xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nông trường Sông Hậu: Bức xúc chưa được giải tỏa

Quốc Dũng - Ca Linh

Hàng chục năm qua, nhiều nông trường viên Nông trường Sông Hậu bị mất quyền làm chủ ngay trên chính mảnh đất của mình

Trước kiến nghị của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đình chỉ điều tra đối với bà Trần Ngọc Sương, nguyên giám đốc Nông trường Sông Hậu (NTSH), nhiều nông trường viên (NTV) bày tỏ bức xúc, không  đồng tình.

Ăn chia không công bằng

Trở lại NTSH, chúng tôi cảm nhận cuộc sống của NTV đang có những thay đổi so với thời bà Sương còn làm giám đốc. Điều này được các NTV minh chứng: Trước đây, khi thu hoạch lúa, nông trường cho ghe vào ruộng chở tất cả về nhập kho. Sau khi trừ hết các khoản thu, mỗi NTV chỉ được chừa lại vài trăm kg lúa để ăn. “Một gia đình năm, bảy miệng ăn mà chỉ với bấy nhiêu lúa sao đủ ăn để chờ đến mùa lúa mới” – lão nông Nguyễn Văn Cứ than.

Còn chuyện cày xới đất, thời điểm đó cũng bị nông trường “độc quyền” làm dịch vụ. Họ bắt buộc NTV phải thuê mướn máy cày, máy xới của nông trường với giá cao. NTV không có tiền mặt trả, tới mùa lúa thanh toán thì phải chịu thêm lãi suất. Ông Nghĩa, một NTV cho hay kể từ sau khi bà Sương bị bắt điều tra, NTV như thoát khỏi cảnh bị quản chế. “Bây giờ nông dân có thể tự do lựa chọn dịch vụ làm đất giá thấp nhất ở bên ngoài, còn lúa làm xong có ghe vào tận ruộng thu mua” - ông Nghĩa nói.   

img
Nhiều nông trường viên bức xúc vì bị ban giám đốc Nông trường Sông Hậu chiếm giữ bằng khoán nhiều năm.
Họ phải thuê lại chính mảnh đất của mình để canh tác và sinh sống. Ảnh: Quốc DŨNG
Đối với hàng chục NTV ở khu vực ấp 8 (khu 8 cũ, theo cách gọi của NTSH), xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, NTSH vẫn còn nợ họ nhiều thứ. Ông Trương Văn Hảo, sinh năm 1927, cho biết trước đây ông hợp đồng với NTSH nhận 26 ha đất. Trên đó, ông tiếp tục hợp đồng với nông trường lấy 20 công để  trồng chuối, thời hạn 5 năm. “Đến năm thứ 3 thì nông trường yêu cầu tôi chặt bỏ toàn bộ 20 công chuối để trồng bạch đàn.
Khi đó, tôi chỉ được nhận 5,3 triệu đồng và cứ nghĩ đó là tiền công chặt bỏ chuối và dọn cỏ để trồng bạch đàn. Rồi 20 công đất đó tôi hợp đồng với nông trường trồng 20.000 cây bạch đàn, 5 năm thu hoạch chia đều 3 phần gồm: Tôi, nông trường và Nhà nước. Thế nhưng đến khi thu hoạch, nông trường bán toàn bộ số bạch đàn trên với giá 196 triệu đồng, tôi không được hưởng đồng nào công chăm sóc suốt 5 năm. Khi tôi thắc mắc thì bà Sương bảo đã trả công từ trước với số tiền 5,3 triệu đồng rồi” – ông Hảo nói.

Tay trắng hoàn trắng tay

Cuộc sống của NTV ở NTSH đang từng bước được thay đổi sau khi bà Sương không còn làm giám đốc. Nhưng điều mà hầu hết các NTV lo lắng nhất là sau hàng chục năm làm lụng, lao động vất vả đến giờ họ vẫn nghèo vẫn hoàn nghèo. Nhiều NTV cho rằng họ đã đóng biết bao nhiêu khoản thu cao ngất ngưởng cho NTSH, cũng đã làm trách nhiệm bồi hoàn cho chủ đất cũ (2 tấn lúa/ha) nhưng vẫn không được làm chủ mảnh đất của mình. 

Ông Nguyễn Văn Cứ (ngụ ấp 8, xã Thới Hưng)  cho biết có 2 ha đất do ông bà để lại, được cấp bằng khoán (cũ) nhưng nằm trong quy hoạch của NTSH. Từ 1990, gia đình ông vào nhận đất nhưng hằng năm đều phải đóng “định mức khoán” 1.743 kg lúa/2 ha đất của mình. Tương tự, ông Phạm Thành Sữa, cũng ngụ ấp 8, có 3 ha đất nguồn gốc của gia đình và cũng có bằng khoán bị nông trường “trưng dụng”. Nhưng khi vào nông trường nhận diện tích đất trên để canh tác, ông Sữa vẫn phải chịu đóng “định mức khoán” như bao nhiêu người không có đất khác.

Nhiều hộ có đất gốc của gia đình bị nằm trong phạm vi quy hoạch của NTSH cho biết họ đều bị ban giám đốc nông trường  chiếm giữ bằng khoán nhiều năm liền, đến bây giờ vẫn chưa được trả lại. Theo xác nhận của các NTV, khoảng năm 1993, nông trường yêu cầu NTV giao bằng khoán cũ để nông trường làm lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới. Nghe vậy ai cũng mừng và tin tưởng nên đã giao nộp, nhưng đã bị chiếm giữ. Hiện nay, phần đông NTV chẳng có một tấm giấy lận lưng, mặc dù sống và lao động ngay trên mảnh đất của mình. Không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, họ không thể vay vốn ngân hàng để sản xuất. Về chuyện này, nhiều lần NTV kêu cứu lên chính quyền các cấp nhưng yêu cầu cấp giấy tờ đất của họ vẫn chưa được giải quyết.

Khiếu kiện kéo dài

Hiện nay, NTSH đang còn nợ các ngân hàng hơn 290 tỉ đồng. Trong đó, Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Cần Thơ đã khởi kiện NTSH ra tòa dân sự về việc vay nợ quá hạn, kéo dài không thanh toán. Về việc này, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết UBND TP đã có văn bản đề xuất với Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét. Chính phủ cũng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước làm việc với các ngân hàng thương mại và địa phương để xử lý các khoản nợ này.

Cũng theo ông Đào Anh Dũng, từ khi thay đổi ban giám đốc, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng hoạt động của NTSH đến thời điểm này vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu vốn, tỉ lệ bà con ký hợp đồng với nông trường ít nên hiệu quả sản xuất không cao. Bên cạnh đó, NTV vẫn còn khiếu kiện việc thu dư, thu vượt xảy ra tại nông trường, yêu cầu trả giấy chứng thư cũ (bằng khoán) đã nộp cho nông trường khi họ nhận tiền bồi hoàn, đòi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho từng hộ…

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo