icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nông dân ngoại thành: 'Bán mặt cho đất' không bằng bán... đất mặt?!

QUỐC HÙNG (SGGP)

Thành ngữ có câu “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” là nói về nỗi cực nhọc của nghề nông. Thế nhưng, vài năm nay, một số hộ nông dân ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn TPHCM không “bán mặt cho đất” nữa mà lại bán... đất mặt – loại đất màu mỡ có tính chất quyết định đến năng suất và chất lượng cây trồng. Chuyện ấy đang trở thành một phong trào...

Nhà nhà bán đất

Theo lời kể của cư dân địa phương, ông T.V.H., cán bộ HĐND xã Xuân Thới Thượng huyện Hóc Môn là người đầu tiên bán đất mặt với số lượng lớn. Lúc đầu, mỗi ngày ông chỉ lấy một vài xe trên một thửa ruộng ông đang canh tác, sau đó ông tiến hành lấy hàng loạt ở nhiều thửa. Cụ thể, đầu năm 2001, vào các ngày thứ bảy, chủ nhật ông mướn người dùng xe máy cày vào xúc các thửa ruộng 792 đến thửa 798 và hai thửa 806, 808 thuộc tờ bản đồ số 3, chở về đổ thành đống lớn trữ tại những thửa ruộng sát bên nhà. Những thửa ruộng sau khi đã bị ông lấy đi phần đất mặt, làm thấp hơn so với mặt ruộng khác gần 0,5m, có thửa lấy sâu tới 2m, đều không thể canh tác, mặt ruộng lồi lõm, phô ra phần đất trắng bệch, bạc màu... Trao đổi với chúng tôi, ông H. thừa nhận những việc mình làm, nhưng cho rằng: “Chỉ lấy vài xe về bồi đắp một số thửa ruộng bị trũng gần nhà. Đám ruộng nào cao mới lấy chứ không phải đám nào cũng lấy như người dân phản ánh...”. Nhưng lấy được vài bữa thì xã không cho lấy nữa và đưa ra kiểm điểm nội bộ.

Chuyện của ông H. thì chỉ có vậy nhưng từ đó, chuyện bán đất ở Xuân Thới Thượng đã trở thành một phong trào. Hai bên con đường đất đỏ nối liền ấp 1, 2 và 3, những năm trước là cánh đồng rau thơm, rau cải, dưa leo xanh ngút ngàn… Thế mà bây giờ, cả cánh đồng cứ như một công trường khai thác đất, xe vào ra “ăn” đất tấp nập cả ngày lẫn đêm, có đám ruộng đã bán đi bán lại thậm chí hai đến ba lần.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, ngụ tại 94/6 ấp 1 cho biết: “Từ khi có văn bản thông báo chính thức dự án quy hoạch khu công nghiệp, cuộc sống người dân xáo trộn hẳn, ruộng đất bỏ hoang không sản xuất mà cứ bán dần bán mòn. Có người cho rằng, ông H. lấy được họ cũng lấy được, thế là hùa nhau lấy theo, nhất là nhà có xe tải, xe máy cày. Ai có ruộng nằm trong khu quy hoạch tự lấy về trữ quanh vườn rồi tìm mối bán. Đất nhà bán hết, chuyển sang mua lại của bà con trong vùng, từ đó hình thành phong trào buôn bán đất mặt rầm rộ”. Bác Tám Liêm 82 tuổi, ở ấp 2 tâm sự: “Ngày nào mấy thằng cò đất cũng vào trả giá năn nỉ tui bán, tụi nó bảo tuổi già sức yếu, bán lấy tiền mua gạo, thuốc thang, việc gì phải gồng lưng dang nắng nhặt phân bò kiếm bạc cắc?”. Bác cho rằng, xung quanh ruộng bác người ta bán hết cả năm nay rồi. Ruộng mình chưa bán nên mặt ruộng cao, nước không vào được, vì thế, có làm cũng chẳng thu bao nhiêu. Già cả bệnh hoạn, trong nhà chẳng có gì đáng giá ngoài hai công đất, nên cuối tháng 3-2004 bác quyết định bán một công đất với giá 6,5 triệu đồng.

