Phải mất hồi lâu xem tướng số, ông Đoàn Phước Thuận (65 tuổi, ngụ phường 4, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) - Chủ nhiệm CLB UNESCO nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Phú Yên - mới cho tôi bước chân lên lầu 3 nhà ông. Đó là nơi ông trưng bày những thứ quý giá và thờ tự các cổ vật thiêng mà phải những người tầm cỡ về nghiên cứu cổ vật như cố giáo sư Trần Quốc Vượng hay tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng, mới được chiêm ngưỡng.
Những cổ vật độc nhất vô nhị
Từ một võ sư Vovinam, có nhà hàng lớn ở TP Tuy Hòa, giờ đây, ông Thuận dành hết thời gian và tâm sức cho cổ vật. Căn nhà của ông như một bảo tàng mini trưng bày gần 1.000 hiện vật, trong đó nhiều nhất là đồ lam Huế.
Ông không những sưu tầm đầy đủ theo chủ đề, ví như chủ đề trà phải có xuân, hạ, thu, đông, mà còn có những cổ vật thuộc hàng độc nhất vô nhị trong giới chơi cổ vật hiện nay. Đó là chiếc đĩa được thiết kế bởi người được xem là nhà cải cách Việt Nam giữa thế kỷ XIX Đặng Huy Trứ. Hay như chiếc đĩa trà mai hạc đề thơ Nôm được xếp vào hàng “độc” vì… viết sai và viết xấu. Một câu thơ lục bát thường được đề trong đồ mai hạc là “Nghêu ngao vui thú yên hà. Mai là bạn cũ, hạc là người quen”. Thế nhưng, chỉ duy nhất ông Thuận lại có chiếc đĩa viết ở dạng bát lục “Nghêu ngao vui thú yên hà mai là, Bạn cũ hạc là người quen”.
Giải thích về điều này, tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn cho rằng ngày trước, một số món đồ được người Việt sang tận Trung Quốc đặt làm. Trong khi đó, chữ Nôm là chữ người Việt, thợ Tàu không biết, không hiểu nên viết sai. Và thế là thành hàng “độc”. “Vừa sưu tầm, vừa học hỏi, ông Đoàn Phước Thuận đã tích cóp gần một ngàn món cổ vật gốm sứ các loại và một kho kiến thức phong phú về thú chơi đồ” - nhà nghiên cứu cổ vật Trần Đức Anh Sơn nhận xét.
Còn giáo sư Thomas Ulbrich, một chuyên gia về đồ cổ của Đức, cũng phải ngỡ ngàng khi một lần ghé bảo tàng của ông Thuận. “Chúng ta đến đây để được chiêm ngưỡng bộ sưu tập cá nhân trưng bày hầu hết những đồ sứ ở miền Nam Việt Nam. Ông Đoàn Phước Thuận đã đóng góp vào việc bảo tồn những di sản văn hóa của đất nước”- giáo sư Thomas Ulbrich viết.
Ông Thuận cho rằng hầu hết các món đồ cổ của ông đều được mua bằng vàng, có những món không dưới 10 lượng vàng. Hỏi về gia sản đồ cổ của mình, ông chỉ cười. Nhưng theo một số hội viên CLB UNESCO nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Phú Yên, kho tàng ấy giá trị hàng chục tỉ đồng.
Cái cách “đại gia” của ông Thuận chỉ được hé lộ khi ông tổ chức đám cưới cho con gái gần đây. Trong đám cưới ấy, toàn bộ chén, tô, dĩa đựng thức ăn ông dọn ra bàn đều bằng đồ cổ...
Đồ cổ: Một phần cuộc sống
Khắp các tỉnh miền Trung và trên cả nước, giới chơi đồ cổ không ai không biết đến Khánh “đồ cổ” - ông Phạm Phú Khánh (SN 1959, ngụ quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng). Căn nhà rộng rãi, nằm sâu trong con hẻm trên đường Ông Ích Khiêm trưng bày cổ vật từ ngoài cổng vào nhà. Là người chuyên sưu tầm đồ sành sứ của thời nhà Nguyễn, hiện trong nhà ông có đến hàng ngàn cổ vật đủ các loại từ gốm sứ, chum chóe…
Để có được gia sản gồm hàng ngàn cổ vật quý như hiện nay, ông Khánh đã lặn lội, tìm kiếm khắp cả nước suốt 30 năm. Mỗi khi nghe ở đâu có món đồ quý, ông lại bỏ hết công việc, vội vã lên đường.
Năm 1990, ông phát hiện một gia đình người dân tộc Cơ Tu ở huyện Hiên, tỉnh Quảng Nam (nay là huyện Đông Giang và Tây Giang) sở hữu cái chum cổ xưa quý hiếm. Ông tìm mọi cách thuyết phục chủ nhà bán lại với giá cao nhưng họ một mực không chịu.
Suốt 10 năm sau đó, thỉnh thoảng, ông Khánh lại đến nhà họ thuyết phục. Mãi đến năm 2002, khi chiếc chum được truyền lại cho người nối dõi trong gia đình thì ông Khánh mới mua được với giá 3 cây vàng. Không chỉ vậy, ông còn mua vật liệu xây dựng để gia đình người bán chum làm một cái nhà khang trang rồi mới được mang đi.
Thú chơi đồ cổ đã mang lại cho ông Khánh khối tài sản khá lớn qua những lần trao đổi các món đồ quý. Có những món đồ mua với giá 2 cây vàng nhưng bán lại lấy 15 cây vàng là chuyện thường. Tuy nhiên, cũng có nhiều món đồ dù được trả giá rất cao nhưng ông kiên quyết không bán.
Theo ông Khánh, khu vực miền núi ở tỉnh Quảng Nam (giáp tỉnh Thừa Thiên - Huế) là nơi còn giữ nhiều đồ cổ được sử dụng ở các triều đình vua chúa xưa bởi trong thời loạn lạc, người dân vô tình nhặt được trong hoàng cung, biết người Cơ Tu quý các món đồ này nên mang sang bán.
“Nhiều khi mình mua đồ xong, mang đi rồi thì chủ ngồi khóc tu tu. Người Cơ Tu rất quý vật dụng trong gia đình, đặc biệt những món đồ gia truyền, cổ xưa. Có khi họ ra giá một món đồ cổ bằng 4 bát bột vàng là mình biết họ không muốn bán” - ông Khánh tâm sự.
Với ông Khánh, thú chơi đồ cổ đã ngấm vào máu, đến nỗi ông đi đâu, làm gì cũng muốn nhìn thấy cổ vật. “Tôi mang những món đồ cổ có giá trị thấp vào đặt tại toilet để nhìn thấy như thể thỏa lòng đam mê. Trong phòng ngủ, nhà bếp đều trưng bày cổ vật. Đó là một phần cuộc sống của tôi. Có khi nghe ở đâu đó có đồ cổ, biết người ta không bán nhưng tôi vẫn bỏ mấy ngày trời đi đến nhìn cho được món đồ đó rồi lại đi về cũng thỏa lòng” - ông Khánh nói.
Ông Khánh cho hay việc săn lùng và tìm mua cổ vật rộ lên cách đây khoảng 10 năm. Người chuyên mua và tìm kiếm cổ vật chủ yếu là người miền Bắc, trong khi người miền Nam chủ yếu mua đi bán lại cổ vật để kinh doanh. Hiện pháp luật đã nới lỏng quy định nên cổ vật có thể mua đi bán lại, chỉ không được phép đưa ra nước ngoài.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 24-11
Kỳ tới: Thế giới thiêng liêng mà bịp bợm
Bình luận (0)