Hiện nay, một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long lại “nóng” chuyện nông dân bán đất sét ở ruộng lúa. Các chủ ruộng vẫn ham “lột da, lóc thịt” từng hecta mặt ruộng để đổi lấy số tiền vài trăm triệu đồng mà hoàn toàn phớt lờ những khuyến cáo, lệnh cấm của chính quyền địa phương và cả nguy cơ mất mùa.
Đua nhau bán đất sét
Nơi nổi tiếng có hơn ngàn hecta ruộng bị “lột” lớp đất sét trong hơn 5 năm qua là huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Đất sét dưới ruộng bị xắn bán cho những nơi sản xuất gạch thô tập trung ở các xã Song Lộc, Lương Hòa, Lương Hòa A của huyện Châu Thành. Chỉ tính riêng xã Song Lộc, đã có hơn 400/2.400 ha đất ruộng đã và đang bị bán mất lớp đất sét.
Nhiều nông dân cho biết sở dĩ họ bán đất sét ruộng vì cần gấp số tiền lớn. Mặt khác, ruộng trong vùng đa số nằm trên đất gò (cao), khó giữ nước nên việc bán đi lớp đất sét bên dưới, chừa lại lớp bùn bên trên giúp nông dân đưa nước vào dễ hơn và giữ nước lâu hơn. Nhiều hộ dân trước đây do ruộng thấp nên không bán đất sét, giờ lại thành ruộng gò so với các ruộng đã bị “tùng xẻo” lớp đất sét, vì vậy khó dẫn nước vào và giữ nước. Vì thế, các hộ dân này cũng bán đất sét, vừa có tiền vừa khắc phục được chuyện ruộng cao.
“Bán xong, ruộng của họ lại thấp hơn ruộng hàng xóm vì người mua đất sét lấy theo khuôn 40 - 45 cm. Ruộng ai cao hơn lại tiếp tục bán đất sét cho thấp hơn, kết cục là một vòng luẩn quẩn” - ông Phạm Thống Nhất, Chủ tịch UBND xã Lương Hòa, lo ngại.
Lợi bất cập hại
Nhiều nông dân cho rằng sau khi “cải tạo” ruộng kiểu này, năng suất các vụ lúa cũng tăng lên. Ông Trương Tấn Minh (SN 1961, ngụ ấp Nê Có, xã Song Lộc), người đã bán hơn 20 ha đất sét mặt ruộng, khẳng định năng suất lúa của ông tăng gần gấp đôi. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, lá lúa trong ruộng của ông Minh hơi ngả vàng. “Chỉ là phèn lên trong những mùa đầu sau khi cải tạo đất thôi” - ông chống chế.
Theo ông Huỳnh Quang Nhường, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Song Lộc, chuyện năng suất lúa tăng là có thật ở một số ruộng sau khi bán đất sét mà không bị hoặc chưa bị phèn lên. Tuy nhiên, tính tổng thể trong những năm qua, nông dân vẫn lỗ, nhất là vụ giữa năm. “Ở vụ này, trời mưa lớn là ruộng bị ngập úng vì bơm nước ra không kịp. Tiếp đó, cây lúa ngã đổ thì làm sao năng suất tăng được?” - ông Nhường phân tích.
Ông Nguyễn Chí Hiệp, Chủ tịch UBND xã Song Lộc, cho biết ngoài chuyện ngập úng, nông dân còn chịu lỗ chi phí nhân công. “Xe cơ giới không vào nổi các ruộng bị hạ thấp nên nông dân phải mướn người cấy, gặt, vác. Nếu mướn xe cơ giới 200.000 đồng thì khi mướn nhân công phải tốn gấp 4-5 lần. Ngoài ra, lớp đất sét bị lấy đi, ruộng chỉ còn lại đất sạn, nông dân phải tốn tiền mua phân bón nhiều hơn” - ông Hiệp khẳng định.
Từ năm 2007, các huyện Tam Bình, Trà Ôn và Vũng Liêm của tỉnh Vĩnh Long cũng rộ chuyện nông dân bán đất sét ruộng. Sau khi bán, một số ruộng đã không thể trồng lúa lại được. Ông Nguyễn Văn Thành (ngụ huyện Tam Bình) hối tiếc: “Sau khi bán đất sét, 6 công đất của tôi mấy năm qua cho người ta thuê trồng sen. Giờ muốn làm lúa trở lại phải bỏ số tiền lớn mua đất sét về phục hồi đáy ruộng”.
Về lâu dài, không chỉ ruộng bị bóc lớp đất sét giờ phải trồng sen thiệt hại mà các thửa bên cạnh cũng bị ảnh hưởng. Bởi lẽ, nước trong ruộng sen nhiều, ảnh hưởng xấu đến ruộng lúa nằm kề. “Trồng sen còn dễ làm đất thoái hóa, phát sinh sâu bệnh ảnh hưởng cây lúa nên tỉnh không khuyến khích” - một cán bộ nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long cho biết.
Xuất hiện cò đất sét!
UBND huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh cho biết hiện nay, người dân muốn cải tạo ruộng bằng cách bán lớp đất sét phải xin phép. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lén lút bán mà không xin phép. Từ năm 2013 đến nay, Phòng Tài nguyên và Môi trường của huyện đã xử lý 31 trường hợp khai thác đất sét trái phép, xử phạt hành chính trên 300 triệu đồng. Để tránh bị xử phạt, chủ các cơ sở làm gạch thô không trực tiếp thu mua nữa mà sử dụng cò.
“Ở xã Song Lộc đã xảy ra chuyện cò tìm đến cán bộ xã nhờ họp dân thông báo cần mua cả trăm hecta nhưng bị từ chối” - ông Hiệp kể.
Bình luận (0)