Từ nhà bác Tám Liêm đi khoảng 500m là bắt gặp hàng chục đốngï đất to như… núi nằm dọc hai bên đường liên ấp, với những tấm bảng rao “bán đất trồng kiểng”, “san lấp mặt bằng” như U.T, M.Đ, H.L, V.N, N.G… Ghé vựa U.T ấp 2, chủ vựa dẫn chúng tôi ra xem đất rồi bảo: “Mua lẻ 500 ngàn đồng/ xe, nếu mua số lượng lớn chắc giá 450 ngàn đồng/xe 5 khối”. “Bớt đi! Làm gì đắt vậy?” - Tôi trả giá. U.T phân trần: “Đắt gì, đất màu chất lượng cao như vầy, đâu dễ kiếm. Không mua, mai mốt muốn mua cũng đâu có đất...”. U.T khoe rằng, khách của ông chủ yếu là trồng cây kiểng, chẳng hạn Công ty Cây xanh TP cũng đã từng đến mua, ngoài ra còn có hàng chục vựa kiểng ở quận 12, Tân Phú, Tân Bình… Về quy mô lẫn chất lượng phải nói đến vựa M.Đ. Khuôn viên rộng hơn 1.000 m2 xây tường rào bao bọc bên trong chứa đầy đất và nhiều đống lớn bên ngoài. Những đối tác làm ăn lớn từ các khu công nghiệp như Lê Minh Xuân, Vĩnh Lộc, Tân Tạo, Pouyuen… Mỗi tuần M.Đ cung cấp hàng trăm xe đất cho các đơn vị trên, có đội xe vận chuyển bất kể ngày đêm. Nguồn nào để cung ứng thường xuyên một khối lượng đất mặt lớn như vậy? M.Đ cho biết: “Đất ngày càng khan hiếm, riêng Xuân Thới Thượng cung cấp không đủ, tụi này phải sang địa bàn các xã khác như Xuân Thới Nhì, Phạm Văn Hai mua thêm…”. Như vậy, nạn bán đất mặt từ Xuân Thới Thượng đã “ăn lan” sang đến cả huyện Bình Chánh (!).

Tại vì... quy hoạch?

Vì sao nông dân Xuân Thới Thượng lại bán đất mặt – lớp đất màu mỡ quyết định năng suất, sản lượng, chất lượng cây trồng – “nồi cơm” của họ? Theo phản ánh của bà con, bắt đầu là do... quy hoạch! Nguyên là ngày 10-9-2002 UBND huyện Hóc Môn công bố quy hoạch khu công nghiệp Xuân Thới Thượng với quy mô diện tích 250 ha, chiếm phần lớn diện tích là đất của xã Xuân Thới Thượng, phần còn lại là của xã Bà Điểm, do Công ty cổ phần Đầu tư KCN Tân Tạo làm chủ đầu tư. Thế nhưng, hai năm trôi qua, dự án bất động, người dân có đất trong vùng quy hoạch bị “treo” quyền sử dụng. Hội chứng đầu tiên, sau thời gian chờ đợi là... bất an. Không ai muốn đầu tư lâu dài bởi không biết nay hay mai đất ấy, cây con ấy không còn là của mình nữa? Từ bất an sang... tạm bợ. Người ta chỉ trồng cây ngắn ngày và phân tro chăm bón cũng... ầu ơ ví dầu. Cứ thế, đến khi nghe có người bán đất mặt, được tiền thì người ta đổ xô nhau kêu bán. Đất làm KCN, giá đền bù do nhà nước quy định, đơn vị tính đền bù là mét vuông, đơn giá đền bù có khác nhau là khác bởi đất ruộng, đất vườn hay đất thổ cư chớ ai tính... đất mặt hay đất... không mặt. Do vậy, có bóc đi vài tấc, thậm chí dăm tấc, tiền đền bù cũng chẳng hụt đi đồng nào. Trong khi bóc được là có lợi. Bóc ít lợi ít, bóc nhiều lợi nhiều, dại gì không bóc!?... Nguyên nhân thứ hai là... ruộng xung quanh người ta đào bán, trũng xuống, ruộng mình không bán bỗng dưng cao lên, nước không tới, tưới không được, có làm chẳng thu, vậy là... bán theo! “Lợi riêng” là thế. Còn hại chung thì không ai tính. Ai cũng biết đất ruộng, sau khi đã bóc đi lớp đất mặt màu mỡ thì năng suất thu hoạch của cây trồng chỉ bằng 1/3 so với trước. Ví dụ, đất lúa Xuân Thới Thượng bình quân thu hoạch 60 đến 80 giạ/công/vụïï. Sau khi bóc bán đi lớp đất mặt, chăm sóc lắm cũng chỉ thu 30 giạ... Năng suất sản lượng giảm không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất chung mà quan trọng hơn là đang có nguy cơ phá vỡ chỉ tiêu phát triển kinh tế của xã. Ruộng đất bỏ hoang thì chuột bọ phát triển, lao động, sau khi xài hết tiền thì... thất nghiệp. Chính quyền xã lại lo... xóa đói giảm nghèo!

Để ngăn chặn tình trạng mua bán đất mặt, theo ông Trần Văn Lân, phụ trách quản lý đô thị của xã Xuân Thới Thượng thì: “Xã gởi thông báo đến từng hộ gia đình cấm không được mua bán đất mặt; các loại xe tải không được chở đất ruộng. Nếu phát hiện xe nào chở sẽ giam xe và phạt tiền đến 2 triệu đồng/lần vi phạm...”. Nói là thế, thực tế, lực lượng thi hành pháp luật của xã quá mỏng, lấy đâu ra người trực 24/24 mà phạt. Hơn nữa đất trên xe, biết lấy ở đâu, cơ sở nào để lập biên bản xử lý? Trong khi, đại diện của Công ty cổ phần Đầu tư Tân Tạo khẳng định là: “KCN chưa có kế hoạch triển khai thực hiện”!

Xuân Thới Thượng – như tên gọi - là vùng đất gò cao của huyện Hóc Môn, cứ đà này, mai mốt bản đồ tự nhiên của Hóc Môn chắc sẽ phải chỉnh sửa Xuân Thới Thượng là... vùng trũng!?

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo