Tuy nhiên, ngoài mức học phí đã được quy định còn có bao nhiêu thứ phí có tên và không tên khác mà không ít trường tùy tiện đặt ra. Đến nỗi, mới đây phụ huynh học sinh một trường tiểu học ở phía Bắc đồng loạt không đưa con em mình đi học vì cô hiệu trưởng (theo sự chỉ đạo riêng của một vị ở phòng giáo dục huyện) đặt ra quá nhiều khoản thu.
Nỗi lo học phí chưa yên lại thêm một nỗi lo khác: Lo sức khỏe con em mình. Không lo sao được khi biết tỉ lệ học sinh mắc “bệnh học đường” đến mức báo động. Theo báo cáo của bác sĩ Nguyễn Tài Dũng, phụ trách y tế học đường Sở GD-ĐT tại TPHCM, hai bệnh học đường phổ biến nhất là tật khúc xạ (bệnh về mắt) và cong vẹo cột sống. Và điều đáng quan tâm là tỉ lệ học sinh mắc bệnh tăng từng năm học và theo cấp học. Nếu năm học 2003 - 2004 có 9,03% học sinh tiểu học bị tật khúc xạ thì năm 2004 - 2005 là 13,5%. Nếu tỉ lệ học sinh ở cấp tiểu học bị tật khúc xạ là 13,5% thì ở cấp THCS là 23,3% và ở cấp THPT là 24,4%. Bệnh cong vẹo cột sống tuy tỉ lệ thấp hơn nhưng cũng tăng theo cấp học: 2% ở cấp tiểu học, 3,7% ở cấp THCS và 5,7% ở cấp THPT.
Vậy đâu là nguyên nhân gây ra hai căn “bệnh học đường” trên? Một nguyên nhân ai cũng thấy và dư luận nhiều lần báo động là bàn ghế không đúng quy cách và phòng học không đủ sáng do thiếu đèn - cũng có nơi đủ đèn nhưng do bố trí không hợp lý. Xã hội mà trước hết là ngành giáo dục, các bậc phụ huynh nghĩ sao và làm gì trước hiện trạng này? Không lẽ chúng ta đành chấp nhận đào tạo thế hệ trẻ chỉ có tri thức nhưng lại bệnh tật, kém sức khỏe. Trong khi theo quan điểm các nhà xã hội học, các nhà quản lý, sức khỏe là một trong những yếu tố quyết định phát triển kinh tế và an ninh quốc gia.
Đào tạo thế hệ trẻ phát triển toàn diện: đức, trí, thể, mỹ là mục tiêu của chúng ta. Đầu tư công sức, tiền của khắc phục các loại bệnh học đường phải được xếp vào danh mục đầu tư hàng đầu.
Bình luận (0)