Mới chớm đầu mùa hè đã có không ít vụ trẻ em, học sinh đuối nước thương tâm. Sau vụ 9 học sinh lớp 6 bị đuối nước ở hố sâu trên sông Trà Khúc (tỉnh Quảng Ngãi) vào ngày 15-4 là trường hợp 4 học sinh nữ lớp 7 ở xã Vạn Phước, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa mất mạng trong lúc tắm biển.
Vị trí xảy ra vụ đuối nước khiến 9 học sinh tử vong
Ngay thời điểm mùa hè, khô hạn khốc liệt, các vụ đuối nước lại liên tục xảy ra và nó thực sự là nỗi lo của các bậc cha mẹ khi mùa mưa đang tới. Theo thống kê của Bộ Y tế và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), mỗi năm nước ta có khoảng 7.000 trẻ tử vong, trong đó 3.500 trẻ tử vong do đuối nước. Còn theo Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Việt Nam là một trong 10 nước có tỉ lệ trẻ em bị tai nạn đuối nước cao nhất thế giới, trung bình mỗi ngày có khoảng 10 trẻ chết đuối. Không khỏi giật mình trước những con số trên bởi số nạn nhân đuối nước ở nước ta, đặc biệt là trẻ em, chưa được quan tâm đúng mức.
Có thể lý giải rằng một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tai nạn đuối nước là do nước ta có đường bờ biển dài trên 3.000 km, số lượng ao hồ, sông suối, kênh rạch chằng chịt, trong đó chủ yếu tập trung khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ với trên 2.300 con sông và kênh rạch có tổng cộng chiều dài khoảng 198.000 km. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do vấn nạn này chưa được coi trọng đúng mức để có giải pháp hữu hiệu. Cứ nhìn vào nhận thức cùng cách thức giải quyết giữa 2 vấn đề tai nạn giao thông và tai nạn đuối nước thì thấy khá rõ. Trong khi tai nạn giao thông luôn được cảnh báo cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì có sự chuyển nhận thức chậm trong dư luận cũng như các cơ quan quản lý về vấn đề tai nạn đuối nước.
Thực ra, cũng đã có không ít phong trào, chiến dịch khá rầm rộ trước mỗi mùa mưa lũ để cảnh báo về tai nạn đuối nước đối với trẻ em, học sinh. Song điều quan trọng nhất là những biện pháp cụ thể, hiệu quả để giảm thiểu tai nạn này lại chưa đáp ứng đòi hỏi thực tiễn. Bộ Giáo dục và Đào tạo vài năm trước có kể hoạch thí điểm dạy bơi và phòng chống đuối nước cho học sinh nhưng xem ra chưa đi tới đâu vì tuyệt đại đa số các trường tới nay vẫn chưa có bể bơi, trong khi ngay môn thể dục vẫn chủ yếu dạy đá cầu, cầu lông, chạy, nhảy…; thậm chí cả dance sport.
Tai nạn đuối nước đối với trẻ em đã trở thành một vấn nạn song dạy bơi an toàn vẫn chỉ là một chương trình thí điểm giai đoạn 2016-2020. Còn thí điểm, chứ chưa phải bắt buộc, thì đuối nước vẫn sẽ là một nỗi ám ảnh với không ít phụ huynh, nhất là mỗi khi mùa mưa lũ về.
Bình luận (0)