Chiều 25-5, Quốc hội thảo luận tổ về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014 và những tháng đầu năm 2015.
Sau 15 năm, nông nghiệp không thay đổi
Tại tổ TP HCM, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Võ Thị Dung làm các ĐB khác bất ngờ khi đưa ra một tờ báo từ 15 năm trước có bài viết của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về tình hình nông nghiệp. “Bài báo nêu nông nghiệp nan giải, người sản xuất bị dồn vào thế bí, vừa bị giảm giá vừa không bán được hàng vừa phải đối mặt với diễn biến mưa lũ. Sau 15 năm, tình hình hiện nay vẫn như thế” - bà Dung lo lắng.
Trong khi đó, theo bà Dung, báo cáo của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và Bộ Công Thương về giải quyết sản phẩm đầu ra nông sản chỉ thấy nói đến tiêu thụ chỗ này một chút, chỗ kia một chút. Cái gốc vấn đề là sản xuất như thế nào, chất lượng như thế nào để cạnh tranh thì không thấy bóng dáng đâu.
ĐB Phạm Trường Dân (Quảng Nam) nói: “Việc tiêu thụ nông sản của nông dân đã được nêu trong nhiều kỳ họp QH nhưng đến nay vẫn chưa tìm được lối ra. Cứ lặp đi, lặp lại điệp khúc “được mùa mất giá” nhưng nhà nước vẫn chưa có biện pháp thấu đáo nào. Nếu nông sản tiêu thụ không được, diện cận nghèo và hộ nghèo sẽ tăng lên”. Ông Dân đề nghị Chính phủ cần có đề án riêng, có lộ trình tiêu thụ nông sản cho nông dân, có thể chế biến ngay trong nội địa để thu mua nông sản người dân, tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
Bi quan hơn, chuyên gia kinh tế, ĐBQH Trần Hoàng Ngân nói thẳng: “Nền nông nghiệp Việt Nam từ là lợi thế giờ thành thách thức. Cần có nghị quyết hỗ trợ nông dân, ổn định nền nông nghiệp quốc gia”.
Lỗ thủng quy hoạch
Đi thẳng vào lĩnh vực đang bộc lộ nhiều tồn tại hiện nay trong nông nghiệp là vấn đề quy hoạch, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP HCM Trần Du Lịch đánh giá sản xuất nông nghiệp hiện nay là “bán thứ sản xuất được chứ không phải bán thứ thị trường cần”. “Nhà nước đang để nông dân làm theo phong trào, chịu tác động thị trường. Gần đây, người dân bỏ mọi thứ để đi trồng cây mắc ca. Quản lý nhà nước gì mà cứ để người dân làm tự phát, dẫn đến chao đảo. Việc này rất nguy hiểm” - ông Lịch gay gắt.
Chia sẻ lo lắng này, một ĐB kiến nghị: “Đây không còn là lúc có thể trông đợi vào những giải pháp tình thế mà cần căn cơ. Đó là Bộ NN-PTNT phải làm tốt, cụ thể hơn về quy hoạch sản xuất, diện tích, sản lượng... ”.
Đặt ra câu hỏi “giải pháp nào cho sản xuất nông nghiệp?”, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân (Hải Dương) đồng ý với việc cơ chế thị trường được mùa mất giá thì đương nhiên và phải chấp nhận khi cung nhiều hơn cầu. Nhưng, theo bà Ngân, nhà nước phải định hướng, không để nông dân cứ chạy theo trồng cây này, nuôi con kia rồi năm sau lại phải chặt phá đi.
Bộ trưởng Công Thương nhận trách nhiệm
Với đa số phát biểu của ĐBQH tập trung vào vấn đề nông sản gặp khó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết tiêu thụ nông sản bị ế, dư thừa xảy ra trong nhiều năm qua trách nhiệm không phải hoàn toàn do nông dân. “Tôi xin khẳng định, trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước; của rất nhiều bộ, ngành chứ không phải riêng bộ, ngành nào. Ở đây là một khâu liên hoàn, từ quy hoạch đến tổ chức sản xuất, liên kết giữa nông dân và người tiêu thụ. Tôi muốn nhấn mạnh như vậy không phải để xuê xoa, xoa dịu nông dân” - ông Hoàng giãi bày và nói thêm rằng đối với những sản phẩm hiện trồng theo đúng quy hoạch thì gần như không có biến động nhiều về mặt thị trường. Song, đối với dưa hấu, do là cây ngắn ngày, bà con nông dân có thể trồng xen vụ, giữa hai vụ lúa thì làm sao mà quy hoạch được, làm sao biết được bà con trồng bao nhiêu để dự báo, có thể nói rất là khó.
