“Tôi đọc báo thấy bên Trung Quốc, người ta phát hiện táo đỏ Fuji nhiễm độc. Loại táo này bán đầy ở nước ta. Các anh phải làm sao tìm cách cảnh báo người tiêu dùng nhé!”. “Chúng tôi là dân Kon Tum, rất bức xúc vì địa phương còn nghèo mà bỏ ra gần 1.000 tỉ đồng xây dựng một con đường hoành tráng 6-8 làn xe nhưng chẳng có xe cộ nào qua lại. Dân địa phương tận dụng đường này phơi nông sản, lội bộ thăm nương rẫy…, rất lãng phí”…
Trên đây chỉ là vài cuộc điện thoại trong hàng chục, hàng trăm lần gọi của bạn đọc cung cấp thông tin qua đường dây nóng Báo Người Lao Động hằng ngày. Khi những thông tin đó được chuyển tải thành sản phẩm báo chí, người làm báo chúng tôi vừa biết ơn bạn đọc vừa hài lòng vì phần nào đã thể hiện được sứ mệnh của mình. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, không ít thông tin từ bạn đọc cung cấp nhưng báo chưa hoặc không thể thực hiện. Khi đó, chúng tôi cảm thấy hết sức áy náy.
Trong hàng chục, hàng trăm cuộc điện thoại mỗi ngày qua đường dây nóng, chiếm phần lớn là những bức xúc của công nhân lao động. Chuyện người lao động bị giới chủ chèn ép, lừa lọc, không ký hợp đồng lao động, không đóng BHXH, BHYT, buộc tăng ca quá sức, “xù” lương… luôn làm chúng tôi trăn trở.
Chúng tôi cũng cảm thấy rất vui vì khi có bất cứ chuyện gì, bạn đọc cũng điện thoại tới đường dây nóng. Một hôm, khoảng cuối chiều, một phụ nữ ở quận 11-TPHCM gọi điện gắt gỏng: “Tại sao không đến lấy rác ở hẻm tôi? Hai ngày rồi, thối um cả xóm”. Rạng sáng, chuông điện thoại reo dồn, một giọng đàn ông tỉnh rụi: “Ủa, đường dây nóng chưa ngủ hả? Thôi, ngủ đi!”. Đôi khi, do điện thoại chưa sạc kịp nên hết pin, người giữ máy đi trên đường ồn ào không nghe được chuông…, không ít bạn đọc lại nghiêm khắc: “Đường dây… lạnh chứ nóng gì mà như thế!”…
Bình luận (0)