
Trong chuyến hành trình đến quần đảo Trường Sa, vừa đặt chân lên đảo Tiên Nữ, điểm cực Đông của Tổ quốc, đại tá Hoàng Ngọc Dương, Trưởng Ban Dân vận - Quân chủng Hải quân, giới thiệu với chúng tôi: “Đây chính là hòn đảo tiền đồn của Tổ quốc, phần lãnh thổ vươn xa nhất về phía Đông trên biển”.
Đảo Tiên Nữ nằm cách vịnh Cam Ranh - Khánh Hòa 374 hải lý (gần 700 km) về phía Đông. Khi thủy triều xuống còn khoảng 0,7 m, ở rìa Bắc và Đông của đảo có nhiều rạn san hô nổi lên mặt nước tuyệt đẹp. Phong cảnh nên thơ ở đây là một phần lý do khiến người xưa đặt cho đảo tên gọi Tiên Nữ. Khi thủy triều xuống mức thấp nhất, toàn bộ vành ngoài mép san hô đều nổi cao lên, có thể đi bộ quanh đảo.
Đón ánh bình minh đầu tiên, bắt đầu ngày mới sớm hơn đất liền, với lính hải quân ở đảo Tiên Nữ luôn là niềm hạnh phúc và kiêu hãnh. Tuy nhiên, sống ở nơi đầu sóng ngọn gió, nỗi nhọc nhằn không chỉ đơn giản là phong ba, bão táp giữa trùng khơi.
Tiên Nữ được hưởng nhiều thứ đầu tiên nhưng khi bão vào biển Đông, đảo này cũng là điểm hứng chịu trước hết. Là đảo tiền đồn, con mắt trên biển của cả quần đảo Trường Sa, tất nhiên Tiên Nữ cũng luôn bị người ngoài nhòm ngó.
Cờ Tổ quốc tung bay trên đảo Tiên Nữ, điểm cực Đông Tổ quốc.
Nhắc đến chuyện Tết đến, Xuân về, cán bộ - chiến sĩ trên đảo Tiên Nữ cho biết: “Tiên Nữ đón Tết sớm nhất tính theo khoảnh khắc giao thừa nhưng là điểm đảo luôn ăn Tết muộn nhất vì ở xa đất liền nhất. Hầu như năm nào cũng phải đến mùng hai, chúng tôi mới có bánh chưng, thịt lợn”. Bù lại, lính hải quân trên đảo cực Đông Tổ quốc được biển ưu ái những điều không ở đâu có được.
Khu vực thềm san hô bán kính hơn 500 m bao quanh đảo Tiên Nữ có rất nhiều cá ngừ và tôm hùm, những hải sản mà các đảo chìm khác ít thấy. Khi thủy triều xuống, lính đảo có thể vừa đi dạo trên mép nước vừa bắt cá tôm cho bữa tối.
Hôm đặt chân tới Tiên Nữ, chúng tôi đã được chứng kiến điều này. Chỉ sau vài phút vòng quanh đảo, thế nào chủ nhà cũng có đồ ăn tươi đãi khách. Cá tôm không thiếu nhưng rau xanh và nước ngọt, như bao đảo chìm ở Trường Sa, luôn là của hiếm ở Tiên Nữ.
Trung úy Hà Văn Tâm, quê Yên Định - Nam Định, lính cơ yếu trên đảo Tiên Nữ, tâm sự: “Quanh năm chúng tôi ăn hải sản rồi, Tết đến thèm nhất là bánh chưng. Cách Tết mấy tháng, tôi đã viết thư, gọi điện cho vợ bảo nhớ bánh chưng”.
Năm nay, ngoài tiêu chuẩn mỗi cán bộ - chiến sĩ một cặp bánh chưng, chị Đỗ Thị Hà, vợ trung úy Tâm, còn gửi thêm cho chồng hai cặp nữa để “lai rai đỡ ghiền”. “Ở đảo có bánh chưng phải ăn nhín nhín, sao cho đến rằm tháng giêng vẫn còn để có hương vị Tết lâu hơn”- anh Tâm bộc bạch.
Trung úy Hà Văn Tâm chuẩn bị quà đảo gởi về cho con trai
Kể về cuộc sống trên đảo đầy thi vị nhưng trung úy Tâm cũng không quên khoe niềm tự hào của mình - cậu con trai 3 tuổi Hà Anh Tuấn.
“Ba năm nay, bố con mới được gặp mặt một lần khi tôi về phép hồi năm 2009. Khi mẹ Tuấn sinh cháu, tôi cũng không có ở nhà. Bây giờ thì cu cậu gọi bố sõi lắm rồi nhưng cũng chỉ nghe giọng tôi qua điện thoại mỗi lần gọi điện về” - anh thổ lộ.
Ngoài bánh chưng, Tết này chị Hà không quên gửi cho chồng vài bộ tiểu thuyết. “Món quà tinh thần ấy là thứ không thể thiếu với riêng tôi. Ở đảo có thời gian, chúng tôi đọc thêm sách để hiểu hơn về cuộc sống, không bị lạc hậu” - anh tâm sự.
Cuốn sách gối đầu giường của Tâm là Tuổi thơ dữ dội. Khi chúng tôi tò mò bởi một người từng trải như anh sao lại mê sách thiếu nhi, Tâm khẽ khàng: “Tuổi trẻ nhưng có những suy nghĩ anh hùng, những hành động vĩ đại thì lứa nào cũng cần phải học”.
Lính đảo Tiên Nữ hay bị trêu “sướng nhất Trường Sa” vì “sống quanh năm bên tiên nữ”. Theo truyền thuyết, đảo chìm này là nơi tuyệt đối an toàn vì luôn có nàng tiên che chở cho tàu thuyền, cứu vớt người bị nạn trên biển. Lính đảo Tiên Nữ cũng khẳng định họ “có nhiều cái sướng không ở đâu bằng”.
Đại úy Nhâm Phi Dũng, chỉ huy đảo Tiên Nữ, lý giải: “Vì sống trên đảo có cái tên quá đẹp nên chúng tôi không thể không lãng mạn và lạc quan. Tuy nhiên, ý chí sắt đá lẫn thể lực vững vàng cũng là điều mà tự mỗi người phải rèn luyện để có thể vượt qua thử thách nơi đầu sóng ngọn gió, hoàn thành nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó”.
Tảng san hô
NGUYỄN GIA NÙNG
Những tảng san hô mang hình mốc chủ quyền
Từ Trường Sa gửi tặng đất liền ruột thịt
Mỗi tảng san hô một hình thù riêng biệt
Mang trên mình tên đảo thiêng liêng.
Những con chữ đỏ tươi như máu hiện lên
Những tên đảo cùng những dòng tọa độ
Hình Quốc huy sao vàng, nền đỏ
Cứ ngời lên ngọn lửa cháy khôn nguôi.
Chuỗi ngọc Trường Sa, huyện đảo xa xôi
Lũy thép kiên cường nơi biên đảo
Cây phong ba biếc xanh giữa trời dông bão
Anh lính trẻ măng mỗi sớm mai giơ tay vẫy gọi hải âu về.
Những tảng san hô mang những câu thề
“Cả nước vì Trường Sa – Trường Sa vì cả nước!”
Mỗi tảng san hô – giọt máu hồng Tổ quốc
Trở về sưởi ấm triệu trái tim! |
Bình luận (0)