Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với tình trạng hạn, mặn ở ĐBSCL hiện nay, khoảng 339.234 ha lúa của 8 tỉnh ven biển có nguy cơ thiệt hại. Chính quyền 4 tỉnh ven biển đang huy động sức người, sức của để cứu lúa. Ngành nông nghiệp cũng dự kiến một số dự án tiếp tục đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt cho vùng mặn thiên nhiên này để nông dân tiếp tục trồng lúa an toàn.
Sống chung với nước mặn
Phần lớn tin tức xâm nhập mặn chỉ nói đến khía cạnh cây lúa nên đã khiến dư luận xem nước mặn là kẻ thù, mọi người phải chống bằng mọi cách. Rất may, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong kỳ họp cuối tháng 2-2016 đã đánh giá tình trạng hạn hán năm nay tương đối toàn diện, ưu tiên cứu người dân thiếu nước ngọt sinh hoạt trước khi cứu lúa. Thủ tướng cũng gợi ý chuyển đổi sang cây trồng nào ít tốn nước hơn cho dân sản xuất.
Tỉnh Kiên Giang đầu tư hơn 100 tỉ đồng nạo vét kênh mương để chống hạn hán, xâm nhập mặn. Trong ảnh: Công trình cống thủy lợi Kênh Hai ở xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang Ảnh: LÊ HUY HẢI
Thiên nhiên đã và đang trừng phạt những ai cố trồng lúa trong điều kiện không thích hợp - tức là trong mùa không nước ngọt tại vùng mặn. Trong việc này, tiếng nói của những người nuôi tôm sau khi thu hoạch lúa của tỉnh Bạc Liêu lại ít được phổ biến. Hằng năm, nông dân thực hiện hệ thống canh tác lúa - tôm muốn có nước mặn để nuôi tôm nhưng phải đấu tranh với nông dân trồng lúa không cho nước mặn vào vùng này. Rốt cuộc, cả lúa và tôm đều bị thiệt hại.
Trong số các quốc gia dọc sông Cửu Long, Việt Nam là nước đầu tiên đã và đang lấy nước sông Tiền và sông Hậu nhiều nhất để mở rộng diện tích lúa có tưới trong mùa khô (đông xuân) từ hơn 35 năm nay. Nhờ đó, sản lượng lúa của Việt Nam tăng gấp 5 lần so với năm 1974, đạt 25,5 triệu tấn lúa năm 2014; vượt qua ngưỡng tự túc lương thực, xuất khẩu hằng năm 6-7 triệu tấn gạo. Sau đó, các nước khác dọc sông Cửu Long cũng mở thêm diện tích lúa cao sản ngắn ngày vụ đông xuân như Trung Quốc, Lào và Campuchia. Hai năm gần đây, Thái Lan cũng đắp đập lấy nước Cửu Long về tưới cho vùng Đông Bắc khô cằn nghèo khó.
Ngoài ra, hệ thống hơn 12 đập thủy điện trên dòng chính sông Cửu Long từ Vân Nam - Trung Quốc sang Lào chắc chắn ảnh hưởng xấu đến lượng nước cuối nguồn. Như thế, khối lượng dòng chảy sông Cửu Long về đến ĐBSCL sẽ tiếp tục giảm, nhất là vào mùa khô.
Nông dân khó giàu bằng lúa gạo
Trong quy hoạch cho cây lúa cao sản của ĐBSCL, từ khi chúng ta sử dụng lúa ngắn ngày đã bố trí trồng 2 vụ đông xuân và hè thu, để mùa lũ tự nhiên cho khai thác thủy sản thiên nhiên. Tại vùng ven biển nhiễm mặn trong mùa khô, chúng ta cũng đã bố trí 1 vụ lúa trong mùa mưa và khi dứt mưa thu hoạch lúa xong, lúc ruộng lúa đang còn sình lầy thì nông dân cho nước mặn lên ruộng để nuôi tôm, các kèo, cua... đạt lợi tức trên 3 lần lúa với nước mặn.
Như thế, chúng ta không cần chống mặn bằng những biện pháp quá tốn kém để cố trồng thêm vụ lúa. Với tư duy “tất cả cho an ninh lương thực”, người ta đã xem nước mặn là kẻ thù phải chống triệt để. Thế nhưng, nông dân không thể làm giàu bằng lúa gạo, như kinh nghiệm 40 năm qua đã cho thấy. Trồng lúa phải tiêu tốn khối lượng ngân sách khổng lồ, tiêu tốn khối lượng nước ngọt quý hiếm rất lớn đáng lẽ phải dành cho nước sinh hoạt của dân ven biển nhưng giá lúa thì luôn thấp mà đầu ra rất bấp bênh.
Chính sách “an ninh lương thực” đã làm tốt nhiệm vụ lịch sử, bây giờ phải sang chính sách “tái cơ cấu nông nghiệp.” Philippines, Indonesia có GDP đầu người cao hơn Việt Nam vì tập trung cho dân sản xuất cây trồng đắt giá. Các nước này đều mua gạo với giá thấp từ Việt Nam.
Trong thời đại tái cơ cấu nông nghiệp khi khí hậu biến đổi khó lường, nước ngọt là tài nguyên thiên nhiên quý hiếm không tái tạo được thì chúng ta không nên xem nước mặn là kẻ thù mà là bạn tốt. Từ đó, chọn hướng sản xuất thâm canh những cây trồng, vật nuôi theo các hệ thống canh tác làm giàu bền vững tại vùng nhiễm mặn.
Bình luận (0)