Sáng 28-6, TAND TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) đã tuyên buộc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại – Du lịch Công Lý (gọi tắt là Công ty Công Lý) nhận chị Phạm Tuyết Mai (36 tuổi, ngụ huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) trở lại làm việc và bồi thường mọi tổn thất trong thời gian chị Mai bị cho thôi việc trái pháp luật theo yêu cầu của nguyên đơn, đúng với quy định của pháp luật.
Chị Mai từng là công nhân của Nhà máy xử lý rác TP Cà Mau (trực thuộc Công ty Công Lý). Chiều 4-8-2014, trong lúc làm việc phân loại rác, chị Mai nhặt được chiếc bóp nữ, bên trong có nhiều nữ trang bằng vàng, tổng cộng gần 5 lượng.
Biết chuyện, lãnh đạo nhà máy gặp chị Mai và yêu cầu giao nộp toàn bộ số vàng nhặt được vì cho rằng đó là tài sản của công ty. Chị Mai không đồng ý nên hai bên cùng gọi điện cho công an phường đến xử lý. Toàn bộ số vàng nhặt được sau đó được bàn giao cho Công an TP Cà Mau để thông báo tìm chủ sở hữu.
Ngày 13-8-2014, ông Nguyễn Tiến Tân, Giám đốc điều hành Nhà máy xử lý rác TP Cà Mau, tổ chức cuộc họp xử lý chị Mai vì cho rằng xâm phạm nghiêm trọng tài sản công ty. Biên bản cuộc họp quy kết chị Mai vi phạm quy định của Tổng giám đốc công ty về việc kiểm soát ra, vào cổng và chống trộm cắp, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản và lợi ích công ty vì nhặt được vàng mà không chịu bàn giao cho đơn vị… Đồng thời khẳng định luôn cho chị Mai nghỉ việc cùng ngày. Cho rằng, mình không có lỗi nên chị Mai không đồng ý ký tên vào biên bản.
Đến ngày 5-9-2014, lãnh đạo nhà máy gọi điện thoại yêu cầu chị Mai đến nhận quyết định chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) do ông Tô Công Lý, Phó Tổng giám đốc Công ty Công Lý ký ngày 1-9. Nội dung chấm dứt hợp đồng lao động đối với chị Mai kể từ ngày 13-8, nhưng không nêu rõ cụ thể nữ công nhân vi phạm lỗi gì.
Cho rằng bị chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, chị Mai khởi kiện đến TAND TP Cà Mau, yêu cầu xem xét tuyên hủy Quyết định 211 của Công ty Công Lý, nhận trở lại làm việc và truy nộp toàn bộ chi phí đóng BHXH, BHYT, BHTN kể từ ngày chị bị công ty cho nghỉ việc cho đến ngày được nhận trở lại làm việc; bồi thường tiền lương trong những ngày không được làm việc (3,4 triệu đồng/tháng nhân cho số tháng bị cho nghỉ việc) và bồi thường hai tháng lương do chấm dứt HĐLĐ trái luật gần 7 triệu đồng.
Đại diện cho Công ty Công Lý, tại tòa, ông Nguyễn Tiến Tân, Giám đốc điều hành Nhà máy xử lý rác TP Cà Mau tiếp tục khẳng định tài sản chị Mai nhặt được trong quá trình xử lý rác là tài sản của công ty nên việc chị Mai không giao nộp theo yêu cầu của lãnh đạo nhà máy là xâm phạm nghiêm trọng đến tài sản của công ty. Do đó, không đồng ý với các yêu cầu của chị Mai, khẳng định quyết định chấm dứt HĐLĐ với chị Mai là đúng quy trình và đúng luật.
Tham gia phiên tòa với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chị Mai, luật sư Hồ Nguyên Lễ, Văn phòng Luật sư Tín Nghĩa (Đoàn Luật sư TPHCM), cho rằng HĐLĐ mà Công ty Công Lý ký lần thứ 3 với chị Mai có thời hạn 36 tháng là trái với Bộ Luật Lao động (BLLĐ). “Điều 22 BLLĐ quy định chỉ được ký HĐLĐ có thời hạn 2 lần, lần thứ 3 phải ký HĐLĐ không xác định thời hạn. Do đó, tôi đề nghị HĐXX xem xét HĐLĐ 36 tháng mà Công ty Công Lý ký với chị Mai phải được xem là HĐLĐ không xác định thời hạn. Ngoài ra, Quyết định số 211 của Công ty Công Lý về việc chấm dứt HĐLĐ với chị Mai không căn cứ vào quy định, điều luật nào của BLLĐ là trái pháp luật…”, luật sư Lễ phân tích.
Về phía Công ty Công Lý, ông Tân không có tranh luận gì thêm tại phiên tòa.
HĐXX nhận định rằng, HĐLĐ ký lần 3 giữa công ty với chị Mai có thời hạn 36 tháng là chưa đúng, không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Do đó HĐXX xác định đây là HĐLĐ không xác định thời hạn theo Điều 22 BLLĐ.
Cũng theo HĐXX, phiên họp xử lý chị Mai ngày 13-8-2014 không có mặt của người sử dụng lao động là Công ty Công lý, nên công ty chưa chứng minh được lỗi của người lao động theo quy định. Đặc biệt là việc công ty căn cứ vào các quy định nội bộ của công ty để buộc người lao động thôi việc, trong khi nội quy này chưa được đăng ký với các cơ quan chức năng. Do đó, dựa vào quy định của công ty để chấm dứt HĐLĐ với chị Mai là chưa đủ căn cứ, vi phạm quy định pháp luật, vi phạm thời hạn báo trước... Mặt khác, Quyết định 211 của Công ty Công Lý không căn cứ vào quy định, điều luật nào của BLLĐ để làm căn cứ chấm dứt HĐLĐ với người lao động…
Từ các cơ sở trên, HĐXX chấp nhận yêu cầu của chị Mai, tuyên hủy Quyết định 211, buộc Công ty Công Lý nhận chị Mai trở lại làm việc, trả tiền lương trong thời gian chị Mai không làm việc 22,5 tháng với số tiền hơn 76 triệu đồng, truy nộp BHXH, BHYT và các yêu cầu khác của chị Mai.
Trở lại vụ chị Mai nhặt được hơn 5 lượng vàng trong rác. Sau hơn 1 năm Công an TP Cà Mau thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng tìm chủ sở hữu nhưng không có ai đến nhận, lẽ ra chị Mai phải được xác lập quyền sở hữu. Cho đến khi báo chí vào cuộc vụ tranh chấp số vàng này giữa chị Mai với Công ty Công Lý thì một phụ nữ ở TP Cà Mau đứng ra nhận mình là chủ nhân của số vàng nói trên và đã được cơ quan chức năng cho nhận lại toàn bộ số vàng cho rằng bị đánh mất. Chị Mai cho biết hiện đã nộp đơn khởi kiện vụ tranh chấp số tài sản này.
Bình luận (0)