Ông Lê Văn Lam (Út Lam), một nông dân ở xã Tân Phước, huyện Tân Hồng - Đồng Tháp, cho biết trong xã có khá nhiều người bán đất.
Không ít hộ dân có đến hàng chục công đất nhưng đã lần lượt bán đi để giải quyết nợ nần, điển hình như bà Lê Thị Dung (chị ông Út Lam) và ông Hai Để (hàng xóm ông Út Lam). Cả hai người đã bán đất sau bao năm canh tác để đi làm thuê kiếm sống ở tận Bình Dương và TPHCM. Theo ông Út Lam, không phải những người này lười lao động hoặc không biết tính toán làm ăn mà thực chất là nghề trồng lúa luôn đối mặt với rất nhiều rủi ro.
Đáng ngại nhất chính là giá cả thị trường bấp bênh; chi phí đầu vào như giống, thuốc trừ sâu, phân bón… luôn tăng cao. “Cả xã này chỉ có ông Bảy Hẫu là thành công khi bán 3 ha đất để ra chợ dựng sạp bán hàng tạp hóa” - ông Út Lam cho biết.
Ông Nguyễn Lợi Đức bên ruộng lúa được mua lại từ những nông dân. Ảnh: THỐT NỐT
Theo ông Nguyễn Lợi Đức (Sáu Đức), một nông dân canh tác hơn 150 ha đất ruộng ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn - An Giang, hơn chục năm về trước, do đất đai còn lắm phèn nên phần lớn nông dân chấp nhận bán ruộng với giá rẻ để chuyển nghề khác. Số hộ còn giữ đất được là nhờ biết cách tận dụng để trồng thêm cây trái, hoa màu hoặc làm thêm nghề phụ khác.
Hiện nay, nông dân làm ruộng khoảng 2-3 ha chưa thể khá lên được nếu như không còn nguồn thu nhập nào khác. Ngược lại, nếu nông dân không khéo tính toán thì chắc chắn sẽ mắc nợ và phải bán đất. “Mặc dù khó khăn là vậy nhưng cũng có người quyết không từ bỏ ruộng đồng bằng cách bán đi đất tốt trả nợ, phần còn lại để sản xuất” - ông Đức nói.
Mấy ngày qua, bà Nguyễn Thị Đáng (ngụ phường Phú Thứ, quận Cái Răng - Cần Thơ) cũng cắm tấm bảng rao bán trên phần đất hơn 4 công của mình. Bà Đáng cho biết mấy năm nay, con cháu đổ xô đi làm công nhân nên ruộng vườn chẳng ai chăm sóc. “Có cặm cụi làm lúa trên phần đất ấy thì đến khi thu hoạch cũng chỉ huề vốn chứ chẳng lãi được đồng nào” - bà Đáng giải thích.
GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng việc nông dân bán ruộng là chuyện đương nhiên vì thói quen làm ăn nhỏ lẻ, manh mún. Trong khi đó, nông dân muốn vào hợp tác xã lại phải tự bỏ vốn ra hùn hạp và còn chịu thêm các loại thuế, phí. “Tôi đồng tình với việc nông dân bán ruộng nếu thấy nghề này không mang lại hiệu quả kinh tế. Làm ruộng mà cứ phải “tự bơi” như thế thì không nên” - GS-TS Võ Tòng Xuân nói.
Bình luận (0)