Sáng 2-10, Thành ủy TP HCM đã tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn giai đoạn 2011-2015.
Những con số ấn tượng
Báo cáo kết quả 5 năm thực hiện nông thôn mới, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Liêm khẳng định bộ mặt các huyện ngoại thành của TP thay đổi rõ rệt, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên. Nếu năm 2008 - năm đầu tiên thực hiện nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn - thu nhập bình quân khu vực nông thôn tại 56 xã xây dựng nông thôn mới chỉ 15,72 triệu đồng/người/năm, năm 2010 lên 23,17 triệu đồng thì đến năm 2014 đã là 39,72 triệu đồng. Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn ngày càng hẹp dần. Năm 2008, thu nhập bình quân đầu người ở thành thị là 28,32 triệu đồng/người/năm, cao gấp 1,8 lần so với vùng nông thôn, đến năm 2010 cao gấp 1,5 lần và cuối năm 2014 chỉ còn 1,27 lần.
Ngoài ra, tính đến tháng 9-2015, tổng kinh phí thực hiện chương trình là hơn 41.870 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương hơn 20 tỉ đồng, ngân sách TP HCM hơn 9.485 tỉ đồng, vốn huy động từ cộng đồng hơn 32.366 tỉ đồng (chiếm hơn 77%). TP đã huy động nguồn lực xã hội đầu tư hơn 7.800 công trình về giao thông, trường học, chợ, nhà ở, trạm cấp nước phục vụ đời sống người dân các huyện ngoại thành.
“Đây là những con số ấn tượng, minh chứng sinh động cho hiệu quả chương trình nông thôn mới ở TP HCM. Thành công của chương trình, ngoài vai trò lãnh đạo của Đảng và sự gương mẫu, tiên phong, nòng cốt của cán bộ còn là sự đồng lòng, thống nhất cao của người dân khi chung sức xây dựng nông thôn mới” - ông Liêm nhấn mạnh. Sự đồng lòng, thống nhất cao đó được biểu hiện rõ nhất thông qua việc người dân hiến hơn 2 triệu m2 đất để xây dựng cơ sở hạ tầng; 1 đồng vốn ngân sách đã huy động được 33 đồng vốn trong dân, cộng đồng, doanh nghiệp để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp.
Theo ông Liêm, cách làm của TP HCM là tuyên truyền cho người dân hiểu rõ nội dung, phương pháp và cơ chế, chính sách của nhà nước về xây dựng nông thôn mới; giúp họ nhận thức được mình là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp đô thị. “Tính đến tháng 9-2015, TP đã có 3/5 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới” - ông Liêm thông tin.
Không được tự bằng lòng
Đánh giá về chương trình nông thôn mới, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải cho rằng chương trình đã có những cách làm hay, thiết thực, mang lại hiệu quả cao. “Kết quả xây dựng nông thôn mới ở TP cho thấy đây là chủ trương được nhân dân đồng tình, hưởng ứng tích cực” - ông nhận định.
Theo ông Lê Thanh Hải, ngay từ khi đất nước thống nhất đến nay, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được lãnh đạo Thành ủy TP HCM các nhiệm kỳ quan tâm đặc biệt. Năm huyện ngoại thành là căn cứ cách mạng, vành đai diệt Mỹ trong kháng chiến đã trải qua rất nhiều gian khổ, hy sinh. Đây cũng là vành đai xanh, cung cấp thực phẩm, nông sản cho sản xuất và cuộc sống của nhân dân TP.
“Do vậy, xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm đền ơn đáp nghĩa với mục tiêu hàng đầu là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho nông dân và dân cư ngoại thành; tăng trưởng nông nghiệp bền vững, tạo diện mạo trù phú cho nông thôn, góp phần quan trọng ổn định và phát triển TP” - Bí thư Thành ủy khẳng định.
Ông Lê Thanh Hải lưu ý các cấp không được tự bằng lòng mà phải phấn đấu khắc phục những hạn chế, khuyết điểm để chương trình nông thôn mới tiếp tục phát triển, mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân và diện mạo nông thôn mới cho TP HCM. Ban Chỉ đạo của Thành ủy về chương trình xây dựng nông thôn cần nhận thức đúng đắn, sâu sắc mục tiêu cuối cùng của xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nông dân và dân cư nông thôn. “Họ là chủ thể của quá trình xây dựng. Cần quán triệt quan điểm này trong xây dựng chính sách, chỉ đạo và tổ chức thực hiện” - ông nhắc nhở.
Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải cũng yêu cầu các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới không chỉ dừng lại ở việc giữ vững mà phải nỗ lực, tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí; các cấp, ngành thực hiện nông thôn mới không được để xảy ra tiêu cực, bòn rút nguyên liệu, vật tư; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia xây dựng nông thôn mới.
Địa phương dẫn đầu
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhận định TP HCM là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị lớn của cả nước; là địa phương năng động, sáng tạo, đi đầu trong nhiều lĩnh vực. Từ thực tiễn và thành công của TP HCM, nhiều cơ chế, chính sách quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội được ban hành và áp dụng chung cho cả nước. Với tư duy đổi mới, vận dụng sáng tạo chủ trương, quan điểm, chính sách chung vào điều kiện thực tế, tinh thần trách nhiệm cao trong triển khai thực hiện cùng với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân, chương trình xây dựng nông thôn mới của TP đã đạt được những kết quả ấn tượng.
“TP HCM là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng và chất lượng tiêu chí đạt được, nhiều tiêu chí cao hơn mức quy định của trung ương. Những kết quả đạt được của TP đã góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước về phát triển kinh tế - xã hội nói chung, xây dựng nông thôn mới nói riêng” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bình luận (0)