Như vậy, nếu hai công ty này chạy hết công suất trong cả vụ sản xuất đường là 6 tháng, thì cũng chỉ tiêu thụ được 300.000 tấn mía nguyên liệu. Còn lại 250.000 tấn mía nguyên liệu nữa, người nông dân Đắk Lắk phải đưa vào 140 lò đường thủ công và đem đi tiêu thụ ở các tỉnh khác. Nhưng do giá đường trên thị trường đang ở mức thấp, sản xuất đường thua lỗ, nên các lò ép đường thủ công ở Đắk Lắk ngưng hoạt động, làm cho tình trạng mía nguyên liệu dư thừa trở nên trầm trọng hơn. Trong khi đó, việc thu mía của nông dân lại rộ lên cùng thời điểm, các công ty tiêu thụ không kịp dẫn đến ứ đọng và phát sinh những tiêu cực trong khâu tiêu thụ, vận chuyển. Ước tính có tới trên 30% sản lượng mía dư thừa, không bán được, người dân phải tự tìm cách ép mía lấy mật hoặc đốt bỏ.
Các doanh nghiệp làm đường cũng thua lỗ lớn. Điển hình như Công ty Mía đường Đắk Lắk, bước vào vụ sản xuất năm 2003 này, giá đường xuống quá thấp (từ 3.800 đồng đến 4.000 đồng/kg đường thành phẩm), theo tính toán thì hiện tại sản xuất 1 kg đường công ty lỗ 800 đồng. Được biết, Công ty Mía đường Đắk Lắk được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 1997 đến nay, nhưng chưa năm nào làm ăn có lãi, con số nợ, số thua lỗ liên tiếp tăng cao. Vốn đầu tư cố định từ 118 tỉ đồng nay tăng lên 165 tỉ đồng do phải chịu lãi cao và trượt giá đồng USD. Vậy là cả người sản xuất và doanh nghiệp làm đường ở Đắk Lắk lại thu một vụ “mía đắng”.
Bình luận (0)