Sơn Hà là một trong những huyện miền núi nghèo nhất nước nhưng có nhiều dự án thủy điện nhất. Cách đây hơn 1 năm, có đến 18 dự án thủy điện được triển khai và bị ảnh hưởng. Hậu quả kinh hoàng do thủy điện gây ra vẫn còn đó, khi từng căn nhà của người dân đổ vỡ trong trận lũ lịch sử tháng 11-2013 chưa kịp khắc phục.
“Không biết sẽ sống ra sao?”
Chúng tôi về thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà giữa mùa mưa. Cũng như nhiều xã lân cận, toàn bộ thị trấn Di Lăng nằm gọn trong một thung lũng, cách thân đập thủy điện Nước Trong (đã hoàn thành và đưa vào sử dụng) chỉ 3 km, dưới cao trình hơn 100 m so với hồ chứa có dung tích 290 triệu m3 nước.
Ông Đinh Văn Cang (ngụ thị trấn Di Lăng) lo lắng: “Trận lũ vừa qua, nước vô cao hơn nửa nhà, may mà được bộ đội cứu thoát… Ở đây đã 30 năm nhưng đó là trận lũ lớn nhất tôi từng chứng kiến. Hồi xưa chưa có thủy điện, nơi đây hiếm khi xảy ra lũ lớn. Nghe nói mai mốt xây thêm mấy cái thủy điện nữa, không biết cuộc sống chúng tôi rồi sẽ ra sao?”.
Tiếp chúng tôi, ông Phùng Tô Long, Chánh Văn phòng UBND huyện Sơn Hà, thở dài khi nghe hỏi về các dự án thủy điện ở huyện: “100% người dân Sơn Hà khi được trưng cầu ý kiến đều phản đối xây dựng thủy điện. Bí thư Huyện ủy Sơn Hà Đặng Ngọc Dũng ở bất cứ cuộc họp nào, hễ có cơ hội là đều nói về việc phản đối xây dựng thủy điện… Quan điểm của huyện trước sau như một, không xây dựng bất kỳ một thủy điện nào nữa, tránh gây hại cho dân. Ấy vậy mà hiện còn 3 dự án thủy điện đang triển khai là Sơn Trà 1, Đắkđrinh 2 và Trà Khúc 1. Cả 3 dự án này đều nằm gọn trong huyện Sơn Hà”.
“Đừng đánh đổi lợi ích của dân!”
Cũng với tâm trạng đầy lo lắng, ông Đặng Ngọc Dũng cho biết chỉ trong vòng 4 năm nay, 2 lần xảy ra lũ lớn làm cho hàng ngàn hộ dân ở Sơn Hà bị thiệt hại nặng về người và tài sản. Vừa qua, với việc hoàn thành 2 dự án thủy điện nằm phía trên đầu nguồn là hồ chứa thủy lợi Nước Trong và công trình thủy điện Đắkđrinh đã làm cho người dân nơi đây càng thêm lo sợ. Nếu xây dựng thủy điện Trà Khúc 1 sẽ nhấn chìm hoàn toàn 4 xã trong huyện Sơn Hà; 2 dự án còn lại sẽ ảnh hưởng khoảng 20.000 người dân và khiến 18.000 ha rừng phòng hộ bị mất.
“Đừng đánh đổi lợi ích của người dân như thế. Những dự án có quá nhiều đánh đổi, mất mát, chúng ta cần phải xem lại có nên thực hiện hay không? Việc này tôi kiến nghị rất nhiều, phản đối cũng rất nhiều nhưng vẫn không ngăn được 3 dự án đang triển khai” - ông Dũng bức xúc.
Ông Nguyễn Thái, Phó Bí thư Huyện ủy Sơn Hà, cho rằng khi xây dựng thủy điện, các nhà đầu tư chỉ quan tâm đến lợi nhuận, còn hậu quả do nhân dân gánh chịu. “Trường hợp UBND tỉnh Quảng Ngãi vẫn quyết định đầu tư xây dựng các dự án thủy điện nêu trên, huyện Sơn Hà đành phải chấp hành. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ báo cáo quan điểm và diễn biến đến toàn thể nhân dân Sơn Hà biết rõ. Sau này, các hệ lụy xảy ra như ngập lụt, hạn hán… thì cơ quan quyết định đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm và trực tiếp xử lý hậu quả” - ông Thái nói.
Trong khi đó, ông Đoàn Ngọc Thạch, Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham, cho biết địa điểm dự án thủy điện Sơn Trà 1 được triển khai nằm trong lõi khu rừng già nguyên sinh đã hàng trăm năm tuổi của rừng phòng hộ. Đa phần những cây cổ thụ lâu năm như chò, gõ… có đường kính vài vòng tay người ôm, sản lượng gỗ từ 100 - 300 m3/ha... Những cánh rừng này có trữ lượng gỗ lớn và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đời sống dân sinh.
“Nếu xây thủy điện Sơn Trà 1 sẽ có hàng ngàn mét khối gỗ bị xẻ thịt, các cây gỗ quý hàng trăm năm tuổi mất đi vĩnh viễn, hệ sinh thái và môi trường rừng tại đây bị thay đổi. Hơn nữa, khi xây thủy điện sẽ tạo những con đường giao thông thông thoáng cho lâm tặc vào sâu trong rừng phòng hộ, phá nát khu rừng” - ông Thạch cảnh báo.
Không dừng 3 dự án thủy điện
Ngày 10-10, ông Nguyễn Xuân Thủy, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi, cho biết mới đây, cơ quan này đã báo cáo lên Bộ Công Thương và UBND tỉnh Quảng Ngãi về 3 dự án thủy điện Sơn Trà 1, Đắkđrinh 2 và Trà Khúc 1 tại huyện Sơn Hà. Sau khi xem xét báo cáo, đánh giá những mặt được và mất, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi có ý kiến chỉ đạo vẫn triển khai cả 3 dự án.
Bình luận (0)