Chiều 2-2, Bộ Y tế chủ trì cuộc họp khẩn tại 2 điểm cầu truyền hình trực tuyến là Hà Nội và TP HCM, bàn các phương án phòng chống dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán.
Ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về virus Zika
Tại cuộc họp, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết ngày 1-2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về virus Zika và sự gia tăng các ca dị tật bẩm sinh tại Nam Mỹ nghi ngờ do virus này gây ra. Virus Zika chính thức trở thành trường hợp y tế cộng đồng khẩn cấp và được đặt trong cùng hạng mục với Ebola. Biểu hiện của Zika là phát ban, đau cơ khớp, đau đầu, viêm kết mạc; thời gian ủ bệnh 3-12 ngày nhưng hầu hết bệnh nhân không xuất hiện triệu chứng. Phương thức lây truyền chủ yếu qua muỗi, có thể qua đường máu mẹ sang con hoặc ít thấy hơn là quan hệ tình dục. Sự lưu hành rộng rãi muỗi Aedes sẽ tạo điều kiện để lây truyền virus Zika trên thế giới. Hiện nay, chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu trong khi cộng đồng chưa có miễn dịch nên chắc chắn sẽ ghi nhận thêm nhiều ca bệnh trong thời gian tới.
Bộ Y tế yêu cầu tăng cường giám sát tại các cửa khẩu để phát hiện sớm những ca nghi ngờ nhập cảnh từ vùng có dịch
Ông Phu cho biết tại Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm virus Zika nhưng nguy cơ dịch xâm nhập và lây lan rộng trong cộng đồng là hoàn toàn có thể do sự giao lưu du lịch, thương mại, lao động rất lớn giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Thống kê từ các cửa khẩu quốc tế cho thấy hằng tuần, Việt Nam có khoảng 200.000 lượt hành khách nhập cảnh và trên 170.000 hành khách xuất cảnh. “Đáng ngại hơn cả, Việt Nam đang có dịch sốt xuất huyết cùng với sự lưu hành của loại muỗi Aedes - loại muỗi truyền virus Zika” - ông Phu nói.
Nên ăn chín, uống chín
Để ứng phó với dịch bệnh nguy hiểm này, hệ thống dự phòng đã triển khai 10 điểm giám sát virus Zika tại các tỉnh, thành phía Nam trên cơ sở lồng ghép với chiến dịch phòng chống sốt xuất huyết. Việt Nam có đủ khả năng xét nghiệm virus Zika và cho kết quả trong vòng 6 giờ.
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, miền Bắc đã triển khai khoảng 20 điểm giám sát virus Zika. Đáng sợ nhất của virus này là đối với các bà mẹ mang thai bởi có thể sẽ sinh ra con đầu nhỏ do virus gây teo não. Vì vậy, nếu Việt Nam xảy ra dịch bệnh này thì sẽ phải tiến hành siêu âm, kiểm tra những bà mẹ đang mang thai trong 3 tháng đầu.
Trong khi dịch do virus Zika nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập thì ông Kính tiếp tục cảnh báo hiện tượng tái diễn hằng năm, nhất là mỗi dịp Tết. Đặc biệt, bệnh liên cầu khuẩn lợn có xu hướng tăng vào dịp Tết Nguyên đán do người dân miền Bắc vẫn có thói quen ăn tiết canh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khuyến cáo người dân ăn chín, uống chín trong dịp Tết Nguyên đán để phòng những nguy cơ cho sức khỏe; không ăn tiết canh để phòng bệnh liên cầu lợn, phòng nguy cơ nhiễm các loại sán qua tiết canh, rau trồng thủy sinh.
Hạn chế đến vùng có dịch
Trước mức độ nguy hiểm do virus Zika gây ra, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khuyến cáo người dân hạn chế đi đến vùng có dịch, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Bà Tiến yêu cầu các cửa khẩu hàng không cần kiểm soát chặt chẽ những đối tượng xuất nhập cảnh từ vùng có dịch. Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng theo quy luật, thời điểm hiện nay, bệnh sốt xuất huyết lẽ ra phải chấm dứt nhưng trên thực tế, dù thời tiết chuyển lạnh mà dịch bệnh này vẫn gia tăng. Do đó, cần giám sát các ổ bệnh sốt xuất huyết đang lưu hành xem có mối liên quan với virus Zika hay không bởi virus này truyền qua muỗi Aedes.
Bình luận (0)