Tại cuộc họp báo quý I của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức chiều 3-4, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã trả lời báo chí nhiều vấn đề xung quanh thông tin về vụ tiêu cực của tập đoàn thép POSCO (Hàn Quốc), công ty Louis Berger Group (Mỹ) và về việc Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) yêu cầu hoàn trả tiền tư vấn thiết kế đã giải ngân theo gói thầu của Tập đoàn tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) tại Dự án đường sắt đô thị số 1 Hà Nội.
Qũy đen lên đến 20 tỉ won?
Báo chí Hàn Quốc vừa đưa tin các công tố viên nước này đang mở rộng điều tra cáo buộc Công ty Cơ khí và Xây dựng POSCO E&C (công ty con của Tập đoàn thép POSCO) lập quỹ đen trị giá ít nhất 10 tỉ won (gần 199 tỉ đồng) trong lúc tiến hành các dự án xây dựng ở Việt Nam giai đoạn 2009-2012.
Cựu giám đốc chi nhánh của POSCO E&C ở Việt Nam trong giai đoạn 2009-2011, một người đàn ông họ Park, đã bị bắt vì cáo buộc rút 4 tỉ won từ quỹ đen nói trên để chuyển về nước. Các công tố viên đã thu giữ một số ổ đĩa cứng và nhiều tài liệu sau khi lục soát nhà của ông Chung Dong-hwa, cựu Phó Chủ tịch POSCO E&C, hôm 27-3 do tình nghi ông này đã ra lệnh hoặc ít ra là thông đồng với ông Park.
Trước đó, POSCO đã thực hiện điều tra nội bộ và đến tháng 7-2014, tập đoàn này thông báo 12 nhân viên của POSCO E&C đã lập quỹ đen trị giá hơn 10 tỉ won bằng cách thổi phồng khoản tiền trả cho các nhà thầu phụ ở Việt Nam trong giai đoạn 2009-2012. Dù ông Park và POSCO E&C biện hộ rằng quỹ đen này là tiền “lại quả” cho các nhà thầu phụ ở Việt Nam nhưng các nhà điều tra đã tìm thấy bằng chứng một phần lớn số tiền của quỹ được chuyển về Hàn Quốc để dùng cho mục đích khác. Họ cũng tin rằng số tiền thật sự của quỹ đen có thể lên đến 20 tỉ won.
Rà soát lại các gói thầu
Về vụ việc này, chiều 3-4, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định Bộ GTVT chưa nhận được thông tin chính thống nào từ phía Hàn Quốc cũng như của POSCO. Theo ông Trường, việc thanh toán giữa nhà thầu chính và nhà thầu phụ theo phương thức nào thuộc thẩm quyền của nhà thầu chứ Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC, chủ đầu tư - PV) và Bộ GTVT không can thiệp.
“VEC chỉ thanh toán theo khối lượng hoàn thành thực tế cho nhà thầu chính sau khi được tư vấn giám sát và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chấp thuận cũng như theo quy định của pháp luật” - ông Trường nói.
Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai được thực hiện bằng vốn của ADB với tổng mức đầu tư 1,2 tỉ USD, triển khai từ năm 2009 và đưa vào khai thác, sử dụng cuối năm 2014. Dự án gồm 8 gói thầu được thực hiện bằng đấu thầu quốc tế, trong đó nhà thầu POSCO trúng 3 gói thầu A 1, A 2 và A 3. Ông Trường khẳng định cả 8 gói thầu đều được đấu thầu quốc tế, có nhà tài trợ kiểm soát, kiểm tra và dự án đã thực hiện đúng theo quy định quốc tế.
“Vừa qua, đánh giá chung thì tất cả các gói đấu thầu so với giá ban đầu đưa ra trong dự toán đều thấp hơn từ 15%-30%, thể hiện tính cạnh tranh rất quyết liệt trong đấu thầu dự án” - ông Trường nhận định.
Riêng đối với nhà thầu POSCO, ông Trường khẳng định đây là tập đoàn lớn của Hàn Quốc, đầu tư nhiều dự án ở Việt Nam. Ngoài 3 gói thầu tại dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai, họ còn tham gia vào gói thầu số 3 và số 5 của dự án đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây. Hiện các công trình này đã đưa vào sử dụng, đều đáp ứng được chất lượng về đầu tư xây dựng cơ bản.
Với dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, qua đánh giá sơ bộ của Kiểm toán nhà nước, các dự án đều thực hiện đúng quy định đề ra. Việc có thông tin POSCO lập quỹ đen để hối lộ, theo ông Trường, phải chờ thông tin chính thức từ Hàn Quốc cũng như POSCO. Tuy nhiên, sau khi nghe thông tin qua báo chí, Bộ GTVT đã yêu cầu các cơ quan liên quan chủ động rà soát lại các gói thầu của POSCO làm cơ sở để trả lời phía Hàn Quốc. Khi có thông tin cụ thể hơn, bộ sẽ cung cấp cho báo chí.
