Ngư dân liên tục bị tàu Trung Quốc gây rối, cướp tài sản, thậm chí vô cớ bắt giữ. Còn nông dân, mất mùa thì đói kém mà được mùa cũng vẫn khóc ròng.
Sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 kéo theo việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc gặp nhiều bất lợi. Giá hạ, bị ép giá, tồn hàng khó tiêu thụ. Không chỉ bài học nhãn tiền trái vải mà gạo, cao su, trái cây đều đang khó khăn. Rõ ràng, việc quá phụ thuộc vào một thị trường trong nhiều năm đã khiến nông dân phải tự bơi, lo đầu ra cho mình.
Giá cả dao động là một việc tương đối bình thường theo chu kỳ nhưng cái đáng ngại nhất là biên độ dao động quá lớn và xảy ra ở bất cứ nơi nào và ở bất cứ thời điểm nào có dính đến sản xuất nông nghiệp. Đơn cử, giá lúa có giai đoạn mùa vụ chỉ còn 4.200-4.500 đồng/kg. Bắp cải, cà chua phải đổ cho bò ăn hoặc cày vùi xuống đất. Mía đến giai đoạn thu hoạch phải đốt vì nếu thuê công thì lỗ. Xoài tại Đồng Nai vụ mùa vừa qua (tháng 5, 6 ), nông dân bỏ rụng vì giá chỉ còn 1.000 đồng/kg. Bắp rớt giá khiến người trồng bị thua lỗ, trong khi mới 6 tháng đầu năm 2014, Việt Nam phải nhập hơn 2 triệu tấn bắp hạt.
Phải chăng những người có trách nhiệm chưa lường hết hậu quả hay vô cảm với khó khăn của nông dân? Thêm vào đó, yếu tố thương lái Trung Quốc ép giá càng làm cho nông dân thêm khổ. Họ chật vật mưu sinh, bán đổ bán tháo mồ hôi công sức và phải lo ngay ngáy đối phó với các đầu mối bắt tay với thương lái Trung Quốc ép giá thu lợi.
Đã có một vài địa phương như Hải Dương, Bắc Giang, lãnh đạo đã đích thân vào TP HCM tổ chức cuộc họp để kêu gọi người dân miền Nam chung tay với người nông dân tiêu thụ vải thiều. Tuy nhiên, một vài điểm sáng mang tính phản ứng tức thời, đến mùa lại lên chưa thể giải quyết được rốt ráo vấn đề. “Đầu ra” của nông dân chân lấm tay bùn vẫn cần lắm sự quy hoạch về lâu dài của Chính phủ và trước hết là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm mở rộng thị trường và định hướng cho nông dân đi tắt đón đầu nhu cầu của thị trường.
Bình luận (0)