Nữ sinh viên tình nguyện trong bộ áo dài quạt mát cho những người xếp hàng vào viếng Đại tướng
Hôm nay 10-10, ngày cuối cùng viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng 30 Hoàng Diệu, dòng người từ khắp mọi phương vẫn đổ về đây mỗi lúc một đông khi hay tin lễ viếng sẽ kết thúc lúc 18 giờ cùng ngày, sớm hơn 1 ngày so với dự kiến trước đây.
Dòng người hôm nay còn dài hơn mọi ngày, kéo dài cả km, từ vỉa hè đường Hoàng Diệu sang đường Điện Biên Phủ, đến tận quảng trường Ba Đình trước cửa Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chờ đợi lâu trong cái nắng, không ít người già và trẻ em bị mệt lả. Các tình nguyện viên đã lập tức đưa nước, quạt giấy, mũ, bánh mì, xúc xích… đến cho mọi người.
Các tình nguyện viên của Thành đoàn Hà Nội còn dựng ô những chỗ nắng, quạt cho các cụ già và trẻ em, hướng dẫn những người nước ngoài… Các nhà vệ sinh di động được lắp đặt tại vị trí thích hợp để phục vụ những người đến viếng.
Để hàng lối được nghiêm túc và đảm bảo an toàn cho người đến viếng, trước cửa nhà Đại tướng, vài chục sinh viên tình nguyện đã nắm tay nhau tạo thành một hàng rào ngăn cách dòng người với lòng đường.
Những cựu binh sức khỏe yếu, những thương binh, người tàn tật đến viếng được các bạn sinh viên tình nguyện nhiệt tình, chu đáo hướng dẫn, dìu đi đến tận cửa.
Tại các ngã tư Điện Biên Phủ - Trần Phú; Hoàng Diệu - Nguyễn Thái Học, Hoàng Diệu Điện Biên Phủ… có các tình nguyện viên đội hình phản ứng nhanh về giao thông thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, phân luồng, giảm thiểu ùn tắc giao thông.
Đại diện Quỹ Cơm từ thiện hảo tâm của Hà Nội cho biết mỗi ngày Quỹ này sẽ phát 1.000 chai nước, 1.000 chiếc quạt giấy và nhiều bánh mì, đồ ăn cho đồng bào.
“Có những người dân xếp hàng từ sáng tới chiều mới được vào viếng Đại tướng. Có những người xếp hàng từ giữa trưa, đến gần tối thì hết giờ không vào viếng được, lại phải đi về sáng hôm sau đến xếp hàng sớm. Những gì chúng tôi làm không thấm vào đâu so với tâm nguyện của người dân muốn viếng Đại tướng” - một tình nguyện viên trong quỹ cho biết.
Bác Nguyễn Văn Chính, một cựu binh từng tham gia chiến dịch tết Mậu Thân năm 1968 tại Quảng Trị cho biết, bác đang là thành viên của 1 hội đón tìm liệt sĩ. Dù đã vào viếng Đại tướng ngay từ ngày đầu tiên song bác vẫn túc trực ở số 30 Hoàng Diệu hàng ngày để đón các hội viên đến viếng Đại tướng từ các địa phương.
Bác chỉ cho chúng tôi xem vết thương trên đầu còn găm 7 mảnh bom và tự hào nói: “Tôi được gặp bác Giáp rất nhiều lần và luôn ấn tượng với những cử chỉ ân tình của bác. Trong các buổi họp, bác luôn mời những cụ già lên đầu. Bác từ chối gặp nhiều lãnh đạo nhưng dù mệt đến mấy bác vẫn gặp mặt các cháu học sinh giỏi. Được sống chiến đấu dưới sự chỉ đạo của bác là vinh dự của bất kỳ người lính nào”.
Những hình ảnh phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận:
Hàng ngàn người kéo dài tới trụ sở Bộ Ngoại giao và tới khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Dựng ô che cho mọi người đứng chờ vào viếng
Hai trong nhiều điểm phục vụ nước miễn phí cho người đến viếng
Phát nước uống đến tận tay đồng bào đợi vào viếng cụ
Thanh niên tình nguyện phát báo và mũ cho hàng người đứng chờ
Một tình nguyện viên phát bánh kẹo cho các em học sinh
Sinh viên tình nguyện giúp chị lao công thu gom rác
Nhà sư mang theo ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào viếng Đại tướng
Một bạn sinh viên hướng dẫn cho các bạn nước ngoài vào viếng Đại tướng
Một bạn thanh niên tình nguyện khác giúp đỡ một cựu binh mang câu đối vào dâng Đại tướng
Các nhà vệ sinh di động được huy động để phục vụ người dân
Bác Nguyễn Văn Chính, người từng trực tiếp tham gia mũi đánh bộc phá đầu tiên trong trận Tết Mậu Thân năm 1968 tại Quảng Trị, đã vào viếng Đại tướng ngay từ ngày đầu tiên song vẫn túc trực ở số 30 Hoàng Diệu hàng ngày để đón các hội viên hội đón tìm liệt sĩ đến viếng Đại tướng từ các địa phương
Vừa đợi vừa ngâm thơ về Đại tướng
Dòng người vẫn tiếp tục kéo dài cả 1 km, từ đường Hoàng Diệu sang đường Điện Biên Phủ, tới tận trước lăng Bác
Bình luận (0)