Ngân sách chi cho nhiều đề tài khoa học “lạ”
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết vừa rồi Thủ tướng đã tiếp xúc với các nhà khoa học “chân đất”, thấy một nghịch lý là những nhà khoa học này chưa bao giờ tiếp cận được nguồn vốn nghiên cứu khoa học kỹ thuật mà QH hằng năm vẫn thông qua, trong khi có những đề tài rất “lạ” sử dụng bằng nguồn Quỹ Khoa học quốc gia. Ví dụ như đề tài nghiên cứu “Tính chất thanh niên Huế” hay “Nghiên cứu về văn hóa giao tiếp ứng xử của nhân viên hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam”, lạ còn vì có cả hội đồng thẩm định hẳn hoi.
Phải thường xuyên thông tin về biển Đông
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Bùi Đức Thụ (Lai Châu) bày tỏ lo lắng về tình trạng biển đảo, biển Đông “chưa lặng sóng”. “Với điều kiện kinh tế, tài chính hiện nay, ứng phó với việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thế nào. Đây là thách thức lớn” - ông Thụ quan ngại.
Đề cập về tình hình biển Đông, ĐB Võ Thị Dung cho biết người dân đang có nhiều bất bình. “Giờ Trung Quốc mở rộng các đảo, lấn chiếm như thế nhưng truyền thông nhà nước về vấn đề này còn hạn chế. Những điều đó làm cho người dân không yên tâm, không chỉ về tâm tư, tình cảm, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền mà còn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế” - bà Dung thẳng thắn và đề nghị Chính phủ phải thường xuyên thông tin chính thống về chủ quyền quốc gia cho người dân.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhìn nhận: “Báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ phần nói về chủ quyền quốc gia chưa đậm nét mặc dù thời gian qua, chúng ta đã làm rất nhiều việc”.
Tăng trưởng có nguy cơ bị kéo giảm do nông sản gặp khó
Trước hàng loạt ý kiến về bức tranh nông nghiệp, nông sản hiện nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh cảnh báo: “Nếu không có giải pháp tháo gỡ mạnh, đến tháng 10 này, tăng trưởng kinh tế sẽ bị kéo giảm do nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của phần lớn người dân”.
Ông Vinh cho biết nông nghiệp năm nay đối mặt với nhiều thách thức, dự báo xấu đi nhiều. Thị trường xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp bị thu hẹp, ế ẩm... Những việc như hỗ trợ mua dưa hấu vừa qua chỉ mang tính sẻ chia còn nhiều mặt hàng khác đang giảm cả về lượng và giá. “Doanh nghiệp cao su cho biết giá lúc đỉnh là 150 triệu đồng/tấn, nay chỉ còn 25 triệu đồng/tấn. Nhiều nơi bắt đầu chặt cây cao su. Đây không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn ý nghĩa chính trị. Ở miền Nam trồng lâu nhưng ở Tây Bắc mới trồng được vài năm, chưa thu hoạch nhưng giờ càng làm càng lỗ, vậy phải làm sao?” - ông Vinh dẫn chứng.
“Tư lệnh” Bộ KH-ĐT cho hay Việt Nam đang đối mặt với 3 vấn đề trong xuất khẩu gạo: sản xuất quá nhiều nhưng chất lượng kém, không đủ cạnh tranh với các nước; một số nước bắt đầu chính sách bảo hộ nông nghiệp, khuyến khích sản xuất trong nước (như Indonesia), Trung Quốc đang thừa gạo nên có thể không nhập nhiều gạo Việt Nam như trước; số lượng các nước tham gia xuất khẩu gạo tăng trong khi thị trường thu hẹp. Có những nước chỉ có nhập chứ không xuất, nay lại xuất (Ấn Độ, Pakistan, Campuchia…) dẫn đến Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt. Nếu mỗi năm đặt mục tiêu xuất khẩu 6-7 triệu tấn gạo thì không thể có thị trường.
“Chính phủ tốt là Chính phủ phản ứng nhanh nhạy với tình hình bên ngoài, ứng phó tốt với tình hình bên trong. Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 27-5, tôi sẽ báo cáo 3 vấn đề nói trên” - ông Vinh nhấn mạnh và cho biết cùng với nông sản, doanh nghiệp trong nước- từ doanh nghiệp vừa và nhỏ đến các tập đoàn lớn- vẫn rất khó khăn dù nhà nước đã có nhiều giải pháp như cho vay ưu đãi, tháo gỡ nợ xấu, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh... “Nếu họ không phát triển thì chúng ta không có căn cứ gì để phát triển” - ông Vinh chia sẻ.
B.Trân - Ng.Phan
Bình luận (0)