Không thực hiện dự án thì phải trả tiền
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho hay vụ việc Tập đoàn JTC đưa hối lộ vẫn đang trong quá trình điều tra và chưa có kết luận cuối cùng nên phải chờ đến khi kết thúc mới biết được mức độ hình sự như thế nào.
Ông Trường cho biết dự án Yên Viên - Ngọc Hồi mới thực hiện gói thầu tư vấn thiết kế, mà gói thầu này chưa tiến hành nghiệm thu. Trong quá trình đó phải chi tiền ra để ứng trước cho nhà thầu. Nếu dự án này thực hiện một cách bình thường thì việc chi trả không vấn đề gì nhưng dự án hiện nay đang tạm dừng.
“Nhà tài trợ đã cấp tiền mà dự án lại không thực hiện nên họ đòi Bộ GTVT trả lại tiền tài trợ cho gói thầu tư vấn thiết kế. Việc này đúng theo thông lệ quốc tế. Đó là quy định bắt buộc mà bất cứ quốc gia nào cũng phải thực hiện. Không thực hiện dự án thì phải trả lại tiền!... Khi nào dự án tiếp tục triển khai thì họ lại tiếp tục cho vay” - ông Trường nói.
Về tổng số tiền phải hoàn trả cho JICA là bao nhiêu, ông Trường cho biết đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt tiếp tục rà soát lại hợp đồng vì trong số tiền ODA của phía Nhật Bản cấp cho dự án này có cả tiền viện trợ không hoàn lại và có tiền nằm trong vốn vay. Tiền viện trợ không hoàn lại sẽ không phải trả, còn tiền trong vốn vay phải hoàn lại. Hiện Ban quản lý dự án đường sắt và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang làm việc với nhà tài trợ cũng như đơn vị tư vấn thiết kế dự án này để đưa ra con số cuối cùng, sau đó Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ.
Đường sắt đô thị chậm gần 2 năm
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, so với hợp đồng ký kết, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chậm gần 2 năm. Tiến độ điều chỉnh là hoàn thành ngày 31-12-2015. Hiện dự án đang gặp nhiều khó khăn từ năng lực nhà thầu, cách điều hành của ban quản lý. Bộ GTVT đang từng bước khắc phục bằng cách yêu cầu tổng thầu Trung Quốc bảo đảm nhân sự đầy đủ theo hợp đồng. “Chúng tôi tin tưởng cuối năm 2015 sẽ cơ bản hoàn thành phần bê -tông, sắt thép. Còn đoàn tàu và điện thì phụ thuộc vào nhà sản xuất” - ông Trường cho biết.
Thêm nghi án nhận hối lộ
Liên quan đến việc Ngân hàng Thế giới (WB) “cấm cửa” Công ty Louis Berger Group (Mỹ) tham gia vào các dự án sử dụng vốn của mình do đưa hối lộ tại dự án giao thông nông thôn 3 và dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tại TP Đà Nẵng, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết Bộ GTVT chưa nhận được thông tin về vụ việc này. “Sau khi nhận được thông tin, chúng tôi sẽ cung cấp cho báo chí” - ông Trường khẳng định.
Theo ông Hồ Tường Huy, Phó trưởng Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng, Công ty Louis Berger Group tham gia nhiều dự án ở Đà Nẵng. Trong quá trình thiết kế, tư vấn giám sát các công trình Đà Nẵng, nhà thầu này đấu thầu và trúng thầu đúng theo quy định. Hơn nữa, trong suốt quá trình làm việc cũng không xảy ra trục trặc, khiếu nại, kiện cáo gì.
Hiện nay, các dự án tại Đà Nẵng mà Louis Berger Group tham gia cũng đã kết thúc và quyết toán xong. Chẳng hạn như cầu Nguyễn Tri Phương là cây cầu được thiết kế hiện đại do đơn vị tư vấn giám sát Louis Berger Group đảm nhận. Tổng vốn đầu tư cây cầu này trên 1.000 tỉ đồng và đơn vị điều hành dự án là Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng.
Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng bắt đầu từ năm 2008 và hoàn thành năm 2013, được đầu tư bằng nguồn vốn ODA của WB và vốn đối ứng trong nước. Dự án có tổng mức đầu tư là 218,471 triệu USD. Trong đó, vốn của WB là 152,438 triệu USD và vốn đối ứng trong nước là 66,033 triệu USD.
Q.Châu
Bình luận (0)