Liên quan đến lá đơn “xin ở tù thay” cho bà Trần Ngọc Sương có chữ ký của 110 nông trường viên ở Nông trường Sông Hậu (NTSH), ngày 23-2, Thượng tá Lê Hoàng Bé, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ, cho biết: “Việc này là do bà Sương có sự trợ giúp của các luật sư tạo ra lá đơn “xin ở tù thay”.
Bà Trần Ngọc Sương sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm. (Ảnh do Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ cung cấp)
Thực hư chuyện xin ở tù thay?
Lá đơn “xin ở tù thay” vào ngày 14-11-2009 đã được gửi cho Thường trực và Thường vụ Thành ủy TP Cần Thơ, Thường trực UBND TP Cần Thơ, Chánh án TAND TP Cần Thơ, Viện trưởng VKSND TP Cần Thơ. Trong đơn viết: “Để tỏ lòng biết ơn của chúng tôi đối với cô Ba (bà Trần Ngọc Sương – PV)... chúng tôi xin ở tù thay cho cô Ba, nếu quan tòa quyết đưa cô Ba Sương vào tù (mỗi người chúng tôi xin ở thay cho cô Ba Sương 1 tháng), vì tội của cô Ba Sương là tội chỉ lo cho mọi người chứ không có động cơ vụ lợi cho cá nhân”.
Cơ quan chức năng xác minh, trong số 110 người trên chỉ có 5 người ký đơn đề nghị xin giảm án cho bà Trần Ngọc Sương, chứ không phải “xin ở tù thay”. Năm người đó gồm: Trần Thị Tuyết Thu, Dương Quang Thái, Nguyễn Thanh Phong, Nguyễn Thị Thu Ba, Trần Hồng Lạc - vốn là thân nhân, họ hàng với bà Sương. Những người còn lại không phải là nông trường viên và họ cho rằng không hề ký vào lá đơn này.
Không thể bán nông trường để trả nợ
Theo báo cáo ngày 27-11-2009 của NTSH, nông trường làm ăn không hiệu quả, bị thua lỗ, tổng lỗ lũy kế là 280,3 tỉ đồng, trong đó có các khoản nợ ngân hàng tính đến nay là hơn 151 tỉ đồng (tính cả lãi suất là hơn 290,4 tỉ đồng). Giá trị toàn bộ tài sản nông trường chỉ có 67,4 tỉ đồng. Hiện nay, Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Cần Thơ đã khởi kiện NTSH ra tòa dân sự về việc vay nợ quá hạn, kéo dài không thanh toán.
Đại tá Lê Việt Hùng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ, cho biết: “Không thể bán nông trường để trả nợ vì đây là đất của Nhà nước. Còn việc xuất ngân sách chi trả thì hiện nay Thủ tướng Chính phủ chưa có ý kiến chỉ đạo”.
Theo bản kết luận điều tra lại của cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ, từ tháng 1-2001 đến tháng 12-2007, giám đốc Trần Ngọc Sương cùng phó giám đốc phụ trách tài chính Trương Hồng Nhung chỉ đạo lập quỹ trái phép trên 10,1 tỉ đồng và đã sử dụng trái nguyên tắc với tổng số tiền trên 5 tỉ đồng. Trong đó, gồm các khoản: Chi cho bà Trần Ngọc Sương sử dụng cá nhân hơn 3,8 tỉ đồng; chi lương trợ cấp hằng tháng (từ tháng 1-2001 đến tháng 12-2006) cho Nguyễn Quang Lâm (nguyên phó giám đốc, đã chết từ tháng 11-1996) 72 triệu đồng; chi cho Trương Hồng Nhung 38,7 triệu đồng, biếu tặng các cá nhân ở Trung ương và địa phương hơn 678 triệu đồng, chi cho các cá nhân đoàn kiểm toán đến NTSH 233 triệu đồng...
Hiện Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ đã kết thúc điều tra và chuyển toàn bộ hồ sơ sang VKSND TP Cần Thơ đề nghị truy tố các bị can: Trần Ngọc Sương, Trương Hồng Nhung, Đặng Thế Quốc Hưng, Nguyễn Văn Sơn và Hoàng Thị Bình về tội “lập quỹ trái phép”. Đồng thời, tách hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đối với việc thu vượt định mức hơn 33 tỉ đồng, xóa nợ gần 7,6 tỉ đồng, 14.000 USD và số tiền khoảng 301 triệu đồng do bàTrần Ngọc Sương chiếm dụng có dấu hiệu tham ô để điều tra, làm rõ, xử lý sau.
Tôi sẽ kiện về tội vu khống!
Bà Trần Ngọc Sương, nguyên giám đốc Nông trường Sông Hậu, nói như thế với phóng viên Báo Người Lao Động vào chiều 23-2
* Phóng viên: Nhận định của bà về nội dung bản kết luận điều tra lần này?
- Bà Trần Ngọc Sương: Tôi hoàn toàn không đồng ý. Ngay khi nhận “bản kết luận điều tra” từ Công an TP Cần Thơ, tôi đã ghi rõ ý kiến của mình vào tờ biên bản giao-nhận, rằng tôi hoàn toàn không đồng ý với toàn bộ nội dung kết luận của cơ quan CSĐT vì đã đánh giá sai lệch bản chất sự việc và hành vi của tôi. Việc đề nghị truy tố tôi về tội “lập quỹ trái phép” là không có căn cứ pháp luật, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
* Bà có thể cho biết nội dung của cụ thể?
- Về số tiền hơn 20 tỉ đồng mà cơ quan điều tra xác định là “nguồn quỹ trái phép” được lập trong giai đoạn 1 (từ 1994-1999, khi cha bà Sương còn là giám đốc và bà Sương là phó giám đốc nông trường- PV), theo tôi biết nó được xác định từ một bản liệt kê thiếu cơ sở trên tờ giấy A4 không có chữ ký, không ghi ngày tháng.
Trong khi đó, khoảng hơn 10 tỉ đồng “quỹ trái phép” lập trong giai đoạn 2 mà cơ quan điều tra đề cập đã không xét kỹ và tách bạch các khoản vay, nguồn thu, nguồn chi trả lãi... mà chúng tôi đã thực hiện trong giai đoạn nông trường gặp khó khăn.
Trong vụ án này, tôi không được đối chất đầy đủ với những người liên quan và việc giám định lại tài chính của bị can cũng như luật sư đã không được đáp ứng.
* Cơ quan CSĐT cho biết chỉ có 5 người xác nhận làm đơn xin ở tù thay bà và họ thực hiện điều này theo yêu cầu của bà?
- Tôi yêu cầu cơ quan điều tra đưa ra bằng chứng về việc này, nếu không, tôi sẽ kiện về tội vu khống, bịa đặt. Những ngày đó, tôi đau ốm, đứng trước vành móng ngựa còn không vững, làm sao có thể lặn lội khắp nông trường để vận động mọi người ở tù thay? Giả sử nếu thực sự tôi có đích thân đi làm cái việc đó thì người ký ủng hộ phải là con số hàng ngàn, chứ không phải chỉ là trăm người đâu.
* Vậy bà có nguyện vọng gì ở thời điểm này?
- Tôi đề nghị VKSND TP Cần Thơ và các cơ quan tiến hành tố tụng cấp Trung ương cần xem xét lại vụ án, đình chỉ điều tra vụ án và điều tra bị can đối với tôi.
Qúy Lâm thực hiện |
Bình luận (0)