủ sức ngồi dậy, khi nghe tin chồng mất tích đã đổ bệnh, nên việc đi tìm thi thể chồng giao cho người anh chồng tìm kiếm. Ông Phạm Lý- anh trai anh Bình đã vào bệnh viện lật từng tử thi để tìm nhưng không nhận ra dấu vết của em. Gia cảnh anh Bình rất khó khăn, 4 đứa con, hai đứa đầu đứa học lớp 9, đứa học lớp 7 đã nghỉ học, vợ không có việc làm. Anh vay nợ ngân hàng 7 triệu đồng làm nhà, cố đi biển về trả nợ...
ĐẠI TANG TRONG GIA ĐÌNH NHỎ
Tuy chưa chọn ngày phát tang nhưng gia đình bà Nguyễn Thị Ê (SN 1957) ở tổ 32, phường Hòa Hiệp Nam đã như có đại tang. Bà Ê nằm thiêm thiếp trong góc nhà đã từ một tuần nay sau khi nghe tin chồng là Lê Văn Em (SN 1958), con trai là Lê Văn Dũng (SN 1982) cùng 3 người cháu ruột là Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Văn Sang, Nguyễn Tiếán Thành đều mất tích trên chiếc tàu ĐNa 90321 của ông Trần Văn Ý, ở quận Thanh Khê. Đứa con trai út của bà Ê ngồi thẫn thờ một góc nhà. An ủi bà có hai người con đi làm ăn xa nghe tin dữ mới trở về.
Vẫn biết rằng nghề câu mực đầy nguy hiểm nhưng vì mưu sinh những ngư dân nghèo không có con đường nào khác phải ra biển khơi. Ông Phan Xuân Vinh, tổ trưởng tổ 32 - một ngư dân có thâm niên hàng chục năm đi biển, cho biết ông đã bỏ hẳn nghề đi câu mực khi thoát chết trong cơn bão tháng 4-1999 để làm lưới ven bờ. Ông nói: Trải qua cơn bão tôi như người chết sống dậy quyết không ra khơi nữa. Nhưng nhiều anh em vì cuộc sống họ vẫn phải ra khơi. Gia đình bà Ê cũng thế. Bão tháng 4-1999, người chú ruột của anh Nguyễn Văn Sang và Nguyễn Văn Phúc (2 đứa cháu ruột của bà Ê) đã bị mất tích, không tìm được xác, nay đến lượt Sang và Phúc. Đau xót hơn, cả hai anh em vừa mãn tang mẹ trong tháng ba, tang cha đến tháng 10 mới mãn. Tang lại chồng tang.
Có chút an ủi cho gia đình nhỏ này khi đến chiều 26-5, họ nhận được tin xác anh Nguyễn
Các con anh Trần Bình bên di ảnh của cha |
Văn Sang đã được nhận diện nhờ dấu vân tay trên chứng minh nhân dân. Một chút an ủi - khổ đau, khi thân xác anh Sang đã tìm thấy nhưng nó lại làm dập tắt niềm hy vọng về sự sống sót của 4 người thân đã mất tích. Chị Nguyễn Thị Lan, vợ anh Nguyễn Văn Sang, cho biết, khi vào nhận diện chồng tại nhà xác, chị đã nhận diện được một số đặc điểm riêng, nhưng do tử thi để lâu ngày, làm mặt mày biến dạng, khó nhận diện. Do vậy, chị đã gửi chứng minh nhân dân để tiếp tục nhận dạng chồng, song vẫn còn một chút hy vọng rằng anh chỉ mất tích... Khi nhận được tin báo xác anh Sang đã được nhận diện, chị đổ ập xuống ngất đi.
NỖI BUỒN NAM Ô
Ông Bùi Văn Quốc, Phó Chủ tịch phường Hoà Hiệp Nam cho biết, các nạn nhân trong cơn bão số 1 ở phường đa số là những ngư dân nghèo, không có phương tiện đánh bắt, họ phải đi làm thuê cho các chủ tàu ở Thanh Khê, Xuân Hà. Phường Hòa Hiệp Nam trước đây là làng pháo Nam Ô nổi tiếng. Nhưng do chủ trương cấm đốt pháo, địa phương tập trung chuyển đổi ngành nghề cho dân. Một số hộ chuyển sang làm mắm, một số hộ làm nghề đánh bắt cá. Trong các gia đình lao động chính là những người đàn ông, phụ nữ thường ở nhà nội trợ hoặc buôn bán lặt vặt. Những ngư dân mất đi không chỉ là tổn thất cho gia đình họ mà còn là sự tổn thất về lao động của phường. Đây là một phường nghèo, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Bốn năm gần đây khu này đang được quy hoạch thành khu dân cư - du lịch nhưng tất cả vẫn chưa được triển khai nên cuộc sống người dân thực sự chưa ổn định về nhiều mặt.
Bình luận (0)